Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

CHƯƠNG 01 - MA-CA-BÊ 1

 I. Lời Nói Ðầu
Vua A-lê-xan-đê và các tướng kế vị
1 Vua A-lê-xan-đê, con vua Phi-líp-phê, người Ma-kê-đô-ni-a, xuất thân từ đất Kít-tim, đã đánh bại Ða-ri-ô, vua nước Ba-tư và Mê-đi, và đã trị vì thay thế vua Ða-ri-ô - trước đó vua A-lê-xan-đê đã cai trị Hy-lạp - 2 Sau đó vua đánh nhiều trận, chiếm nhiều thành trì và giết các vua chúa trong vùng. 3 Vua rong ruổi khắp nơi cho đến tận cùng cõi đất và thu chiến lợi phẩm của nhiều dân tộc; toàn cõi đất im hơi lặng tiếng trước mặt vua khiến vua sinh lòng tự cao tự đại; 4 vua tập hợp một đạo quân rất hùng hậu, chinh phục các miền, các dân và các vương hầu. Họ phải triều cống vua. 5 Sau đó, vua ngã bệnh liệt giường và nghĩ mình sắp chết. 6 Vua triệu tập các viên tướng lừng danh của mình, đó là những người đã được nuôi dưỡng cùng với vua từ buổi thiếu thời, rồi vua chia vương quốc cho họ trước khi nhắm mắt. 7 Vua A-lê-xan-đê trị vì được mười hai năm thì băng hà. 8 Các viên tướng của vua lên nắm quyền, mỗi người một miền. 9 Sau khi vua băng hà, tất cả đều xưng vương, cha truyền con nối trong vòng nhiều năm, gây ra bao tai hoạ trên cõi đất.
Vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê đưa văn hoá Hy-lạp vào Ít-ra-en (2 Mcb 4:7-17)
10 Từ trong bọn này, một mầm mống tội lỗi đã nảy sinh : đó là An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê, con vua An-ti-ô-khô ; vua này đã phải làm con tin ở Rô-ma, trước khi làm vua năm một trăm ba mươi bảy theo lịch triều Hy-lạp. 11 Lúc bấy giờ, từ trong Ít-ra-en đã nảy sinh những đứa vô lại, chúng đã dụ dỗ nhiều người như sau: "Nào chúng ta đi ký kết giao ước với các dân tộc láng giềng, vì từ khi sống cách biệt họ, chúng ta gặp phải nhiều tai hoạ." 12 Những người này thấy lời ấy thật vừa lòng. 13 Một số người trong dân vội đi yết kiến nhà vua. Vua đã cho phép họ sống theo các tập tục của dân ngoại. 14 Thế là họ đã xây một thao trường ở Giê-ru-sa-lem theo thói các dân ngoại; 15 họ huỷ bỏ dấu vết cắt bì, chối bỏ Giao Ước thánh để mang chung một ách với dân ngoại và bán mình để làm điều dữ.
Chinh phạt Ai-cập lần thứ nhất. Cướp phá Ðền Thờ.
16 Khi vua An-ti-ô-khô thấy vương quyền đã vững, thì tính làm vua đất Ai-cập nữa để cai trị cả hai nước. 17 Vua tiến vào Ai-cập với một đoàn quân đông đảo gồm : chiến xa, voi, kỵ binh và một đội tàu chiến lớn. 18 Vua giao chiến với vua Ai-cập là Pơ-tô-lê-mai. Vua này quay lưng chạy trốn và nhiều người bị tử thương. 19 Họ chiếm đoạt các thành trì kiên cố trong đất Ai-cập và thu chiến lợi phẩm của đất Ai-cập. 20 Vua An-ti-ô-khô trở về sau khi đã đánh bại Ai-cập năm một trăm bốn mươi ba, và vua tiến lên đánh Ít-ra-en ; vua tiến lên đến tận Giê-ru-sa-lem với một đoàn quân đông đảo.
21 Ông ngạo nghễ đi vào thánh điện và chiếm đoạt bàn thờ bằng vàng, trụ đèn và mọi đồ phụ tùng, 22 bàn để bánh tiến, các bình dùng trong lễ rưới, chén, bình hương bằng vàng, bức trướng, các triều thiên ; và ông lột hết các vật trang trí bằng vàng ở mặt tiền Ðền Thờ. 23 Ông lấy bạc, vàng, các vật quý giá, lấy cả các kho tàng đã được cất giấu mà ông tìm được. 24 Vơ vét tất cả xong, ông trở về xứ sở, sau khi đã chém giết thật dã man và nói năng hết sức ngạo mạn.
25 Tang tóc bao trùm khắp cõi Ít-ra-en.
26 Thủ lãnh, kỳ mục khóc than ai oán,
thanh niên thiếu nữ yếu nhược suy tàn,
người phụ nữ đâu còn vẻ đẹp.
27 Tân lang cất khúc ai ca,
tân nương than khóc chốn khuê phòng.
28 Ðất rung chuyển vì dân cư trên đó,
cả nhà Gia-cóp phải nhục nhã ê chề.
Tướng A-pô-lô-ni-ô. Việc kiến thiết đồn quân.
29 Hai năm sau, vua An-ti-ô-khô phái một viên tướng lo việc thuế má đến các thành thuộc miền Giu-đa ; ông này đến Giê-ru-sa-lem cùng với một đoàn quân đông đảo. 30 Khi nói với dân ông giả bộ hiếu hoà và họ đã tin. Rồi bất chợt ông ập vào thành, đánh một đòn chí tử, tiêu diệt một số đông dân Ít-ra-en. 31 Ông thu chiến lợi phẩm trong thành rồi nổi lửa đốt thành, triệt hạ nhà cửa và tường luỹ chung quanh. 32 Ðàn bà con trẻ thì bắt đi đày, còn súc vật thì chiếm đoạt. 33 Rồi chúng xây lại Thành vua Ða-vít, có tường luỹ đồ sộ và vững chắc, có tháp kiên cố, và coi như đồn quân của chúng. 34 Ở đó, chúng cho định cư một đám dân tội lỗi, những đứa vô lại, và chúng càng thêm mạnh thế. 35 Chúng tích trữ khí giới và lương thực, tập trung các chiến lợi phẩm lấy được ở Giê-ru-sa-lem và chất vào đó. Chúng trở nên một cạm bẫy đáng sợ.
36 Ðó là một ổ phục kích đối với Thánh Ðiện,
một đối thủ hung ác của Ít-ra-en mọi thời.
37 Chúng đổ máu vô tội chung quanh Thánh Ðiện
và làm cho Thánh Ðiện ra ô uế.
38 Dân thành Giê-ru-sa-lem thấy chúng liền trốn chạy,
Thành Thánh nên nơi cư ngụ cho kẻ ngoại bang,
nên xa lạ đối với con cái mình,
Thành bị chính con cái mình từ bỏ.
39 Thánh Ðiện nên sa mạc hoang vu,
các ngày lễ hoá thành tang tóc,
các ngày sa-bát trở nên nỗi nhục,
vinh dự đã biến thành nhơ nhuốc.
40 Xưa càng vinh nay càng nhục,
xưa cao cả nay thấp hèn.
Thiết lập nền phụng tự ngoại giáo
41 Rồi vua An-ti-ô-khô ra chiếu chỉ trong toàn vương quốc truyền cho mọi người phải nhập thành một dân duy nhất 42 và ai nấy phải bỏ tục lệ của mình. Mọi dân tộc đều chấp hành lệnh vua. 43 Trong dân Ít-ra-en, có nhiều người hưởng ứng việc thờ phượng vua đã truyền ; họ dâng lễ tế cho các ngẫu tượng, vi phạm luật sa-bát. 44 Vua cũng sai sứ giả đem sắc chỉ đến Giê-ru-sa-lem và các thành miền Giu-đa, truyền phải theo tục lệ xa lạ đối với dân miền này: 45 cấm không được dâng lễ toàn thiêu, lễ hy tế và lễ rưới trong Thánh Ðiện, phải vi phạm luật sa-bát và các ngày lễ; 46 phải làm cho Thánh Ðiện và dân thánh ra ô uế. 47 Vua còn truyền phải lập các bàn thờ, các nơi tế tự, các đền miếu ; phải sát tế heo và những loài vật ô uế, 48 không được cắt bì cho con trai nữa ; phải làm cho chính mình ra kinh tởm vì mọi thứ ô uế và vi phạm 49 đến nỗi quên cả Lề Luật và thay đổi mọi tập tục. 50 Ai không tuân lệnh vua thì phải chết. 51 Trên đây là nội dung chiếu chỉ vua đã ra cho toàn vương quốc. Vua còn đặt những người có nhiệm vụ giám sát toàn dân và truyền cho tất cả các thành ở Giu-đa, không trừ thành nào, phải dâng lễ tế. 52 Nhiều người trong dân đã bỏ Lề Luật mà hùa theo chúng ; những người ấy đã làm bao điều xấu xa trong xứ, 53 khiến dân Ít-ra-en phải tìm nơi ẩn khuất mà nương náu.
54 Ngày mười lăm tháng Kít-lêu, năm một trăm bốn mươi lăm, vua cho dựng Ðồ ghê tởm khốc hại trên bàn thờ dâng lễ toàn thiêu và cho lập các bàn thờ trong các thành miền Giu-đa chung quanh Giê-ru-sa-lem. 55 Trước cửa nhà và ngoài quảng trường, người ta dâng hương. 56 Gặp sách Luật ở đâu, thì đem xé và quăng vào lửa. 57 Bắt gặp sách Giao Ước ở nhà ai và biết ai còn tuân giữ Lề Luật, thì đem ra xử tử theo phán quyết của vua. 58 Tháng này qua tháng khác, chúng đàn áp không nương tay những người Ít-ra-en chúng bắt gặp trong các thành. 59 Ngày hai mươi lăm mỗi tháng, chúng dâng lễ tế trên bàn thờ chúng đã xây bên trên bàn thờ dâng lễ toàn thiêu. 60 Chiếu theo chỉ dụ, phụ nữ nào làm phép cắt bì cho con thì chúng cột đứa bé vào cổ và đem xử tử. 61 Cả gia đình cùng với những người đã làm phép cắt bì đều bị xử tử.
62 Nhưng nhiều người trong dân Ít-ra-en vẫn kiên tâm vững chí, nhất định không ăn những thức ăn ô uế. 63 Họ thà chết chẳng thà để cho mình ra ô uế vì thức ăn, vi phạm Giao Ước thánh. Cuối cùng họ đã chết. 64 Một cơn thịnh nộ lớn đe doạ Ít-ra-en.

DẪN NHẬP

Các sự kiện trong sách Ma-ca-bê diễn ra vào khoảng 175–134 TCN, dưới thời vua An-ti-ô-khô IV Ê-pi-pha-ni, một vị vua Hy Lạp của Đế quốc Seleukos. Ông tìm cách Hy Lạp hóa người Do Thái, cấm thực hành luật Do Thái, như phép cắt bì và phụng tự trong Đền Thờ. Ông còn xúc phạm Đền Thờ bằng cách lập bàn thờ ngoại giáo và dâng lễ vật ô uế. Trước sự đàn áp này, Mat-thi-a và các con trai của ông (đặc biệt là Giu-đa Ma-ca-bê) đã lãnh đạo cuộc nổi dậy giành lại tự do tôn giáo. Cuộc khởi nghĩa thành công dẫn đến việc thanh tẩy và cung hiến lại Đền Thờ năm 164 TCN, một sự kiện được tưởng nhớ qua lễ Hanukkah. Chủ Đề và Sứ Điệp Chính: Lòng trung tín với Thiên Chúa; Bách hại tôn giáo sự kháng cự; Quan phòng của Thiên Chúa; Sức mạnh của cầu nguyện sự tử đạo. Sách Ma-ca-bê không chỉ là một bản tường thuật lịch sử mà còn là nguồn cảm hứng về lòng can đảm, đức tin và sự công bình của Thiên Chúa. Qua đó, sách nhắc nhở chúng ta rằng, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, dân Chúa luôn được mời gọi kiên vững trong đức tin và đặt trọn niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa. Hai sách Ma-ca-bê là lời mời gọi sống đức tin vững vàng, ngay cả khi đối diện thử thách. Đồng thời, sách cũng đề cập đến những giáo lý quan trọng như: Niềm tin vào sự sống lại (2 Mcb 7:9-14); Sức mạnh của lời cầu nguyện chuyển cầu (2 Mcb 12:44-45, nền tảng cho giáo lý Luyện Ngục),

CHIA SẺ

Giữ Vững Đức Tin Giữa Thử Thách: Người Do Thái đối diện với sự áp bức tôn giáo: họ bị buộc bỏ lề luật của Chúa để thờ ngẫu tượng. Một số người Do Thái đã tự ý từ bỏ lề luật và làm giao ước với dân ngoại. Họ chấp nhận văn hóa Hy Lạp, xây dựng sân vận động (để thi đấu khỏa thân) và bỏ lề luật của Môsê. Họ coi nhẹ những truyền thống thiêng liêng, xem đức tin như một gánh nặng thay vì là một ơn phúc. Ngày nay, chúng ta cũng đối diện với những thử thách đức tin, dù không bị bách hại thể xác, nhiều người vẫn gặp khó khăn khi thực hành đức tin trong môi trường làm việc, học tập. chủ nghĩa thực dụng, hưởng thụ, và áp lực xã hội muốn chúng ta xa rời Thiên Chúa. Tôi có đủ can đảm để giữ vững đức tin giữa thế gian, hay tôi dễ dàng thỏa hiệp với những giá trị trái với Tin Mừng?
Thờ Phượng Chân Thật: An-ti-ô-khô IV xúc phạm Đền Thờ, đặt thần tượng dân ngoại thay vì thờ Thiên Chúa. Ngày nay, "Đền Thờ" của chúng ta là tâm hồn mình. Thờ phượng chân thật không chỉ là những nghi thức bên ngoài, nhưng quan trọng hơn, đó là sự dâng hiến trọn vẹn tâm hồn và cuộc sống cho Thiên Chúa. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,24). Nhưng có khi nào tôi để "các thần tượng hiện đại" như tiền bạc, danh vọng, và thú vui lấn át sự hiện diện của Chúa không? Tôi có sẵn sàng làm chứng cho đức tin của mình nơi trường học, nơi làm việc hay trong gia đình, ngay cả khi điều đó có thể khiến tôi bị hiểu lầm hay bị xa lánh không?
Lòng Trung Thành Của Những Người Công Chính: Nhà vua muốn đồng hóa dân Do Thái với văn hóa Hy Lạp bằng cách ép họ bỏ đạo, thờ ngẫu tượng và ăn thức ăn ô uế (thịt heo, đồ cúng thần ngoại). Một số người đã thỏa hiệp để được an toàn, nhưng vẫn có những người cương quyết giữ vững niềm tin, dù phải chịu chết. Họ chấp nhận tử đạo thay vì phản bội giao ước với Thiên Chúa. Nhưng có nhiều người Ít-ra-en vẫn giữ vững quyết tâm, không ăn của ô uế. Họ thà chịu chết còn hơn phạm tội nghịch lại Lề Luật. Tôi có thể không bị ép bỏ đạo, nhưng tôi có dám sống trung thành với Chúa, ngay cả khi điều đó khiến tôi
bị mất đi lợi ích trần gian không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC