Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

CHƯƠNG 1 - Thư Gửi Tín Hữu Ê-Phê-Xô

Lời mở đầu
(1) Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa được làm Tông Ðồ của Ðức Kitô Giêsu, kính gửi các thánh tại Êphêxô, là những người tin vào Ðức Kitô Giêsu. (2) Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an. 
I. Mầu Nhiệm Cứu Ðộ: Ðức Ki-Tô Và Hội Thánh 
Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa
(3) Chúc tụng Thiên Chúa
là Thân Phụ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Trong Ðức Kitô,
từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc
cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần.
(4) Trong Ðức Kitô,
Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ,
để trước thánh nhan Người,
ta trở nên tinh tuyền thánh thiện,
nhờ tình thương của Người.
(5) Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người,
Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử
nhờ Ðức Giêsu Kitô,
(6) để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời,
ân sủng Người ban tặng cho ta
trong Thánh Tử yêu dấu.
(7) Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra
chúng ta được cứu chuộc,
được thứ tha tội lỗi
theo lượng ân sủng rất phong phú của Người.
(8) Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta
cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu.
(9) Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu:
thiên ý này là kế hoạch yêu thương
Người đã định từ trước trong Ðức Kitô.
(10) Ðó là đưa thời gian tới hồi viên mãn
là quy tụ muôn loài trong trời đất
dưới quyền một thủ lãnh là Ðức Kitô,
(11) Thiên Chúa là Ðấng làm nên mọi sự
theo quyết định và ý muốn của Người,
đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng
theo kế hoạch của Người,
(12) để chúng tôi là những người đầu tiên
đặt hy vọng vào Ðức Kitô,
chúng tôi ngợi khen vinh quang Người.
(13) Trong Ðức Kitô, cả anh em nữa
anh em đã được nghe lời chân lý
là Tin Mừng cứu độ anh em;
vẫn trong Ðức Kitô,
một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần,
Ðấng Thiên Chúa đã hứa.
(14) Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta,
chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc,
để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa.
Ðức Kitô được siêu tôn
(15) Bởi vậy, cả tôi nữa, từ khi được nghe nói về lòng tin của anh em vào Chúa Giêsu, và về lòng mến của anh em đối với toàn thể các thánh, (16) tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì anh em, khi nhắc tới anh em trong những lời cầu nguyện của tôi. (17) Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển, là Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. (18) Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng các thánh, (19) đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Ðó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, (20) mà Người đã biểu dương nơi Ðức Kitô, khi làm cho Ðức Kitô chỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. (21) Như vậy, Người đã tôn Ðức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. (22) Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Ðức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; (23) mà Hội Thánh là thân thể Ðức Kitô, là sự viên mãn của Người, Ðấng làm cho tất cả được viên mãn.
DẪN NHẬP 
    Trong hành trình truyền giáo lần thứ hai, thánh Phao-lô đã thăm viếng Ê-phê-sô và đã rời A-qui-la và Phy-ghi-a (Cv 18:19-21). Thánh Phao-lô đã quay lại Ê-phê-sô hai năm sau đó và thi hành sứ vụ ở đây ba năm, rao giảng Tin Mừng cho toàn vùng Tiểu Á (Cv 19). Một vài năm sau đó, Phao-lô là một tù nhân ở Rô-ma (3:1; 4:1; 6:20), đã viết thư này cho những tín hữu ở Ê-phê-sô.
    Chủ đề chính của thư này là Thiên Chúa đang hoạt động trong thế giới này, ngang qua Giáo hội của Ngài, kết hợp mọi sự lại với nhau (c.1:10). Trong ba chương đầu, thánh Phao-lô đã giải thích điều này như công trình cứu chuộc (ch 1), phục sinh (2:1-10), và hòa giải (2:11-3:21). Trong những chương 4-6, thánh Phao-lô đã tuyên bố những trách nhiệm của các tín hữu trong ánh sáng mục đích vĩ đại của Thiên Chúa. Lưu ý việc nhấn mạnh đến từ đi.
    Ê-phê-sô là một thành phố quan trọng và hãnh diện là người canh giữ đền thờ thần Diana, một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Thành này đã tôn thờ các ngẫu thần, điều đó giải thích tại sao Phao-lô đã phải nói rất nhiều về việc đánh bại các sự dữ (6:10 tt).
    Thư Ê-phê-sô cho thấy sự cân bằng trong đời sống của một người tín hữu giữa học thuyết (ch 1-3) và trách nhiệm (ch 4-6), quyền năng thần linh và trách nhiệm của con người. Chúng ta không vâng phục Thiên Chúa để rồi Ngài ban ơn lành cho chúng ta; chúng ta vâng phục Ngài để đáp lại ân sủng đã được ban cho chúng ta.
CHIA SẺ
    Ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa. Con người không cứu được chính mình, vì “ơn cứu độ là từ Thiên Chúa” (Ga 2:9). Bạn nhận những phúc lành thiêng liêng từ Cha (c.1-6), từ Con (c.7-12), và từ Thánh Thần (c.13-14); và trong Đức Giê-su Ki-tô, bạn có tất cả những gì bạn cần cho cuộc sống và cho việc phục vụ. 
    Ơn cứu độ hoàn toàn là một ân sủng. Phao-lô đã nhấn mạnh đến điểm này trong suốt thư, đặc biệt trong 2:1-10. Ân sủng là một ơn mà Thiên Chúa ban cho những ai không thể làm được và không có thể đáng để được nhận lãnh.
    Ơn cứu độ là để tôn vinh danh Chúa. Thiên Chúa đã cứu những người tội nhân chứ không giải quyết những vấn đề của họ nhằm mang đến vinh quanh cho chính Ngài (c.6,12,14;3:21). Giáo hội sẽ tôn vinh Ngài cho đến mãi muôn đời! 
    Ơn cứu độ mặc khải sự vĩ đại của Thiên Chúa (c.15-23). Hãy xin Thiên Chúa để mở cặp mắt thiêng liêng của bạn để có thể nhìn thấy sự vĩ đại của quyền năng Ngài. Đức Giê-su vẫn hiện diện sống động và chinh phục mọi kẻ thù! Bạn có thể nhận được sức mạnh của Ngài để đáp ứng mọi nhu cầu trong cuộc sống của bạn.
    Khi đang  là một tù nhân ở Rô-ma, thánh Phao-lô vẫn luôn cảm nhận về những phúc lành trong đời mình. Đâu là những ân sủng mà bạn cảm nhận được trong hoàn cảnh hiện tại của bạn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC