Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

CHƯƠNG 10 - Thư Do thái

 TÓM LƯỢC: HY LỄ CỦA ĐỨC KI-TÔ CAO TRỌNG HƠN HY LỄ THEO LuẬT MÔ-SÊ
Hy lễ theo luật cũ thì vô hiệu 
1 Lề Luật chỉ phác hoạ lờ mờ những phúc lộc của thế giới tương lai, chứ không phản ánh chính xác những thực tại đó. Cho nên, Lề Luật không bao giờ có thể làm cho những người tiến lại gần Thiên Chúa được nên hoàn thiện, nhờ những ngần ấy thứ hy lễ người ta cứ dâng mãi năm này qua năm khác.2 Chẳng vậy, người ta đã thôi không còn dâng hy lễ, vì giả như những kẻ làm việc thờ phượng đã được thanh tẩy dứt khoát rồi, thì họ đâu còn ý thức mình có tội nữa?3 Trái lại, năm này qua năm khác, chính những hy lễ đó nhắc cho người ta nhớ mình có tội.4 Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi.5 Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể.6 Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội.7 Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.
8 Trước hết, Đức Ki-tô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền.9 Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới.10 Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.

Hy lễ của Đức Ki-tô thì hữu hiệu
11 Vị tư tế nào cũng phải đứng trong Đền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế; mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xoá bỏ được tội lỗi.12 Còn Đức Ki-tô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời.13 Và từ khi đó, Người chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân.14 Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo.15 Điều đó cả Thánh Thần cũng làm chứng cho chúng ta thấy. Quả thật, sau khi phán:16 Đây là giao ước Ta sẽ lập với chúng sau những ngày đó, thì Đức Chúa phán: Ta sẽ ghi vào tâm khảm chúng, sẽ khắc vào lòng trí chúng lề luật của Ta.17 Ta sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm và việc gian ác của chúng nữa.18 Mà nơi nào đã có ơn tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa.

IV. ĐỨC TIN KIÊN TRÌ
Chuyển tiếp
19 Vậy, thưa anh em, nhờ máu Đức Giê-su đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh.20 Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người.21 Chúng ta lại có một vị tư tế cao trọng đứng đầu nhà Thiên Chúa.22 Vì thế, chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền.23 Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín.24 Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt.25 Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp, như vài người quen làm; trái lại, phải khuyến khích nhau, nhất là khi anh em thấy Ngày Chúa đến đã gần.

Nguy cơ chối đạo 
26 Thật vậy, nếu chúng ta cố tình phạm tội sau khi đã học biết sự thật, thì không còn hy lễ nào đền tội được nữa,27 mà chỉ còn phải sợ hãi đợi chờ cuộc phán xét và ngọn lửa nóng bừng thiêu huỷ các đối tượng của Thiên Chúa.28 Ai khinh thường luật Mô-sê, theo lời chứng của hai hay ba người, thì sẽ bị xử tử thẳng tay.29 Phương chi kẻ đã chà đạp Con Thiên Chúa, đã xúc phạm đến Máu Giao Ước đã thánh hiến mình và nhục mạ Thần Khí ban ân sủng, thì anh em thử nghĩ xem, kẻ ấy đáng chịu hình phạt ghê gớm hơn biết mấy!30 Vì chúng ta biết Đấng đã nói: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả. Lại có lời rằng: Chúa sẽ xét xử Dân Người.31 Thật là khủng khiếp, khi phải rơi vào tay Thiên Chúa hằng sống!

Lý do để kiên trì 
32 Xin anh em nhớ lại những ngày đầu: lúc vừa được ơn chiếu sáng, anh em đã phải đối phó với bao nỗi đau khổ dồn dập.33 Khi thì anh em bị sỉ nhục và hành hạ trước mặt mọi người, khi thì phải liên đới với những người cùng cảnh ngộ.34 Quả thật, anh em đã thông phần đau khổ với những người bị tù tội, và đã vui mừng để cho người ta tước đoạt của cải, bởi biết rằng mình có những của vừa quý giá hơn lại vừa bền vững.35 Vậy, anh em đừng đánh mất lòng tin tưởng mạnh dạn của anh em; lòng tin tưởng đó sẽ mang lại một phần thưởng lớn lao.36 Anh em cần phải kiên nhẫn, để sau khi thi hành ý Thiên Chúa, anh em được hưởng điều Người đã hứa.37 Vì chỉ còn ít lâu nữa, một ít thôi, Đấng phải đến sẽ đến, Người sẽ không trì hoãn.38 Người công chính của Ta nhờ lòng tin sẽ được sống; nhưng nếu người ấy bỏ cuộc, thì Ta không hài lòng về người ấy.
39 Phần chúng ta, chúng ta không phải là những người bỏ cuộc để phải hư vong, nhưng là những người có lòng tin để bảo toàn sự sống.
CHIA SẺ


Sự tha thứ (c.1-18). Những hy tế trong Cựu Ước nhắc nhở về tội, không phải là sự tha thứ tội. Máu của Con Thiên Chúa giải quyết về tội một lần cho mãi mãi. Bởi vì, chẳng còn điều gì được dâng lên vì tội, chẳng còn nhớ đến tội (c.17; Gr 31:34), và chúng ta có thể vui mừng vì chúng ta có Đấng công chính đứng trước Thiên Chúa. Đến với Con Thiên Chúa để cảm nghiệm được ơn tha thứ và bình an, tuy nhiên nhiều người cảm thấy rất khó đến để lãnh nhận bí tích hòa giải. Bạn có gặp khó khăn này? Đâu là dấu chỉ mà bạn cảm nhận được ơn tha thứ Thiên Chúa ban cho bạn?
Sự trung tín (c.19-25). Cùng một Đấng Cứu Độ đã chết cho bạn, giờ đây sống cho bạn và mời gọi bạn bước vào sự hiện diện của Ngài để thờ phường và chia sẻ những nhu cầu của bạn. Vị thượng tế trong Cựu Ước có thể đi vào bên trong bức màn mỗi năm chỉ một lần, nhưng chúng ta có thể bước vào trong sự hiện diện của Ngài bất cứ khi nào. Hãy chắc chắn rằng bạn đã được thanh sạch và có chuẩn bị kỹ khi gặp Ngài. Bạn có thể tín thác nơi Ngài: “Đấng đã hứa là Đấng trung tín” (c.23). Bạn có chuẩn bị cách nghiêm túc cho những cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa? Những cuộc gặp gỡ đó có làm bạn được lớn lên hay chỉ là những việc bạn phải làm để đối phó và vì nghĩa vụ mà thôi?
Sự sợ hãi (c.26-39). Đặc ân bước vào trong sự hiện diện của Ngài cũng gắn liền với trách nhiệm tuân theo những giới răn của Ngài. Huấn từ này áp dụng cho những ai thường xuyên bất tuân ý Thiên Chúa và làm ô Danh Ngài. Thiên Chúa xử với con cái Ngài; Ngài sẽ không để họ hành xử như những kẻ nổi loạn. Chương này đóng lại với một sự khích lệ. Thiên Chúa cảnh cáo chúng ta vì thế chúng ta sẽ không tự phụ, nhưng Ngài an ủi chúng ta để chúng ta sẽ không bị khiếp nhược. Con tim chai đá cần được cảnh cáo; con tim tan vỡ cần được an ủi. Khi đến với Thiên Chúa bạn thấy mình được an ủi hay thường bị cảnh cáo?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC