Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

CHƯƠNG 15 - SÁCH XUẤT HÀNH


Bài ca chiến thắng
1 Bấy giờ ông Mô-sê cùng với con cái Ít-ra-en hát mừng Ðức Chúa bài ca sau đây. Họ ca rằng:
"Tôi xin hát mừng Chúa, Ðấng cao cả uy hùng:

Kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương.
2 Chúa là sức mạnh tôi, là Ðấng tôi ca ngợi,
chính Người cứu độ tôi.
Người là Chúa tôi thờ, xin dâng lời vinh chúc,
Người là Chúa tổ tiên, xin mừng câu tán tụng.
3 Người là trang chiến binh, danh Người là "Ðức Chúa!"
4 Xa mã Pha-ra-ô, Người xô xuống lòng biển,
tướng dũng với binh hùng chết chìm trong Biển Sậy.
5 Vực thẳm vùi lấp chúng, chúng chìm xuống nước sâu
chẳng khác nào hòn đá.
6 Lạy Chúa, tay hữu Ngài đã biểu dương sức mạnh.
Tay hữu Ngài, lạy Chúa, đã nghiền nát địch quân.
7 Lấy dũng lực oai hùng, Chúa quật ngã đối phương;
Ngài nổi cơn thịnh nộ, thiêu chúng cháy như rơm.
8 Nộ khí Ngài, lạy Chúa, đã khiến nước dâng lên,
sóng trùng dương dồn lại dựng đứng như tường thành;
giữa lòng biển thẳm sâu, nước bỗng đâu ngừng chảy.
9 Ðịch quân tự nhủ rằng: "Ta đuổi theo bắt lấy,
chiến lợi phẩm đem chia, mới no lòng thoả dạ;
ta tuốt lưỡi gươm trần, cứ thẳng tay tiêu diệt."
10 Ngài hà hơi nổi gió, biển vùi lấp chúng đi,
chìm lỉm tựa như chì giữa nước sâu cuồn cuộn.
11 Ai trong bậc thần minh được như Ngài, lạy Chúa?
Ai sánh được như Ngài, Ðấng rạng ngời thánh thiện,
lập chiến công khủng khiếp, làm nên việc diệu kỳ?
12 Tay hữu Ngài giơ lên, đất rẽ ra nuốt chúng.
13 Còn dân đã chuộc về, Ngài yêu thương dìu dắt,
lấy quyền lực dẫn đưa tới đất thiêng Ngài ngự.
14 Khi vừa nghe tin đó, chư dân run lẩy bẩy;
người xứ Phi-li-tinh phải đớn đau quằn quại.
15 Bấy giờ tại Ê-đôm, các thủ lãnh kinh hoàng,
và quan quyền Mô-áp đều sợ hãi khiếp run,
người xứ Ca-na-an phải rụng rời hốt hoảng.
16 Kinh hoàng và sợ hãi ập xuống trên đầu họ.
Cánh tay hùng mạnh Ngài làm chúng đờ như đá,
bao lâu dân của Ngài vẫn còn đang qua biển,
lạy Chúa chúng con thờ, bao lâu dân Ngài tậu
vẫn còn đang qua biển.
17 Ngài cho dân tiến vào, định cư họ trên núi,
núi gia nghiệp của Ngài.
Lạy Chúa, chính nơi đây Ngài chọn làm chỗ ở,
đây cũng là đền thánh tự tay Ngài lập nên.
18 Chúa là vua hiển trị đến muôn thuở muôn đời."
19 Khi chiến mã của Pha-ra-ô cùng với chiến xa và kỵ binh tiến vào biển, Ðức Chúa cho nước biển ập xuống trên họ, còn con cái Ít-ra-en thì đi giữa lòng biển khô cạn.
20 Nữ ngôn sứ Mi-ri-am, em ông A-ha-ron, cầm lấy trống; mọi phụ nữ theo bà đi ra, đánh trống và nhảy múa. 21 Bà Mi-ri-am xướng lên rằng:
"Hãy hát mừng Ðức Chúa, Ðấng cao cả uy hùng,
kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương."

II. Cuộc Hành Trình Trong Sa Mạc 
"Ma-ra"
22 Ông Mô-sê cho dân Ít-ra-en nhổ trại rời Biển Sậy. Họ ra khỏi đó, tiến vào sa mạc Sua. Họ đi ba ngày trong sa mạc mà không tìm ra nước. 23 Nhưng khi tới Ma-ra, họ không thể uống được nước ở Ma-ra, vì nước đó đắng. Bởi thế, người ta gọi nơi ấy là Ma-ra. 24 Dân kêu trách ông Mô-sê, họ nói: "Chúng tôi sẽ lấy gì mà uống?" 25 Ông kêu lên Ðức Chúa, và Ðức Chúa chỉ cho ông một khúc gỗ. Ông thả xuống nước và nước hoá ra ngọt.
Chính tại đó Ðức Chúa đã ra thánh chỉ và quyết định cho dân; chính tại đó Người đã thử lòng họ.
26 Người phán: "Nếu ngươi thực sự nghe tiếng Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, nếu ngươi làm điều ngay chính trước mắt Người, nếu ngươi lắng tai nghe các mệnh lệnh của Người, và giữ mọi thánh chỉ của Người, thì Ta sẽ không giáng xuống ngươi bệnh hoạn nào như Ta đã giáng xuống Ai-cập. Vì Ta là Ðức Chúa, Ðấng chữa lành ngươi."
27 Họ đã đến Ê-lim, nơi có mười hai suối nước và bảy mươi cây chà là. Và họ đóng trại ở đó, bên bờ nước. 



Hát ca là một phần quan trọng trong đời sống của những người Kitô hữu, vì nó làm cho chúng ta có thể ca ngợi Thiên Chúa và làm chứng cho những người khác. Cách thức ngợi khen Thiên Chúa của chúng ta phải xuất phát từ Thần Khí bên trong của mỗi người chúng ta (Ep 5:18-20) và đặt nền tảng trong Kinh thánh (Cl 3:16). Khi làm như thế, chúng ta thờ phượng Ngài “trong tinh thần và chân lý” (Ga 4:24).

CHIA SẺ

Đức Chúa, Đấng chiến thắng (1-21). Khi họ đối diện với khó khăn bằng nhãn quan của con người, Ít-ra-en đã càm ràm (14:10-12); nhưng khi họ tin tưởng vào Thiên Chúa và nhìn thấy cánh tay hùng dũng của Ngài đang hành động, họ đã ca ngợi Ngài. Ơn cứu chuộc dẫn đến niềm vui (Lc 15:1-24).
Đây là bài ca lần đầu tiên được ghi lại trong Kinh thánh và là điển hình cho cách thức thờ phượng đích thật vì bài ca này nhấn mạnh đến Đức Chúa, trong chính thần tính của Ngài và điều Ngài đã thực hiện cho dân Ngài. Ngài đã cứu dân Ngài (1-10), hướng dẫn họ để có được quyền thừa tự (11-13), tôn vinh danh Ngài (14-17); và triều đại Ngài trường tồn (18). Đâu là cách thức quen thuộc bạn vẫn làm mỗi khi ca ngợi Thiên Chúa ? Hôm nay, hãy để Thiên Chúa là sức mạnh của bạn, lời ca của bạn, và ơn cứu độ của bạn (2; x Tv 118:14; Isa 12:2).
Đức Chúa, Đấng chữa lành (22-26). Dân chúng đi từ trạng thái vui sướng sang phàn nàn ! Chúng ta dễ dàng ca hát trong những hoàn cảnh thoải mái, nhưng cần phải có đức tin để hát ca khi chúng ta đang gặp đau khổ. Thiên Chúa thử thách chúng ta trong những kinh nghiệm hằng ngày để thấy phải chăng chúng ta sẽ tuân phục Ngài ? Ngài có thể thay đổi hoàn cảnh của chúng ta, nhưng Ngài muốn làm hơn thế nữa, đó chính là thay đổi con người của chúng ta (Pl 4:10-13). Trong những lúc thành công hay trong đau khổ, bạn thấy mình gần Chúa hơn ? Và liệu bạn có thể ca ngợi Ngài ngay cả khi đang gặp thử thách gian nan ?
Đức Chúa,  Đấng mạch nước (27). Cuộc sống không phải lúc nào cũng là chiến đấu và nước đắng. Đôi khi, Thiên Chúa mang chúng ta đến những ốc đảo đầy nước trong lành và vì thế mà chúng ta phải ngợi khen Ngài. Tuy nhiên, chúng ta có thể chẳng bao giờ đón nhận quyền thừa tự của mình nếu chúng ta cắm rễ vào vùng đất Ê-lim. Chúng ta là những người lữ khách chứ không phải là những thường trú nhân. Đâu là vùng đất “Ê-lim” của bạn, nơi làm bạn không tiến được về phía trước, nơi mà ở đó có Thiên Chúa đang chờ đợi bạn với miền đất hứa ban cho bạn làm gia sản ?


1 nhận xét:

  1. Hình ảnh và ánh mắt của cụ già nơi viện dưỡng lão vẫn còn sống động trong con, mặc dù đã hơn một năm trôi qua rồi. Hôm ấy, chương trình văn nghệ của các bé đặc biệt hơn vì là dịp lễ Giáng Sinh và Năm Mới. Cuối phần văn nghệ có phát quà Giáng Sinh là một chiếc vòng đeo cổ làm bằng ruy-băng có treo một quả chuông lục lặc nhỏ kêu leng keng mà các bé đã tự tay làm lấy. Nhưng hôm ấy số bệnh nhân đến tham dự đông hơn bình thường nên không đủ quà. Bé Mary, 3 tuổi, cởi chiếc vòng bé đang đeo ở cổ để trao lại cho một cụ già phía con đang đứng. Chỗ con đang đứng phần lớn là những cụ không còn điều khiển được tay chân nữa. Họ là những thân hình bất động trên những chiếc xe lăn, thân mình được buộc chặt vào lưng ghế cho khỏi ngã, đầu gục xuống. Con không hiểu họ còn tỉnh táo hay không. Con đã dẫn bé đến tặng quà cho một cụ già còn tỉnh táo vì cụ ca hát. Thật ra, có 2 cụ nổi bật nhất. Cụ già thứ nhất được trao quà còn ngồi thẳng. Cụ kia thì được buộc vào lưng ghế, đầu nghẹo qua một bên, miệng há ra, con không biết cụ có tỉnh táo không, nhưng mắt cụ mở và có vẻ linh động, có vẻ như cụ biết những gì đang xảy ra. Cụ thứ hai có hình dáng bên ngoài làm con sợ và rụt rè. Con nghĩ rằng nếu ông cụ thứ hai không tỉnh táo mà nhận quà thì uổng đi, trong khi ông cụ thứ nhất có thể buồn, nên con đã quyết định dẫn bé Mary đến tặng quà cho cụ thứ nhất. Mà muốn đến với cụ thứ nhất thì phải đi ngang qua cụ thứ hai. Khi đi ngang qua cụ thứ hai, con đã tránh nhìn ông, phần vì sợ, phần vì thấy ái ngại không có quà cho ông.

    Trên đường về nhà, không hiểu sao hình ảnh và ánh mắt của ông cụ thứ hai cứ ám ảnh con hoài. Trong suy tư, con thấy hối hận nhiều vì sự thờ ơ, lạnh nhạt của mình. Nếu ông cụ thứ hai tỉnh táo, chắc là ông đang buồn nhiều lắm vì ông thấy bị bỏ rơi khi con phớt lờ ông đi. Con đã để nỗi sợ hãi vu vơ lấn chiếm cả lòng bác ái rồi. Tại sao con lại không thể nở nụ cười, khẽ gật đầu chào, nói lời chúc mừng đến ông cho dù không có quà cho ông? Nếu con đã làm như vậy, có thể ông sẽ vui mừng và được an ủi vì thấy mình được để ý đến. Khi chiêm ngắm Chúa Hài Đồng trong máng cỏ đêm Giáng Sinh năm ấy, con đã chợt nhận ra một Chúa Hài Đồng nhỏ bé, bất lực đang ẩn thân trong hình dáng bất lực của ông cụ thứ hai. Khi từ chối cụ là con đã từ chối chính Chúa Giêsu. Con cứ nghĩ rằng mỗi lần đến thăm viện dưỡng lão này là con đang thực thi lòng bác ái rồi. Nhưng qua kinh nghiệm này, con hiểu rằng Chúa muốn con bước thêm một bước nữa: yêu thương không ngần ngại những ai con đang muốn tránh xa. Khi Chúa gửi cụ thứ hai đến để con yêu thương thì con lại gạt đi; con chỉ yêu thương những ai con chọn lựa thôi. Vậy mà, con đã tưởng rằng như thế là tốt lắm rồi, là đẹp lòng Chúa lắm rồi. Chính sự tự mãn này, vùng đất "Ê-lim" của con, đã làm con bị đóng khung trong cái hẹp hòi của mình. Tạ ơn Chúa vẫn không ngừng nhắc nhở con trong từng biến cố của ngày sống. Xin cho con biết đón nhận những chỉ dạy của Chúa qua những khắc khoải, dằn vặt, hay ngay cả niềm hân hoan của tâm hồn con. Xin giúp con đừng tự chôn chân trong những vùng đất "Ê-lim" của con, mà can đảm lên đường theo sự hướng dẫn của Chúa đến những nơi Chúa muốn con đến để Chúa có thể trao thêm gia sản tình yêu cho con. Con chân thành cầu xin như vậy, lạy Chúa là Cha rất nhân từ của con.

    Trả lờiXóa

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC