Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

CHƯƠNG 1 - Thư Gửi Tín Hữu Phi-Líp-Phê

 Lời chào thăm
(1) Chúng tôi, Phaolô và Timôthê, là những tôi tớ của Ðức Kitô Giêsu, kính gửi toàn thể các thánh trong Ðức Kitô Giêsu ở Philípphê, củng kính gửi các vị giám quản và trợ tá. (2) Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta và Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an.
Tạ ơn và cầu nguyện
(3) Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi, mỗi lần nhớ đến anh em. (4) Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, (5) vì từ buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng. (6) Tôi tin chắc rằng: Ðấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Ðức Kitô Giêsu quang lâm. (7) Tôi có những tâm tình như thế đối với tất cả anh em, đó là điều hợp lý, bởi vì tôi mang anh em trong lòng tôi. Khi tôi bị xiềng xích, cũng như lúc tôi bênh vực và củng cố Tin Mừng, anh em đều thông phần vào ân sủng tôi đã nhận được. (8) Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Ðức Kitô Giêsu. (9) Ðiều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, (10) để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Ðức Kitô quang lâm. (11) Như thế, anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Ðức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.
Hoàn cảnh của thánh Phaolô
(12) Thưa anh em, tôi muốn anh em biết là những gì xảy đến cho tôi thật ra đã giúp cho Tin Mừng được tiến triển, (13) đến nỗi tại dinh vua quan cũng như ở mọi nơi khác, người ta đều hiểu rõ là chính vì Ðức Kitô mà tôi mang xiềng xích. (14) Vì thấy tôi bị xiềng xích, phần đông anh em có lòng tin cậy vào Chúa đã tỏ ra bạo dạn hơn để rao giảng lời Thiên Chúa mà không chút sợ hãi. (15) Ðã hẳn, có những kẻ rao giảng về đức Kitô vì lòng ganh tị và tranh chấp, song những người khác lại làm công việc đó vì ý ngay lành. (16) Những người này làm vì bác ái, bởi họ biết rằng tôi được chỉ định để lo bênh vực Tin Mừng. (17) Còn những người kia thì loan báo Ðức Kitô vì tính ưa tranh giành, họ không có lòng ngay, tưởng làm như thế là gây thêm khổ cho tôi, trong lúc tôi bị xiềng xích.(18) Nhưng không sao đâu! Dù thế nào đi nữa với ý lành hay ý xấu, miễn là Ðức Kitô được rao giảng là tôi mừng rồi. Và tôi sẽ còn mừng nữa, (19) bởi vì tôi biết rằng điều ấy sẽ giúp cho tôi đạt được ơn cứu độ, nhờ lời cầu nguyện của anh em, và nhờ Thần Khí của Ðức Giêsu Kitô phù trợ. (20) Ðó là điều tôi đợi chờ và hy vọng. Sẽ không có gì làm cho tôi phải hổ thẹn, trái lại tôi hoàn toàn vững tin. Bây giờ cũng như mọi lúc, Ðức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết: (21) vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, và chết là một mối lợi. (22) Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. (23) Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Ðức Kitô, điều này tốt hơn bội phần: (24) nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em. (25) Và tôi biết chắc rằng tôi sẽ ở lại và ở bên cạnh tất cả anh em để giúp anh em tấn tới và được hưởng niềm vui đức tin mang lại cho anh em. (26) Như thế, trong Ðức Kitô Giêsu, anh em càng có lý do để hãnh diện về tôi, khi tôi lại đến gặp anh em.
Chiến đấu cho đức tin
(27) Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Ðức Kitô. Như thế, dù tôi có đến thăm anh em hay vắng mặt đi nữa, tôi vẫn muốn được nghe người ta nói về anh em là anh em luôn đứng vững, cùng chung một tinh thần, một lòng một dạ cùng nhau chiến đấu vì đức tin mà Tin Mừng mang lại cho anh em. (28) về bất cứ điều gì, đừng sợ những kẻ chống đối anh em: đó là dấu chỉ cho thấy họ sẽ bị hư vong, còn đối với anh em, thì lại là dấu chỉ của ơn cứu độ. Ðiều ấy là ân huệ Thiên Chúa ban. (29) Quả thế, nhờ Ðức Kitô, anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người, mà còn được chịu đau khổ vì Người. (30) Nhờ vậy, anh em được tham dự cùng một cuộc chiến mà anh em đã thấy tôi phải đương đầu trước kia, và nay anh em nghe biết là tôi vẫn còn tiếp tục.
DẪN  NHẬP
    Được thành lập trong chuyến hành trình truyền giáo thứ hai của Phao-lô (Cv 16), giáo đoàn Phi-líp-phê là nguồn vui thực sự đối với Thánh Nhân. Nghe tin Phao-lô làm tù nhân ở Rô-ma, các tín hữu Phi-líp-phê đã gửi đến một quà tặng tình yêu đặc biệt; và trong lá thư này, Phao-lô viết để bày tỏ lời tri ân. Ngài cũng viết để giải thích lý do tại sao Epaphroditus, sứ giả của họ, đã bị trì hoãn và khuyến khích các tín đồ làm việc cùng nhau để mang lại sự hiệp thông trong giáo hội.
    Chủ đề quan trọng của thư này là Chúa Giê Su Kitô và sứ mạng loan báo Tin Mừng của Ngài. Đức Kitô là thông điệp của sứ mạng chúng ta (ch.1) cũng như là hình mẫu(ch.2), là động lực (Ch.3), và là phương tiện (ch.4). Chủ đề về niềm vui cũng được dệt nên xuyên suốt trong bức thư. Bất chấp những hoàn cảnh khó khăn của mình, thánh Phao-lô vui mừng trong Chúa và thúc giục độc giả của mình làm như vậy. Sau hết, niềm vui của Đức Chúa là sức mạnh để những người Kitô hữu phục vụ (Nkm 8:10). 
 
CHIA SẺ

Phao-lô đã viết, “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô” (c.21). Nhưng ngài đã làm nhiều hơn là viết câu tuyên bố này; ngài đã sống. Đức Giê-su Ki-tô được đề cập đến mười tám lần trong chương này và được thấy là liên quan đến nhiều khía cạnh trong cuộc đời của Phao-lô.
Những người bạn của ngài (c.1-11). Phao-lô đã yêu mến các thánh ở Philiphê; ngài đã nghĩ đến họ, cầu nguyện cho họ, và mong được gặp họ. Đức Ki-tô đã làm cho tình bạn này khả thể. Những người đói khi gặp thức ăn sẽ khiến họ nên sinh động, những người nghiện mua sắm khi nghe giảm giá sẽ làm cho họ nên sinh động. Trong tư cách là một người Ki-tô hữu điều gì làm cho bạn trở nên sinh động trong cuộc sống của mình?
Những hoàn cảnh của ngài (c.12-18). Phao-lô là một tù nhân không phải của người Rô-ma nhưng là tù nhân của Đức Giê-su Ki-tô, và những sợi xích là “trong Đức Ki-tô” (c.13). Phao-lô đang thực hành điều ghi trong Rm 8:28- và điều đó đã hoạt động tốt! Bạn có nghĩ đến Đức Ki-tô đầu tiên khi gặp những hoàn cảnh khó khăn?
Tương lai của ngài (c.19-26). Cuộc đời của Phao-lô toàn nguy hiểm; nếu ngài thua cuộc trong phiên tòa, ngài có thể bị án tử như một kẻ thù của người Rô-ma. Nhưng khi Đức Ki-tô là cuộc sống của bạn, sự chết không còn là kẻ thù của bạn; và bạn có sự bảo chứng được nên một với Đức Ki-tô khi cuộc sống kết thúc. Đâu là bảo chứng cho cuộc sống của bạn, tương lai của bạn hướng về đâu, và bạn có thấy an tâm khi hướng về tương lai của đời mình?
Những kẻ thù của ngài (c.27-30). Khi bạn đau khổ, bạn đau khổ vì Đức Ki-tô; và bạn không cần phải sợ hãi kẻ thù của mình. Một điều sống còn đó là dân Thiên Chúa hiệp nhất trong Đức Ki-tô và đối lập với kẻ thù, chứ không phải đối lập nhau! Đâu là thái độ của bạn khi đối diện với những kẻ đối lập với Đức Ki-tô, và cách bạn hiệp nhất với những người bạn khác của Đức Ki-tô trong cuộc chiến thiêng liêng của mình như thế nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC