Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

CHƯƠNG 1 - Thư Phê-rô 1

 Lời mở đầu và lời chào
1 Tôi là Phê-rô, Tông Đồ của Đức Giê-su Ki-tô, kính gửi những người được Thiên Chúa kén chọn, những khách lữ hành đang sống tản mác trong các xứ: Pon-tô, Ga-lát, Cáp-pa-đô-ki-a, A-xi-a và Bi-thy-ni-a,2 những người được Thiên Chúa Cha biết trước và kén chọn, những người được Thần Khí thánh hoá để vâng phục Đức Giê-su Ki-tô và được máu Người tưới rảy. Chúc anh em được đầy tràn ân sủng và bình an.
Nhập đề. Gia tài Thiên Chúa ban
3 Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại,4 để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em,5 là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Người đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết.
Tình thương và lòng trung tín đối với Đức Ki-tô
6 Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách.7 Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự.8 Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang,9 bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người.
Thần Khí dùng ngôn sứ mà mặc khải
10 Các ngôn sứ đã nghiên cứu tìm hiểu ơn cứu độ này, và đã tuyên sấm về ân sủng dành cho anh em.11 Thần Khí Đức Ki-tô ở nơi các ngài, đã báo trước những đau khổ dành cho Đức Ki-tô, và vinh quang đến sau những đau khổ đó, nên các ngài đã tìm hiểu xem Thần Khí muốn cho thấy việc đó xảy ra vào thời nào, trong hoàn cảnh nào.12 Thiên Chúa đã mặc khải cho các ngài biết là các ngài có phận sự truyền đạt thông điệp ấy, không phải cho chính mình, mà là cho anh em. Đó là thông điệp mà nay các người giảng Tin Mừng đã loan báo cho anh em, nhờ tác động của Thánh Thần là Đấng đã được cử đến từ trời. Chính các thiên thần cũng ước mong được tìm hiểu kỹ lưỡng thông điệp ấy.
Những đòi hỏi của đời sống mới. Sự thánh thiện của người tân tòng
13 Vì thế, anh em hãy chuẩn bị lòng trí, hãy tỉnh thức, hãy hoàn toàn đặt niềm trông cậy vào ân sủng sẽ được mang đến cho anh em trong ngày Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện.14 Như những người con biết vâng phục, anh em đừng chiều theo những đam mê trước kia, lúc anh em còn mê muội.15 Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em,16 vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh.
17 Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử. Vậy nếu anh em gọi Người là Cha, thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này.18 Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại.19 Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô.20 Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này.21 Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa.
Anh em được tái sinh nhờ Lời Chúa
22 Nhờ vâng phục sự thật, anh em đã thanh luyện tâm hồn để thực thi tình huynh đệ chân thành. Anh em hãy tha thiết yêu mến nhau với tất cả tâm hồn.23 Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi,24 vì mọi phàm nhân đều như cỏ và tất cả vinh quang của họ cũng đều như hoa cỏ; cỏ thì khô, hoa thì rụng;25 Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Đó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng.
DẪN NHẬP
      Thánh Phêrô được chọn là người đầu tiên mang Tin Mừng đến cho dân ngoại (Cv 10;15:7), nhưng sứ vụ của ngài chính yếu nhắm đến người Do thái (Gl 2:1-10). Ngài viết hai bức thư này cho những người tín hữu ở trong năm vùng của Đế quốc Rôma, trong đó hai khu vực Phaolô đã không được phép vào (Cv 16:7). Trong những thư này, thánh Phêrô đã hoàn tất sứ mạng được trao cho ngài trong Lc 22:32 và Ga 21:15-17.
     Chủ đề của thư thứ nhất là ân sủng của Thiên Chúa (5:12), và thánh Phêrô đã nói với chúng ta cách sống như những người xa lạ trong thế giới thù địch. Chủ đề của thư thứ hai là sự hiểu biết thiêng liêng (ngài sử dụng từ hiểu biết  đến bảy lần trong thư này),và ngài cảnh báo chúng ta về những người thầy giả hiệu.
     Thánh Phêrô mở đầu thư thứ nhất bằng cách nhắc nhở những độc giả của mình về ân sủng của Thiên Chúa đã thực hiện cho họ khi cứu họ (1:1-2:10). Tiếp theo, ngài chỉ cho thấy rằng ân sủng của Thiên Chúa giúp họ trong nhiều mối tương quan của cuộc sống (2:11-3:12) và trong cuộc bách hại đang đến (3:13-5:14). Thánh Phêrô tóm kết lại những chủ đề của cả hai thư trong lời chúc tụng  2Pr 3:18: “Nhưng lớn lên trong ân sủng [1Pr] và sự hiểu biết [2Pr] của Chúa chúng ta và Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu Kitô.” Đó là cách thức duy nhất để thành công trong những ngày sau hết này.

CHIA SẺ
Ơn cứu độ là một lời mời gọi (c.1-2,15). Chúng ta được Chúa Cha chọn, Đấng ban cho chúng ta một cuộc sinh ra mới (c.3). Chúng ta được Chúa Thánh Thần tách riêng ra, Đấng đã ban Lời và làm cho những tôi tớ của Thiên Chúa có thể công bố Lời (c.10-12), và cho những người tội nhân đức tin để tin tưởng vào lời hứa (c.22). Chúng ta được chuộc nhờ máu của Con Chúa (c.18-21), Đấng đã chết vì chúng ta, đã trỗi dậy, và đang đến vì chúng ta để ban cho chúng ta gia sản mà đã được hứa ban cho chúng ta (c.3-4, 13). Chẳng ngạc nhiên khi Phêrô đã mở đầu thư của mình với bài ca ngợi khen! (x. Ep 1:3-14).
Ơn cứu độ là một cuộc sinh ra (c.3,23). Đây là cuộc sinh ra trong thiêng liêng, Đức Giêsu đã cố gắng để giải thích cho Nicôđêmô (Ga 3). Khi bạn đặt niềm tin của mình nới Đức Giêsu Kitô (c. 5,7,9,21), bạn được sinh ra từ bên trên. Bạn nhận lãnh niềm hy vọng (c.3-4,13,21) và đức ái cho Đức Kitô (c.8) và dân Ngài (c.22). Bởi vì chúng ta là con cái Thiên Chúa, chúng ta muốn vâng phục Ngài (c.14-16).
Ơn cứu độ là sự cứu chuộc (c.17-21). Thánh Tông Đồ đang ám chỉ đến lễ Vượt Qua (Xh 12). Đức Giêsu là Chiên sát tế vì chúng ta, và máu Ngài được rẩy để bảo vệ chúng ta (c.2). Những người Do thái ở Ai cập đã sẵn sàng để lên đường, và chúng ta cũng phải có cùng một thái độ (c.13). Khi Đức Giêsu lại đến, chúng ta sẽ làm một cuộc xuất hành ra khỏi thế giới này!
Và tất cả những điều này đều dành “cho bạn” (c.4,10,12,13,20,25). Bạn có đang ngợi khen Ngài ?
Trừ khi bạn giống như hình ảnh mà Thiên Chúa mô tả cho chúng ta trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô, thế giới sẽ chối từ chứng từ của bạn. Cần phải làm gì để có thể giúp bạn nhận được ơn cứu độ và chia sẻ với người khác ân sủng này?

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

CHƯƠNG 5 - Thư Gia-cô-bê

 1 Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người.2 Tài sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn.3 Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các người. Các người đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này.4 Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh.5 Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thoả mãn trong ngày sát hại.6 Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người.

Ngày Chúa quang lâm 
7 Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa.8 Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới.9 Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa.10 Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa.11 Kìa xem: chúng ta tuyên bố: phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì! Anh em đã nghe nói đến lòng kiên trì của ông Gióp và đã thấy mục đích Chúa nhắm, vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.

Những lời khuyên cuối cùng 
12 Nhưng, thưa anh em, trước hết, đừng có thề, dù là lấy trời, lấy đất, hay lấy cái gì khác mà thề. Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không", như thế, anh em sẽ không bị xét xử.
13 Ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy hát thánh ca.14 Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa.15 Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.16 Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực.17 Ông Ê-li-a xưa cũng là người cùng chung một thân phận như chúng ta; ông đã tha thiết cầu xin cho đừng có mưa, thì đã không có mưa xuống trên mặt đất suốt ba năm sáu tháng.18 Rồi ông lại cầu xin, thì trời liền mưa xuống và đất đã trổ sinh hoa trái.

19 Thưa anh em, nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về,20 thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình.
CHIA SẺ

Trong những ngày sau hết này, trước khi Đức Chúa lại đến, đâu là điều Thiên Chúa muốn nơi cuộc sống của bạn?
Những điều ưu tiên (c.1-6). Sống để chỉ tìm kiếm sự giàu có là để đánh mất sự giàu có đích thật của bạn (1 Tm 6:6-10, 17-19). Điều đó giống như là sự lo lắng thay vì thờ phượng (Mt 6:19-34). Thiên Chúa biết bạn có những nhu cầu, và Ngài sẽ đáp ứng những điều đó nếu bạn thực hành Mt 6:33. Đối với bạn đâu là những ưu tiên trong giây phút hiện tại này?
Kiên nhẫn (c.7-12). Nếu bạn gieo đúng hạt, bạn sẽ chắc chắn gặt một mùa gặt bội thu, vì thế hãy kiên nhẫn. Nếu những người khác phá hoại bạn, hãy kiên nhẫn; Đấng Thẩm Phán đang rất gần. Nếu bạn đang trải qua thử thách, hãy kiên nhẫn; Thiên Chúa vẫn ngự trên ngai. Trên thang điểm về tính kiên nhẫn, nếu xếp hạng từ một đến mười, bạn xếp mình ở số mấy? Theo bạn đâu là phương thế để giúp mình rèn luyện tính kiên nhẫn?
Cầu nguyện  (c.13-18). Có nhiều cách thức cầu nguyện được liệt kê ở đây: Cầu nguyện cho người bệnh nhân, cầu nguyện cho sự tha thứ, cầu nguyện cho đất nước, thậm chí cầu nguyện cho thời tiết. Chẳng có nhu cầu nào mà cầu nguyện không được ban cho, và chẳng có vấn đề gì mà cầu nguyện không giải quyết được. Bạn có hay cầu nguyện? Và bạn thường cầu nguyện với phương thức nào? Phương thức nào bạn cảm thấy giúp cho mình dễ dàng gặp được Chúa nhất?
Sự quan tâm đến người khác (c.19-20). Một lần nữa, Giacôbê nhấn mạnh đến thừa tác vụ cho những cá nhân (1:27; 2:1-4, 14-16). Bạn có nhận ra khi có một người đồng đạo bắt đầu lạc lối? Bạn có thực sự quan tâm đến họ? Bạn có cố gắng để giúp đỡ? Phải chăng bạn chờ đợi quá lâu?

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

CHƯƠNG 4 - Thư Gia-cô-bê

 Tránh những mối bất hoà
1 Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao?2 Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin;3 anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.
4 Hỡi những kẻ ngoại tình, các người không biết rằng: yêu thế gian là ghét Thiên Chúa sao? Vậy ai muốn là bạn của thế gian thì tự coi mình là thù địch của Thiên Chúa.5 Hay các người nghĩ rằng lời Kinh Thánh sau đây là vô nghĩa: Thần Khí mà Thiên Chúa đã đặt trong chúng ta, ước muốn đến phát ghen lên?6 Nhưng ân sủng Người ban còn mạnh hơn; vì thế, có lời Kinh Thánh nói: Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.7 Anh em hãy phục tùng Thiên Chúa. Hãy chống lại ma quỷ; chúng sẽ chạy xa anh em.8 Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em. Hỡi tội nhân, hãy rửa tay cho sạch; hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can.9 Hãy cảm cho thấu nỗi khốn cùng của anh em, hãy khóc lóc than van. Chớ gì tiếng cười của anh em biến thành tiếng khóc, niềm vui của anh em đổi ra nỗi buồn.10 Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên.
11 Thưa anh em, anh em đừng nói xấu nhau. Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật. Nếu anh xét đoán Lề Luật, thì anh không còn là kẻ vâng giữ, mà là kẻ xét đoán Lề Luật.12 Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận? 
Cảnh cáo người giàu
13 Bây giờ, hãy nghe tôi, những kẻ nói: "Hôm nay hoặc ngày mai, chúng ta sẽ đi đến thành nọ thành kia, sẽ ở lại đó một năm và buôn bán kiếm lời".14 Trong khi các người không biết cuộc đời mình ngày mai sẽ ra sao. Thật vậy, các người chỉ là hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi.15 Thay vì nói: "Nếu Chúa muốn, chúng ta sẽ sống và làm điều nọ điều kia",16 thì các người lại tự phụ vì những chuyện khoác lác của mình. Mọi thứ tự phụ như thế đều xấu.17 Vậy kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội.
CHIA SẺ

Vào thời Giáo hội sơ khai, người ta nói rằng, “Hãy xem họ yêu thương nhau kìa!” Hôm nay, người ta có thể nói, “Hãy xem họ ganh tỵ nhau kìa!” Đâu là lý do tại sao nhiều khi thật khó khăn để cho dân Chúa cộng tác với nhau?
Sự ích kỷ (c.1-3). Những cuộc chiến ở giữa chúng ta có nguyên nhân bởi những cuộc chiến ở trong chúng ta. Chúng ta muốn để làm hài lòng chính mình, thậm chí điều đó có thể làm tổn thương những người khác. Nếu chúng ta không cẩn thận, thậm chí những lời cầu nguyện của chúng ta cũng có thể trở thành ích kỷ!
Tính thế gian (c.4). Bởi vì Abraham đã được tách ra khỏi tội, ông trở thành bạn của Thiên Chúa (2:23); nhưng Lót là bạn của thế gian (Stk 13:1-13). Hãy suy niệm đoạn Kinh Thánh 1Ga 2:15-17.
Tính kiêu ngạo (c.5-10). Satan biết cách để sử dụng lòng kiêu ngạo để đánh bại bạn như đã đánh bại Eva (Stk 3:1-6). Bạn có đang cười trong khi đáng lý ra phải khóc vì những tội lỗi của bạn? Bạn có đang chống lại sự dữ hay chống lại Thiên Chúa?
Chủ nghĩa chỉ trích (c.11-12). Một trong những cách thế dễ nhất để che dấu tội là phơi bày tội của người khác. Nói hành, nói xấu làm đau lòng Thánh Thần và gia đình chia rẽ. Thiên Chúa đã gọi chúng ta để trở nên những nhân chứng, không phải là những người xét xử!
Khoe khoang (c.13-17). Cuộc sống ngắn ngủi và tương lại vô định, vì thế hãy thực thi ý Chúa hôm nay. Khi bạn có những kế hoạch, hãy luôn nói rằng, “Nếu đó là ý Chúa” (Cn 27:1).
Có một tác giả nói rằng: “Thật là chính đáng nếu Giáo hội ở trong thế gian, nhưng cũng sai lầm nếu thế gian ở trong Giáo hội.” Phải chăng những yếu tố của thế gian và sự dữ hiện diện trong những lúc bạn cộng tác với người khác trong công việc? Liệu những yếu tố trên có gây nên khó khăn cho bạn, hay còn có những yếu tố nào khác nữa?

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

CHƯƠNG 3 - Thư Gia-cô-bê

 Kiềm chế miệng lưỡi
1 Thưa anh em, đừng có nhiều người trong anh em ham làm thầy thiên hạ, vì anh em biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn.2 Thật vậy, tất cả chúng ta thường hay vấp ngã. Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân.
3 Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng.4 Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái.5 Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao!6 Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy.7 Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được.8 Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người.9 Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa.10 Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được.11 Chẳng lẽ một mạch nước lại có thể phun ra, từ một nguồn, cả nước ngọt lẫn nước chua sao?12 Thưa anh em, làm sao cây vả lại có thể sinh ra trái ô-liu, hoặc cây nho sinh trái vả? Nước mặn cũng không thể sinh ra nước ngọt.
Khôn ngoan thật và khôn ngoan giả 
13 Trong anh em, ai là người khôn ngoan hiểu biết? Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng: những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan.14 Nhưng nếu trong lòng anh em có sự ghen tương, chua chát và tranh chấp, thì anh em đừng có tự cao tự đại mà nói dối, trái với sự thật.15 Sự khôn ngoan đó không phải từ trời cao ban xuống, nhưng là sự khôn ngoan của thế gian, của con người tự nhiên, của ma quỷ.16 Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa.17 Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình.18 Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính.
CHIA SẺ

Giacôbê đã viết cho những người tín hữu đang gặp những rắc rối với miệng lưỡi của họ (1:26; 2:12; 4:1, 11-12). Dĩ nhiên, lưỡi không phải là vấn đề; vấn đề chính là từ con tim (c.14; Mt 12:35-37). Nhưng trước khi bạn nói điều gì, hãy tự hỏi mình một vài câu hỏi.
Ai là người điều khiển (c.1-4)? Nếu lưỡi bạn do Thiên Chúa điều khiển, bạn sẽ nghiêm túc trong những gì mình nói (c.1), và toàn bộ con người của bạn sẽ đặt dưới kỷ luật của Ngài (c.2). Giống như một con ngựa cần một người nắm dây cương, và một con tàu cần người thuyền trưởng giữ bánh lái, vì thế miệng lưỡi của bạn cần một người chủ; và Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể thực thi công việc này. Thánh vịnh 141:1-4 là một lời cầu nguyện hay nếu bạn cần giúp đỡ trong lĩnh vực này.
Đâu là những hậu quả (c.5-12) ? Bạn có phải là người bật lửa mà vượt quá sự kiểm soát và sau đó để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng? Bạn có làm cho người thua cuộc trở thành người thù ghét mfinh hay làm ô nhiễm dòng suối trong lành? Một khi những lời của bạn nói ra, bạn không thể lấy lại được, vì thế hãy luôn nhìn về phía trước.
Đâu là động lực của bạn (c.13-18) ? Có những điều cay đắng và ghen tỵ trong lòng bạn? Bạn đang nói những điều khôn ngoan từ Thiên Chúa hay sự khôn ngoan của người đời? Bạn là người kiến tạo hòa bình hay tạo nên những rắc rối? Phải chăng lòng bạn ngay thật trước mặt Thiên Chúa (Dt 4:12), Ngài sẽ dùng những lời của bạn để sinh ra những loại hoa trái tốt.