Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

CHƯƠNG 25 - Sách Công Vụ Tông Ðồ

 Ông Phao-lô kháng cáo lên hoàng đế Xê-da
(1) Ba ngày sau khi nhậm chức, tổng trấn Phéttô từ Xêdarê lên Giêrusalem. (2) Các thượng tế và thân hào Dothái đến kiện ông Phaolô. Họ khẩn khoản (3) xin tổng trấn một ân huệ để hại ông Phaolô, là đưa ông về Giêrusalem, vì họ đang chuẩn bị một cuộc mai phục để giết ông dọc đường. (4) Nhưng ông Phéttô đáp rằng ông Phaolô đang bị giam giữ ở Xêdarê, còn chính ông cũng sắp sửa về đó ngay. (5) Ông lại thêm: "Những ai trong các ông có đủ tư cách, hãy cùng xuống đó với tôi, và nếu đương sự có gì sai trái thì cứ việc tố".
(6) Sau khi ở lại Giêrusalem không quá tám hay mười ngày, ông xuống Xêdarê. Hôm sau ông ra ngồi trên toà và truyền điệu ông Phaolô đến. (7) Ông Phaolô vừa tới, thì những người Dothái từ Giêrusalem xuống đã vây quanh ông: họ tố cáo ông nhiều tội, mà toàn là tội nặng, nhưng họ không thể minh chứng. (8) Ông Phaolô tự biện hộ: "Tôi không có tội gì đối với Lề Luật Dothái, đối với Ðền Thờ hay hoàng đế Xêda". (9) Ông Phéttô muốn được lòng người Dothái nên đề nghị với ông Phaolô: "Ông có muốn lên Giêrusalem để được xử tại đó trước mặt tôi về những lời tố cáo này không?" (10) Nhưng ông Phaolô đáp: "Tôi đang đứng trước toà án của hoàng đế Xêda, tôi phải được xử tại đó. Tôi đã không làm gì hại người Dothái, như chính ngài thừa biết. (11) Nếu quả thật tôi có tội, nếu tôi đã làm điều gì đáng chết, thì tôi không xin tha chết. Nhưng nếu những điều tố cáo của các người này là vô căn cứ, thì không ai có quyền nộp tôi cho họ. Tôi không kháng cáo lên hoàng đế Xêda!" (12) Bấy giờ ông Phéttô bàn với hội đồng tư vấn, rồi trả lời: "Ông đã kháng cáo lên hoàng đế Xêda, thì ông sẽ lên hoàng đế Xêda".
Ông Phaolô ra trình diện vua Ác-ríp-pa
(13) Ít ngày sau, vua Ácríppa và bà Bécnikê đến Xêdarê chào mừng ông Phéttô. (14) Vì hai người ở lại đó nhiều ngày, ông Phéttô mới đem vụ ông Phaolô ra trình bày với nhà vua. Ông nói: "Ở đây có một người tù ông Phêlích để lại. (15) Khi tôi tới Giêrusalem, các thượng tế và các kỳ mục Dothái đến kiện và xin tôi kết án người ấy. (16) Tôi đã trả lời họ rằng người Rôma không có lệ nộp bị cáo nào, trước khi đương sự ra đối chất với nguyên cáo, và được cơ hội biện hộ về lời tố cáo. (17) Vậy họ cùng đến đây với tôi, và không chút trì hoãn, ngày hôm sau tôi ra ngồi trên toà và truyền điệu đương sự đến. (18) Ðứng quanh đương sự, các nguyên cáo đã không đưa ra một tội trạng nào như tôi tưởng. (19) Họ chỉ tranh luận với ông ta về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo riêng của họ, và liên quan đến một ông Giêsu nào đó đã chết, mà Phaolô quả quyết là vẫn sống. (20) Phần tôi, phân vân trước cuộc tranh luận về những chuyện ấy, tôi hỏi xem ông ta có muốn đi Giêrusalem để được xử tại đó về vụ này không. (21) Nhưng Phaolô đã kháng cáo, xin dành vụ này cho Thánh Thượng xét xử, nên tôi đã ra lệnh giữ ông ta lại cho đến khi giải lên hoàng đế". (22) Bấy giờ vua Ácríppa nói với ông Phéttô: "Tôi cũng muốn được nghe ông ta nói". Ông Phéttô trả lời: "Ngày mai ngài sẽ được nghe".

(23) Vậy hôm sau vua Ácríppa và bà Bécnikê tiến vào công đường cách rất long trọng, cùng với các sĩ quan chỉ huy cơ đội và các người có chức vị trong thành phố. Theo lệnh của ông Phéttô, người ta điệu ông Phaolô đến. (24) Ông Phéttô nói: "Kính thưa đức vua Ácríppa và toàn thể quý vị có mặt ở đây với chúng tôi, quý vị thấy người này: toàn thể cộng đồng Dothái đã đến gặp tôi, ở Giêrusalem cũng như ở đây, về việc của đương sự. Họ la lên rằng đương sự không được phép sống nữa. (25) Phần tôi, tôi không thấy đương sự đã làm gì đáng chết; nhưng vì chính đương sự đã kháng cáo lên thánh thượng, nên tôi đã quyết định giải về kinh. (26) Về vụ của đương sự, tôi không có gì chắc chắn để tâu lên chúa thượng. Vì thế tôi đã đưa đương sự ra trình diện quý vị, và nhất là ngài, kính thưa đức vua Ácríppa, để sau lần tra hỏi này, tôi sẽ có gì để tâu. (27) Vì thiết tưởng giải tù nhân lên, mà không nói rõ đương sự bị tố cáo về những tội gì, thì thật là vô lý".
CHIA SẺ
 Phét-tô đã cố gắng dùng Phao-lô như  bàn đạp chính trị để chiếm được cảm tình của người Do thái (c.3,9). Nếu ông đã thành công và chuyển Phao-lô về Giê-ru-sa-lem, vị Tông đồ của chúng ta đã có thể bị giết. Phao-lô đã làm một điều khôn ngoan: ông đã dùng quyền của mình trong tư cách là một công dân Rô-ma và cầu xin Xê-da-rê. Nhiều khi người tín hữu cần phải dùng luật hợp pháp để bảo vệ mình và sứ vụ của họ.
Nhưng Phét-tô có một khó khăn. Làm thế nào ông gửi Phao-lô đến Xê-da khi ông không tìm thấy những chứng lý để chống lại Phao-lô? Dân Thiên Chúa nhiều khi bị đối xử giống như phạm nhân ngay cả khi họ vô tội. Hãy nhớ Giuse, Đa-vít, Đa-ni-en, và Giê-rê-mi-a, đó là chưa kể đến Đức Giê-su Chúa chúng ta.
Cho dù mọi sự xảy đã xảy ra, Thiên Chúa đã hoàn tất lời hứa của Ngài với Phao-lô mà ông có thể làm chứng trước các người lãnh đạo (9:15) và cuối cùng đến Rô-ma (23:11). Là một tội nhân, nhưng ông đã sử dụng những cơ hội của mình một cách khôn ngoan. Ông đã tin vào Lời Chúa: “Nhưng đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy” (Lc 21:13).
Trong chương này với những lần phải ra tòa, Phao-lô đã cho thấy một chứng từ tuyệt đẹp về sức mạnh quyền năng của Thiên Chúa thay đổi cuộc sống của một con người. Đây không chỉ là sự kiện xảy ra trong quá khứ, chính bản thân bạn cũng được mời gọi để quyền năng của Thiên Chúa biến đổi. Bạn có sẵn sàng để trở thành một chứng từ tuyệt với như thế chăng? Trong Mùa Chay thánh này, bạn đã cộng tác để ơn Chúa để thay đổi cuộc sống mình như thế nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC