Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

CHƯƠNG 16 - Thư Gửi Tín Hữu Rô-Ma

 Giới thiệu và chào thăm
(1) Tôi xin giới thiệu với anh em chị Phêbê, người chị em của chúng tôi, là nữ trợ tá Hội Thánh Kenkhơrê. (2) Mong anh em tiếp đón chị trong Chúa cách xứng đáng, như các thánh phải đối xử với nhau. Chị có việc cần đến anh em, xin anh em giúp đỡ, vì chính chị cũng đã bảo trợ cho nhiều người, kể cả tôi nữa.
(3) Tôi xin gửi lời thăm chị Pơrítca và anh Aquila, những người cộng tác với tôi để phục vụ Ðức Kitô Giêsu; (4) hai anh chị đã liều mất đầu để cứu mạng tôi. Không chỉ mình tôi, mà còn các Hội Thánh trong dân ngoại cũng phải mang ơn anh chị. (5) Tôi cũng xin gửi lời thăm Hội Thánh vẫn họp tại nhà anh chị ấy.
Xin gửi lời thăm anh Êpênét, bạn yêu quý của tôi, là của đầu mùa miền Tiểu Á dâng lên Ðức Kitô. (6) Xin gửi lời thăm chị Maria, người đã vất vả nhiều vì anh em. (7) Xin gửi lời thăm các anh Anrôních và Giunia, bà con với tôi, và đã từng ngồi tù với tôi; các anh là những người xuất sắc trong các Tông Ðồ, lại còn theo Ðức Kitô trước tôi. (8) Xin gửi lời thăm anh Amliát, bạn yêu quý của tôi trong Chúa. (9) Xin gửi lời thăm anh Uaban, người cộng tác với chúng tôi trong Ðức Kitô, và anh Takhy, bạn yêu quý của tôi. (10) Xin gửi lời thăm anh Apelê, người đã từng được tôi luyện trong Ðức Kitô. Xin gửi lời thăm mọi người trong nhà anh Arítôbun. (11) Xin gửi lời thăm anh Hêrôđion, bà con với tôi. Xin gửi lời thăm bà con anh Nakixô, những người đang ở trong Chúa. (12) Xin gửi lời thăm hai chị Tơryphen và Tơryphôxa, những người đang vất vả nhiều vì Chúa. (13) Xin gửi lời thăm anh Ruphô, người được Chúa chọn, và thăm mẹ của anh, cũng là mẹ của tôi. (14) Xin gửi lời thăm các anh Axinhrít, Phơlêgon, Hécmê, Pátrôba, Hécma và những anh em ở với các anh ấy. (15) Xin gửi lời thăm anh Philôlôgô và chị Giulia, anh Nêrê và cô em anh ấy, anh Ôlimpa và tất cả các thánh đang ở với các anh chị ấy. (16) Anh em hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện. Tất cả các Hội Thánh Ðức Kitô gửi lời chào anh em.
Tái bút lần thứ nhất: khuyên nhủ coi chừng
(17) Thưa anh em, tôi khuyên nhủ anh em hãy coi chừng những kẻ gây chia rẽ và làm cớ vấp ngã, vì đi ngược lại với đạo lý anh em đã học hỏi; anh em hãy xa lánh họ. (18) hạng người đó chẳng phục vụ Ðức Kitô, Chúa chúng ta, mà phục vụ chính cái bụng của mình. Họ dùng những lời ngọt ngào nịnh bợ mà quyến rũ những tâm hồn đơn sơ. (19) Thật vậy, ai ai cũng biết rằng anh em vâng phục Thiên Chúa; bởi thế tôi lấy làm vui vì anh em. Nhưng tôi muốn cho anh em khôn ngoan làm điều tốt, trong sạch không làm điều xấu. (20) Thiên Chúa là nguồn bình an, chẳng bao lâu nữa sẽ đè bẹp Xatan, bắt nó phải ở dưới chân anh em. Nguyện xin Ðức Giêsu, chúa chúng ta, ban ân sủng cho anh em.
Tái bút lần thứ hai: chào thăm lần cuối
(21) Anh Timôthê, người cộng tác với tôi, các anh Lukiô, Giaxon và Xôxipátrô, bà con của tôi, gửi lời thăm anh em. (22) Tôi là Técxiô, người chép thư này, xin gửi lời thăm anh em trong Chúa. (23) Anh Gaiô, người tiếp rước tôi và tiếp rước cả Hội Thánh trong nhà của anh, gửi lời thăm anh em. Anh Êráttô, quản lý kho bạc của thành phố, và anh Quatô, người anh em chúng tôi, gửi lời thăm anh em. (24) Nguyện xin Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban ân sủng cho toàn thể anh em. Amen.
Vinh tụng ca
(25) Vinh danh Thiên Chúa,
Ðấng có quyền làm cho anh em được vững mạnh
theo Tin Mừng tôi loan báo,
khi rao giảng Ðức Giêsu Kitô.
Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm
vốn được giữ kín tự ngàn xưa
(26) nhưng nay lại được biểu lộ
như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh.
Theo lệnh của Thiên Chúa, Ðấng hằng có đời đời,
mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết,
để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa.
(27) Chỉ mình Thiên Chúa là Ðấng khôn ngoan thượng trí.
Kính dâng Người mọi vinh quang
đến muôn thuở muôn đời,
nhờ Ðức Giêsu Kitô. Amen.
CHIA SẺ
 Chúng ta có khuynh hướng tôn vinh Phao-lô và quên nhiều người bình thường khác đã giúp đỡ cho Phao-lô trong khi thi hành sứ vụ của mình. Thánh Phao-lô là tác giả của thư Rô-ma, nhưng Ti-tô đã chép xuống (c.22), Gaiô đã cung cấp cho Phao-lô có nơi để ở và làm việc (c.23), và Phêbê người đã mang bức thư đã hoàn tất đến Rô-ma. Không ai trong gia đình Thiên Chúa là không quan trọng đối với Ngài, và không thừa tác vụ nào là không có ý nghĩa. Tìm thấy công việc Ngài muốn bạn thực hiện và trung thành  thực thi công việc đó.
Một lịch sử “Rô- ma ẩn đi” mà không được thuật lại trong Kinh thánh. Khi nào và làm cách nào Pơrítca và Aquila đã liều mạng sống của họ để cứu Phao-lô (c.3-4)? Anrôních và Giunia đã ngồi tù với Phao-lô khi nào (c.7)? Mẹ của Ruphô đã trở nên mẹ của Phao-lô như thế nào (c.13)? Ai là người gầy rối mà Phao-lô đã cảnh báo cho những người tín hữu Rô-ma (c.17-18)? Có thể một ngày nào đó ở trên thiên đàng chúng ta sẽ có được tất cả những câu trả lời!
Trong lúc này, điều quan trọng là chúng ta vâng phục theo Đức Chúa (c.19) và dẫn đưa những người khác bước vào trong “vâng phục đối với đức tin” (c.26). Đức Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi (15:5), Thiên Chúa là nguồn hy vọng (15:13), và Thiên Chúa nguồn bình an (16:20) sẽ làm cho anh em vững mạnh (16:25).
Trong thư Rô-ma, thánh Phao-lô cho thấy sự khó khăn khi ngài kết thúc bức thư này. Vẫn còn có nhiều điều khác nữa mà ngài cần phải nói, vì thế trước khi thánh Phao-lô kết thúc ngài thêm một thỉnh cầu cuối cùng cho những độc giả của ngài cần phải tránh xa những ảnh hưởng của sự dữ. Đâu là những điều bạn thấy mình được mời gọi phải tránh xa khi kết thúc thư Rô-ma này? Và đâu là điều bạn được mời gọi để quyết tâm sống trong tâm tình của những ngày này?

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

CHƯƠNG 15 - Thư Gửi Tín Hữu Rô-Ma

  (1) Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình. (2) Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng. (3) Thật vậy, Ðức Kitô đã không chiều theo sở thích của mình; trái lại, như có lời chép: Lời kẻ thóa mạ Ngài, này chính con hứng chịu. (4) Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy.
(5) Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Ðức Kitô Giêsu đòi hỏi. (6) Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
(7) Vậy, anh em hãy đón nhận nhau, như Ðức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa. (8) Thật vậy, tôi xin quả quyết: Ðức Kitô có đến phục vụ những người được cắt bì, để thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ, đó là do lòng trung thành của Thiên Chúa. (9) Còn các dân ngoại có được tôn vinh Thiên Chúa, thì đó là do lòng thương xót của Người, như có lời chép:
Vì thế giữa muôn dân
con cất lời cảm tạ,
dâng điệu hát cung đàn
ca mừng danh thanh Chúa.
(10) Chỗ khác lại chép:
Hỡi chư dân, hãy vui mừng với dân Thiên Chúa!
(11) Chỗ khác nữa:
Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa,
ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!
(12) Ông Isaia cũng nói:
Từ gốc tổ Giesê sẽ xuất hiện một mầm non,
một Ðấng sẽ đứng lên lãnh đạo chư dân.
Chư dân sẽ hy vọng nơi Người.
(13) Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng. 
Kết 
Công việc phục vụ của thánh Phao-lô
(14) Thưa anh em, chính tôi, tôi tin chắc rằng anh em có đầy thiện chí, thừa hiểu biết và có khả năng khuyên bảo nhau. (15) Trong thư này, đôi chỗ tôi đã nói hơi mạnh, chẳng qua là để nhắc lại cho anh em điều anh em đã biết. Tôi viết thế là dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi (16) làm người phục vụ Ðức Giêsu Kitô giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để các dân ngoại được Thánh Thần thánh hóa mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa.
(17) Vậy, trong Ðức Kitô Giêsu, tôi có quyền hãnh diện về công việc phục vụ Thiên Chúa. (18) Thật thế, tôi đâu dám nhắc đến chuyện nào khác, ngoài những gì Ðức Kitô đã dùng tôi mà thực hiện để đưa các dân ngoại về phục vụ Thiên Chúa, thực hiện bằng lời nói việc làm, (19) bằng sức mạnh của những dấu lạ điềm thiêng, bằng quyền năng của Thánh Thần. Như vậy, từ Giêrusalem, đi vòng đến tận miền Ilyri, tôi đã làm tròn sứ mạng loan báo Tin Mừng Ðức Kitô. (20) Nhưng tôi chỉ có tham vọng là loan báo Tin Mừng ở nơi người ta chưa được nghe nói đến danh Ðức Kitô. Tôi làm thế vì không muốn xây dựng trên nền móng người khác đã đặt. (21) Trái lại, như có lời chép:
Những kẻ đã không được loan báo về Người, sẽ thấy,
những kẻ đã không được nghe nói về Người, sẽ hiểu.
Dự định mấy chuyến đi
(22) Chính vì lẽ đó mà đã bao lần tôi bị ngăn trở không thể đến với anh em. (23) Nhưng bây giờ tôi không còn môi trường hoạt động trong những vùng này nữa; đàng khác, từ nhiều năm nay, tôi vẫn ước ao đến thăm anh em, (24) khi nào tôi sang Tây Ban Nha. Tôi hy vọng trên đường đi sẽ ghé thăm anh em, và được anh em tiễn đưa qua đó, sau khi được thỏa mãn phần nào vì đã gặp anh em.(25) Nhưng bây giờ tôi còn phải đi Giêrusalem để phục vụ các thánh ở đó, (26) vì miền Makêđônia và miền Akhaia đã có nhã ý đóng góp để giúp những người nghèo trong số các thánh ở Giêrusalem. (27) Họ đã có nhã ý làm như vậy, nhưng thực ra họ cũng có bổn phận đối với các thánh ở đó. Bởi vì các dân ngoại đã được chia sẻ các phúc lộc thiêng liêng của các thánh ở Giêrusalem, thì họ cũng có bổn phận dùng của cải vật chất mà giúp đỡ lại. (28) Vậy khi đã hoàn thành công việc ấy và đã chính thức chuyển giao kết quả cuộc lạc quyên, tôi sẽ ghé thăm anh em trên đường đi Tây Ban Nha. (29) Tôi biết rằng, khi đến thăm anh em, tôi sẽ đến với đầy đủ phúc lành của Ðức Kitô.
(30) Thưa anh em, vì Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và vì tình yêu của Thánh Thần, tôi khuyên nhủ anh em cùng chiến đấu với tôi, bằng cách cầu xin Thiên Chúa cho tôi, (31) để tôi thoát khỏi tay những người miền Giuđê không chịu tin và để các thánh vui lòng chấp nhận những gì tôi mang đến Giêrusalem phục vụ họ. (32) Như thế, tôi sẽ vui mừng đến với anh em và được nghỉ ngơi giữa anh em, nếu Thiên Chúa muốn.
(33) Xin Thiên Chúa là nguồn bình an, ở cùng tất cả anh em. Amen.
CHIA SẺ
 Món nợ đối với những người yếu đuối (c.1-6). Người mạnh phải gánh vác người yếu và giúp họ tăng trưởng, và điều đó cần đức ái và lòng kiên nhẫn. Nếu chúng ta sống để thỏa mãn cho bản thân mình, chúng ta sẽ không theo gương của Đức Ki-tô, Đấng đã sống và làm vui lòng Cha cùng giúp đỡ những người khác.
Món nợ với những người lạc lối (c. 7-21). Thiên Chúa đã cứu những người Do thái để họ có thể đến với những người dân ngoại và dẫn đưa họ đến mà ca ngợi Ngài. Thiên Chúa đã cứu chúng ta vì thế chúng ta cũng phải đem những người khác về với Ngài. Chúng ta có món nợ phải trả (c.1:14).
Món nợ đối với Ít-ra-en (c.22-23). Những người dân ngoại cũng nợ người Do thái (Ga 4:22). Và món nợ này được trả qua việc cầu nguyện cho họ (tv 122:6), làm chứng về đức ái đối với họ, và chia sẻ sự giúp đỡ vật chất khi cần.
Trong gia đình của Thiên Chúa, bạn được mời gọi trở nên một thành viên với con tim dấn thân theo bước Đức Giê-su. Bạn có thể đến với người khác với con tim, đôi tay, đôi chân của Đức Giê-su. Bạn có nghĩ việc dấn thân cho những người khác là một món nợ phải thực hiện hơn là một chọn lựa với thái độ tùy thích?

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

CHƯƠNG 14 - Thư Gửi Tín Hữu Rô-Ma

 Bác ái đối với người yếu tin
(1) Anh em hãy đón nhận người yếu đức tin và đừng tranh luận với họ. (2) Có người tin mình ăn được mọi thứ, có người vì yếu chỉ ăn rau. (3) Người ăn đừng có khinh kẻ không ăn, còn kẻ không ăn cũng đừng xét đoán người ăn, vì Thiên Chúa đã đón nhận người ấy. (4) Bạn là ai mà xét đoán người nhà của kẻ khác? Nó đứng hay nó ngã, đó là việc của chủ nó. Nhưng nó sẽ đứng, vì Chúa có khả năng làm cho nó đứng. (5) Người thì cho rằng: ngày này trọng hơn ngày khác; kẻ thì lại nghĩ: ngày nào cũng như nhau. Trong thâm tâm, mỗi người phải có xác tín. (6) Ai để ý đến ngày này ngày nọ, thì làm thế để kính Chúa. Người ăn, thì vì Chúa mà ăn, bởi lẽ họ tạ ơn Thiên Chúa. Còn người không ăn, thì không ăn vì Chúa, họ cũng tạ ơn Chúa. (7) Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. (8) Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; (9) vì Ðức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. (10) Thế mà bạn, sao bạn lại xét đoán người anh em? Và bạn nữa, sao bạn khinh dể người anh em? Quả thế, tất cả chúng ta sẽ phải ra trước tòa Thiên Chúa, (11) vì có lời chép rằng: Ðức Chúa phán: Ta lấy sự sống Ta mà thề: mọi người sẽ quỳ gối lạy Ta, và mọi miệng lưỡi phải xưng tụng Thiên Chúa. (12) Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa.
(13) Vậy chúng ta đừng xét đoán nhau nữa. Tốt hơn, anh em hãy xét sao để tránh gây cớ cho anh em mình phải vấp hay phải ngã. (14) Trong Chúa Giêsu, tôi biết và xác tín rằng không có gì tự nó là ô uế; có ô uế là chỉ đối với người cho nó là ô uế. (15) Nếu vì bạn ăn một thức ăn, mà bạn làm phiền lòng người anh em, thì bạn không còn sống theo đức ái nữa. Ðừng vì thức ăn của bạn mà làm cho người đã được Ðức Kitô chết cho phải hư mất!
(16) Vậy đừng để cho thiên hạ chê bai điều mà anh em cho là tốt. (17) Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần. (18) Ai phục vụ Ðức Kitô như thế, thì đẹp lòng Thiên Chúa và được người ta quý trọng. (19) Vậy chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau. (20) Ðừng vì một thức ăn mà phá hủy công trình của Thiên Chúa. Ðã hẳn, mọi thức ăn đều thanh sạch; nhưng ăn mà gây cớ vấp ngã, thì là điều xấu. (21) Tốt nhất là đừng ăn thịt, uống rượu, và tránh những gì có thể gây cớ cho anh em mình vấp ngã.
(22) Bạn xác tín điều gì, thì cứ giữ lấy cho mình trước mặt Thiên Chúa. Phúc thay ai không cho mình là có lỗi khi quyết định làm điều gì! (23) Còn ai hồ nghi mà cứ ăn, thì bị kết án, vì hành động không do xác tín. Hành động nào không do xác tín đều là tội.
CHIA SẺ

Đức ái của bạn có thể được kiểm chứng nhiều hơn bởi những người Ki-tô hữu bất đồng với bạn thay vì những người không tin là những người đang bách hại bạn. Cần phải dùng kim cương để cắt kim cương. Bạn nên làm gì khi người an hem của mình bất đồng với bạn về cách thức dân Chúa phải sống như thế nào?
Chấp nhận nhau (c.1-9). Không phải tất cả mọi người tín hữu đều trưởng thành, và đức ái đòi hỏi những thành viên trưởng thành trong gia đình chiều theo những người chưa trưởng thành. Đức ái bảo vệ con người và cho họ cơ hội để tăng trưởng. Có những người khó tính, nhưng chúng ta chấp nhận họ trong đức ái vì Thiên Chúa. Bạn nghĩ đến ai là người mà bạn đang phải chịu đựng trong lúc này?
Trách nhiệm (c.10-12). Chúng ta không có quyền để xét đoán và kết án nhau, vì Đấng Xét Xử chính là Thiên Chúa. Mỗi người tín hữu sẽ phải làm điều mà lương tâm thấy điều đó là đúng mà không gây trở ngại cho lương tâm người khác! Trách nhiệm của chúng ta không phải làm cho người khác thay đổi, nhưng thay đổi bản thân để đón nhận sự khác biệt. Bạn đã từng có kinh nghiệm về sự ân hận vì những sai lầm trong cách nhìn của mình về người khác?
Tham vọng (c.13-23). Ước muốn của chúng ta không phải là để cho tất cả mọi người đều đồng ý với mình; ước ao của chúng ta phải là tìm kiếm sự bình an, không gây cho những người khác vấp ngã, và giúp tha nhân trưởng thành trong Đức Ki-tô. Điều gì bắt đầu gây hại cho người khác (c.15) có thể gây cớ (c.21), và làm cho người khác vấp ngã (c.13,21). Hậu quả có thể là một sự hủy hoại niềm tin của những người anh chị em mình (c.15, 20). Liệu có đáng khi hủy hoại người khác chỉ nhằm để mình đạt được điều mình muốn?

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

CHƯƠNG 13 - Thư Gửi Tín Hữu Rô-Ma

 Phục tùng chính quyền
(1) Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. (2) Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt. (3) Thật thế, làm điều thiện thì không phải sợ nhà chức trách, có làm điều ác mới phải sợ. Bạn muốn khỏi phải sợ chính quyền ư? Hãy làm điều thiện, và bạn sẽ được họ khen ngợi, (4) vì chính quyền là thừa hành của Thiên Chúa để giúp bạn làm điều thiện. Nhưng nếu bạn làm điều ác, thì hãy sợ, vì họ mang gươm không phải không có lý do. Thật vậy, họ là người thừa hành của Thiên Chúa để giáng cơn thịnh nộ của Người xuống kẻ làm điều ác. (5) Vì lẽ đó, cần thiết phải phục tùng, không những vì sợ bị phạt, mà còn vì lương tâm. (6) Ðó cũng là lý do khiến anh em nộp thuế: nhân viên thu thuế là những người phục vụ Thiên Chúa, khi chu toàn phận sự. (7) Anh em nợ ai cái gì, thì hãy trả cho người ta cái đó: nộp sưu cho người đòi sưu, trả thuế cho người đòi thuế, sợ người phải sợ, kính người phải kính.
Yêu thương là chu toàn Lề Luật
(8) Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật. (9) Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình. (10) Ðã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.
Người tín hữu là con cái ánh sáng
(11) Phải như thế, vì anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Ðã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. (12) Ðêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. (13) Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. (14) Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng.
CHIA SẺ
 Những người tín hữu là công dân nước trời, nhưng chúng ta đừng có giảm thiểu trách nhiệm của mình trên mặt đất. Chúng ta phải là những công dân gương mẫu vì như thế Thiên Chúa sẽ được tôn vinh (1Pr 2:11-17).
Luật (c.1-7). Thiên Chúa đã thiết lập chính quyền nhân sự bởi vì con người là những tội nhân và cần phải được đưa vào kỷ cương. Quyền quản trị đến từ Thiên Chúa, vì thế bạn phải tôn trọng vai trò của họ cho dù bạn có thể không tôn trọng cá nhân người lãnh đạo. Sợ hãi việc trừng phạt không phải là động lực cao nhất cho việc vâng phục, nhưng điều đó tốt hơn là một sự hỗn loạn. Thánh Phao-lô dạy chúng ta về cách thức một người Ki-tô hữu cần phải sống trong một xã hội dân sự. Bạn thấy lời mời gọi này thách đố bạn như thế nào trong bối cảnh xã hội bạn đang sống?
Đức ái (c.8-10). Tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân là động lực cao nhất đối với vâng phục. Đức ái làm điều đúng và xét đoán cũng như tìm kiếm điều gì tốt nhất cho người khác. Bản chất tự nhiên, chúng ta không có đức ái như thế này (Tt 3:3); và Thiên Chúa ban điều đó cho chúng ta (Rm 5:5). Đức ái thúc đẩy bạn làm điều gì cho những người xung quanh bạn?
Ánh sáng (c.11-14). Người Ki-tô hữu sống trong ánh sáng của việc Đức Ki-tô trở lại. Thánh Phao-lô đã khuyên bảo, “Hãy thức dậy-mặc lấy- ăn ở đứng đắn-và hướng về Thiên Chúa!” Bạn có làm như thế chăng? Đâu là cách thức sống chứng tá để bạn vừa là một Ki-tô hữu tốt vừa là một công dân tốt?

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

CHƯƠNG 12 - Thư Gửi Tín Hữu Rô-Ma

 Khuyên Nhủ 
Cách thức xứng hợp để thờ phượng Thiên Chúa
(1) Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Ðó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. (2) Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.
Sống khiêm nhường và bác ái trong cộng đoàn
(3) Dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi xin nói với từng người trong anh em: đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tùy theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho. (4) Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận có cùng một chức năng; (5) thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một phần thân thể trong Ðức Kitô, ai nấy liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể. (6) Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Ðược ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. (7) Ðược ơn phục vụ, thì cứ phuụ vụ. Ai dạy bảo, thiìcuư dạy bảo. (8) Ai khuyên răn thì cứ khuyên răn khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ tọa, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái, thì hãy vui vẻ.
(9) Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; (10) thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; (11) nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. (12) hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. (13) hãy chia sẻ với các thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà.
Bác ái đối với mọi người, kể cả thù địch
(14) Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: (15) vui với người vui, khóc với nguòi khóc. (16) Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, (17) đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. (18) Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hòa thuận với mọi người. (19) Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Ðức Chúa Phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả. (20) Trái lại, kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. (21) Ðừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác.
CHIA SẺ
 Khoa sư phạm của Kinh thánh là sự tương quan giữa lý thuyết và trách nhiệm, về những điều bạn tin phải được xác định cách thức bạn hành xử như thế nào. Trong những chương khép lại sách thư Rô-ma, Phao-lô đã bàn về tương quan của bạn với Thiên Chúa (12:1-2), với chính bạn (12:3), Giáo hội (12:4-16), kẻ thù của bạn (`12:17-21), chính quyền (ch 13), và những tín hữu không đồng tình (ch 14-15).
Biến đổi (c.1-2). Thần Khí của Thiên Chúa biến đổi cuộc sống của bạn qua việc canh tân lý trí của bạn (2Cr 3:18), nhưng Ngài không thể làm điều đó trừ khi bạn trao dâng cho Ngài thân xác của bạn. Khi tặng ban chính bạn cho Thiên Chúa qua việc thờ phượng thiêng liêng, bạn trở nên một của lễ hy tế sống động cho vinh quang Thiên Chúa.
Lượng giá (c.3). Khi đánh giá cao, không đúng mức về bản thân, đó là một tội, vì thế phải có một sự lượng giá đúng mực về con người của bạn và điều Thiên Chúa đã ban cho bạn (Gl 6:3-5).
Cộng tác (c.4-16). Bạn là một phần của thân thể Đức Ki-tô với một sứ mạng để hoàn tất, vì thế hãy làm phần của bạn một cách đáng yêu và trong hân hoan.
Hãy làm chứng (c.17-21). Nếu bạn sống thánh thiện, bạn phải có những kẻ thù (Mt 5:10-12; 2Tm 3:12); nhưng hãy để cho Thiên Chúa xét xử tất cả. Nếu bạn để Thiên Chúa làm việc theo cách của Ngài, Ngài sẽ dùng kẻ thù của bạn để kiến tạo bạn và làm cho bạn nên giống Đức Ki-tô.
Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta những khả năng đặc biệt và mong chờ chúng ta sử dụng những gì chúng ta được lãnh nhận thay vì “dấu đi” những quà tặng của mình để đầu tư chúng vào trong việc phục vụ nước Chúa. Đâu là cách thức bạn sử dụng những quà tặng đặc biệt của bạn để sinh lời cho bạn và cho người khác?

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

CHƯƠNG 11 - Thư Gửi Tín Hữu Rô-Ma

 Phần còn sót lại của Ít-ra-en
(1) Vậy tôi xin hỏi: Phải chăng Thiên Chúa đã ruồng bỏ dân Người? Không phải thế! Chính tôi đây cũng là người Ítraen, thuộc dòng dõi Ápraham, thuộc chi tộc Bengiamin. (2) Thiên Chúa không ruồng bỏ dân Người, dân mà Người đã biết từ trước. Anh em chẳng biết truyện ông Êlia trong Kinh Thánh sao? Khi cầu nguyện với Thiên Chúa, ông đã tố cáo dân Ítraen rằng: (3) Lạy Chúa, các ngôn sứ của Ngài, chúng đã giết chết; bàn thờ của Ngài chúng đã phá hủy. Chỉ còn sót lại một mình con, thế mà chúng cũng đang tìm hại mạng sống con. (4) Thiên Chúa đã trả lời ông thế nào? Ta chừa lại cho Ta bảy ngàn người, là những kẻ đã không quỳ gối thờ thần Baan. (5) Ngày nay cũng vậy, còn sót lại một số người được tuyển chọn nhờ ân sủng của Thiên Chúa. (6) Nhưng nếu được chọn nhờ ân sủng, thì không phải là do việc làm, chẳng vậy ân sủng không còn là ân sủng nữa.
(7) Vậy thì sao? Ðiều mà Ítraen tìm kiếm, thì họ đã không đạt được; nhưng những kẻ được tuyển chọn đã đạt được. Còn những người khác thì đã ra cứng lòng, (8) như có lời chép: Thiên Chúa đã cho họ một thần khí hôn mê, cho họ mắt để không thấy, tai để không nghe, mãi cho đến ngày nay. (9) Vua Ðavít cũng nói:
Ước gì bàn tiệc của chúng
nên dò, nên bẫy cho chúng sa vào,
và nên cớ vấp ngã, nên hình phạt đích đáng!
(10) Ước gì mắt chúng mù đi không thấy nữa
và lưng sụm xuống đến muôn đời.
Thiên Chúa sẽ khôi phục Ít-ra-en
(11) Vậy tôi xin hỏi: Phải chăng Ítraen đã vấp đến mức phải ngã quỵ? Không phải thế! Nhưng vì họ sa ngã mà Thiên Chúa cho các dân ngoại hưởng ơn cứu độ, khiến họ phải ganh tị. (12) Nếu vì người Dothái sa ngã mà thế giới được ơn phúc dồi dào, nếu vì họ suy vi mà các dân ngoại được ơn phúc dồi dào, thì khi họ trở về đông đủ, tình trạng còn tốt đẹp hơn biết mấy! (13) Tôi xin ngỏ lời với anh em là những người gốc dân ngoại. Với tư cách là Tông Ðồ các dân ngoại, tôi coi trọng chức vụ của tôi, (14) mong sao nhờ vậy mà tôi làm cho anh em đồng bào tôi phải ganh tị, và tôi cứu được một số anh em đó. (15) Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hòa giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?
Cây ô-liu dại và cây ô-liu tốt
(16) Nếu cái bánh đầu tiên mà thánh thì cả khối bột làm bánh cũng vậy; nếu rễ cây mà thánh, thì cành cây cũng vậy. (17) Một số cành cây ôliu đã bị chặt đi, còn bạn là ôliu dại đã được tháp vào đó, và cùng được hưởng sự sống dồi dào từ rễ cây ôliu chính. (18) Vì thế, bạn đừng có lên mặt khinh dể các cành khác. Thì bạn cứ lên mặt đi! Ðâu phải bạn mang rễ, mà là rễ mang bạn! (19) Có lẽ bạn sẽ nói: "Một số cành đã bị chặt đi, để tôi được tháp vào." (20) Ðúng thế! Vì họ không tin mà đã bị chặt đi, còn bạn vì tin mà còn đó. Ðừng có tự cao tự đại, nhưng phải sợ thì hơn. (21) Thật vậy, nếu những cành tự nhiên, mà Thiên Chúa đã không tha, thì Người cũng sẽ chẳng tha bạn đâu. (22) Bạn hãy xem Thiên Chúa nhân từ và nghiêm khắc thế nào: Người nghiêm khắc với những kẻ sa ngã, nhưng nhân từ với bạn, cứ một mực cậy nhờ vào lòng nhân từ đó. Chẳng vậy, cả bạn nữa cũng sẽ bị chặt đi. (23) Còn người Dothái, nếu họ từ bỏ thái độ ngoan cố chẳng chịu tin, thì họ sẽ được tháp vào, vì Thiên Chúa thừa sức tháp họ một lần nữa. (24) Nếu bạn vốn là cành của cây ôliu dại, mà còn được chặt đi và tháp vào cây ôliu tốt, trái lẽ tự nhiên, thì phương chi họ vốn là những cành của cây ôliu chính, họ lại càng có thể được tháp vào cây cũ.
Ít-ra-en sẽ trở lại
(25) Thưa anh em, tôi không muốn anh em chẳng hay biết mầu nhiệm này, để anh em đừng tự cho mình là khôn, đó là: một phần dân Ítraen đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ. (26) Như vậy, toàn thể Ítraen sẽ được cứu độ, như có lời chép: Từ núi Xion, vị Cứu Tinh sẽ đến, Người sẽ loại bỏ những điều vô đạo khỏi nhà Giacóp. (27) Ðó sẽ là giao ước của Ta với chúng, khi Ta xóa bỏ tội lỗi chúng.
(28) Theo Tin Mừng, thì họ đã trở nên thù địch, và đó là vì anh em; nhưng theo ơn tuyển chọn, họ là những người được yêu thương, và đó là vì các tổ phụ. (29) Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý.
(30) Thật vậy, trước kia anh em đã không vâng phục Thiên Chúa, nhưng nay anh em đã được thương xót, vì họ không vâng phục; (31) họ cũng thế: nay họ không vâng phục Thiên Chúa, vì Người thương xót anh em, nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót. (32) Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người.
Ca tụng thánh ý nhiệm mầu
(33) Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Ðường lối của Người, ai theo dõi được! (34) Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? (35) Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? (36) Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! Amen.
CHIA SẺ

Thần học của thư Rô-ma từ chương 9-11 cho thấy ân sủng của Thiên Chúa và ca ngợi quyền năng của Ngài. Đừng bao giờ đánh mất kỳ công của ơn cứu độ hay sự vĩ đại của Thiên Chúa. Cho dù thung lũng có sâu bao nhiêu, hay trận chiến có khó khăn cỡ nào, nếu ta nhìn đến một Thiên Chúa cao cả sẽ giúp ta có được niềm vui và sức mạnh trong tâm hồn.
Tương lai Ít-ra-en vẫn còn đó; thánh Phao-lô là một minh chứng cho điều đó (c.1; 1Tm 1:16), và quá khứ của Ít-ra-en cũng giống như vậy (c.2-10). Thiên Chúa luôn luôn có một số sót những người tin trong Ít-ra-en, cho dù trong những ngày đen tối nhất. Khi bạn trở nên khiếp nhược về tương lai của Hội thánh và cảm thấy rằng bạn có thể là người Ki-tô hữu duy nhất còn sót lại, hãy đọc 1V 19 và tập trung và sự cao cả của Thiên Chúa.
Chúng ta không thể giải thích tất cả những kế hoạch và mục đích của Thiên Chúa, nhưng chúng ta có thể thờ phượng và ca ngợi Ngài vì chính Ngài (c.33-36). Kết quả cuối cùng của nghiên cứu Kinh Thánh là thờ phượng, và kết quả cuối cùng của tất cả việc thờ phượng là phục vụ Thiên Chúa, Đấng chúng ta yêu mến.
Trong những khi gặp khó khăn thử thách, bạn đang tin tưởng vào sự khôn ngoan của ai? Phải chăng nơi chính bạn? Phải chăng một người nào đó mà kiến thức của họ vừa giới hạn và phán đoán của họ vừa có thể bị sai lầm? Phải chăng đó là một diễn giả nào đó? Bạn có tín thác nơi Thiên Chúa và sự khôn ngoan hoàn hảo của Ngài?