Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

CHƯƠNG 22 - Sách Công Vụ Tông Ðồ

 Ông Phao-lô nói với người Do-thái ở Giê-ru-sa-lem
(1) "Thưa anh em, thưa các bậc tiền bối, xin nghe những lời biện bạch tôi nói với quý vị bây giờ đây". (2) Khi nghe thấy ông nói với họ bằng tiếng Hípri, họ càng yên lặng hơn. Ông nói tiếp: (3) "Tôi là người Dothái, sinh ở Tácxô miền Kilikia, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Gamaliên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay. (4) Tôi đã bắt bớ Ðạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Ðạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, (5) như cả vị thuợng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Ðamát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giêrusalem trừng trị.
(6) "Ðang khi tôi đi đường và đến gần Ðamát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. (7) Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: "Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?" (8) Tôi đáp: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" Người nói với tôi: "Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ". (9) Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Ðấng đang nói với tôi. (10) Tôi nói: "Lạy Chúa, con phải làm gì?" Chúa bảo tôi: "Hãy đứng dậy, đi vào Ðamát, ở đó người ta sẽ nói cho con biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho con phải làm". (11) Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Ðamát.
(12) "Ở đó, có ông Khanania, một người sùng đạo, sống theo Lề Luật và được mọi người Dothái ở Ðamát chứng nhận là tốt. (13) Ông đến, đứng bên tôi và nói: "Anh Saun, anh thấy lại đi!" Ngay lúc đó, tôi thấy lại được và nhìn ông. (14) Ông nói: "Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Ðấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng Ðấng ấy phán ra. (15) Quả vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Ðấng ấy trước mặt mọi người về các điều anh đã thấy và đã nghe. (16) Vậy bây giờ anh còn chần chừ gì nữa? Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch tôi lỗi, miệng kêu cầu danh Người".
(17) Khi trở về Giêrusalem, đang lúc tôi cầu nguyện trong Ðền Thờ, thì tôi xuất thần (18) và thấy Chúa bảo tôi: "mau lên, hãy rời khỏi Giêrusalem gấp, vì chúng sẽ không nhận lời con làm chứng về Thầy đâu". (19) Tôi thưa: "Lạy Chúa, chính họ biết rõ con đây đã đến từng hội đường bắt giam và đánh đòn những kẻ tin Chúa. (20) Khi người ta đổ máu ông Têphanô, chứng nhân của Chúa, thì chính con cũng có mặt, con tán thành và giữ áo cho những kẻ giết ông ấy". (21) Chúa bảo tôi: "Hãy đi, vì Thầy sẽ sai con đến với các dân ngoại ở phương xa".
Ông Phao-lô, công dân Rô-ma
(22) Ðám đông lắng nghe ông Phaolô nói tới đó thì hét lên: "Hãy bứng khỏi mặt đất loại người như thế ! Nó không đáng sống!" (23) Họ hò la, phất áo và tung bụi lên trời. (24) Vị chỉ huy cơ đội ra lệnh đem ông Phaolô vào đồn và truyền đánh đòn tra tấn, để biết lý do tại sao người ta hò hét phản đối ông ấy như vậy. (25) Họ vừa nọc ông Phaolô ra để đánh đòn, thì ông nói với viên đại đội trưởng đứng gần đó: "Một công dân Rôma chưa được xét xử, các ông có được phép đánh đòn không?" (26) Nghe vậy, viên đại đội trưởng đi báo cáo cho vị chỉ huy rằng: "Ông định làm gì bây giờ? Ðương sự là công dân Rôma!" (27) Vị chỉ huy liền đến gặp ông Phaolô và hỏi: "Ông nói cho tôi biết: ông là công dân Rôma sao?" Ông Phaolô trả lời: "Phải". (28) Vị chỉ huy nói tiếp: "Tôi đây, tôi phải tốn bao nhiêu tiền của mới mua được quyền công dân ấy". Ông Phaolô đáp: "Còn tôi, sinh ra đã có quyền ấy rồi". (29) Lập tức những người sắp tra tấn ông rút lui, còn vị chỉ huy thì phát sợ, vì biết rằng ông Phaolô là công dân Rôma mà mình lại đã còng ông ấy.
Ông Phao-lô ra trước Thượng Hội Ðồng
(30) Hôm sau, vì muốn biết chắc chắn người Dothái tố cáo ông Phaolô về điều gì, vị chỉ huy tháo xiềng cho ông và ra lệnh cho các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Ðồng họp lại, rồi ông đưa ông Phaolô từ đồn xuống, để ra trước mặt họ.
CHIA SẺ

Điểm khởi đầu cho việc bào chữa của Phao-lô là căn tính của ông đối với người Do thái (c.1-16; 1Cr 9:19-23). Ông được sinh ra, huấn luyện, và sứ vụ trong giai đoạn đầu của ông trong tư cách là một người Ra-bi rất chính thống. Ông đã nối kết việc hoán cải của mình với A-na-ni-a, “một người đạo đức sống theo luật” (c.12). Ông xử lý rất là khéo, và qua cách xử lý đó để tiếp xúc với mọi người.
Điểm thay đổi của việc Phao-lô bào chữa là ông dùng từ dân ngoại (c.17). Nếu ông không dùng từ này, Phao-lô có thể đã được tự do; nhưng toàn bộ gánh nặng của cuộc đời ông là hướng đến người dân ngoại (Ep 3:1-13). Phao-lô đã bị bắt bởi sự mù quáng trong niềm tin tôn giáo; dân của ông đã không nhận ra rằng Thiên Chúa đang làm một điều mới mẻ cho thế giới.
Điểm kết là sự đe dọa nghiêm trọng mà Phao-lô đã tránh bởi trình bày mình là công dân Rô-ma (c.22-29). Từ  lúc đó, là việc chúng ta nghe từ điều này sang điều khác và việc trì hoãn trong 2 năm ở Cê-sa-rê. Nhưng Thiên Chúa đang thực hiện ý muốn của Ngài trong thời của Ngài, và Phao-lô sẵn sàng để chờ đợi.
Phao-lô đã nhìn lại con người quá khứ của mình, những điều ngài đã thực hiện, và cả tương lai của mình. Khi bạn nhìn lại những thời điểm trong cuộc sống của mình, đâu là những điểm mốc quan trọng, và bạn có thấy Thiên Chúa hiện diện vào những thời điểm đó chăng? Điều đó có giúp gì cho bạn bước tiếp trong những tháng ngày sắp tới?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC