Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

CHƯƠNG 13 - Thư 2 Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô

(1) Ðây sẽ là lần thứ ba tôi đến thăm anh em. Mọi công việc phải được giải quyết nhờ có ba mặt một lời. (2) Tôi đã nói với những kẻ trước đây đã phạm tội và mọi người khác, và hôm nay khi vắng mặt, tôi cũng xin nói lại như đã nói khi có mặt lần thứ hai, là: nếu đến lần nữa, tôi sẽ không nương tay, (3) bởi vì anh em muốn có một bằng chứng cho thấy Ðức Kitô nói trong tôi. Người không nhu nhược đối với anh em đâu, nhưng Người đầy uy quyền giữa anh em. (4) Thật vậy, Người đã chịu đóng đinh vì mang thân phận yếu hèn, nhưng nay Người đang sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Cả chúng tôi nữa, trong Ðức Kitô, chúng tôi cũng mang thân phận yếu hèn, nhưng cùng với Người, chúng tôi sống nhờ quyền năng của thiên Chúa để xử sự với anh em.
(5) Anh em hãy tự xét xem mình có còn sống trong đức tin hay không. Hãy tự kiểm điểm. Anh em chẳng nhận thấy là có Ðức Giêsu Kitô ở trong anh em sao? Trừ phi anh em đã thua trong cuộc kiểm điểm này. (6) Tôi hy vọng rằng anh em sẽ nhận thấy là chúng tôi đây không bị thua. (7) Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa cho anh em đừng làm điều gì trái, không phải để tỏ ra chúng tôi thắng, nhưng để anh em làm điều thiện, cho dù chúng tôi như bị thua. (8) Vì chúng tôi không thể làm gì chống lại sự thật, nhưng chúng tôi chỉ có thể hoạt động cho sự thật. (9) Quả thế, chúng tôi vui mừng khi chúng tôi yếu mà anh em lại mạnh. Ðiều chúng tôi cầu xin là anh em được nên hoàn thiện. (10) Vì vậy, khi vắng mặt, tôi viết các điều này, để lúc có mặt, tôi khỏi phải xử nghiêm khắc, theo quyền hành Chúa đã ban cho tôi để xây dựng, chứ không phải để phá đổ. 
Kết Luận 
Những lời dặn dò, thăm hỏi và lời cầu chúc cuối cùng
(11) Ngoài ra, thưa anh em, anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em.
(12) Anh em hãy hôn chào nhau cách thánh thiện. Tất cả các thánh ở đây gửi lời chào anh em.
(13) Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen. 
CHIA SẺ
 Khi thánh Phao-lô đã lên kế hoạch cho chuyến đi đến Corinto, ngài đã hình dung những hạng người mà ngài sẽ gặp ở đó. Bạn thấy mình thuộc vào nhóm nào?
Những người bất tuân (c.1-4). Tại sao dân Chúa muốn bất tuân Ngài (12:20) và tạo nên những vấn đề cho Phao-lô và đau buồn cho Đức Chúa, không nói về những vấn đề của Hội thánh của họ? Những đứa con bất tuân phải được dạy cho một bài học, và Phao-lô đã có chủ ý để trở thành một người cha trung tín và yêu thương.
Những người không đạt chuẩn (c.5-10). Một số thành viên trong Giáo hội chẳng bao giờ được tái sinh, và đó là tại sao họ gây nên những vấn đề. Thánh Phao-lô đã thúc dục chúng ta xem xét con tim mình để chắc chắn chúng ta là giữ vững niềm tin.
Những người sốt sắng (c.11-14). Họ là những người anh chị em trong Chúa đích thực, những người được tách riêng ra (các thánh), những người yêu thương nhau và thúc đẩy sự bình an và tinh tuyền của Giáo hội. Họ là những người trưởng thành trong tương quan huynh đệ, là những người thúc đẩy sự tăng trưởng thiêng liêng.
Mỗi Giáo hội địa phương đều có những vấn đề riêng và có thể được giải quyết bởi thái độ khiêm tốn và chân thành, cũng như nguồn thiêng liêng được rút ra từ 2Cr 13:14. Bạn có để cho mình được sẵn sàng với những sự phong phú này? Bạn thuộc về nhóm gây rắc rối hay nhóm giải pháp?

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

CHƯƠNG 12 - Thư 2 Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô

 (1) Phải tự hào ư? Nào có ích gì! Dù thế, tôi cũng xin nói về những thị kiến và mặc khải Chúa đã ban cho tôi. (2) Tôi biết có một người môn đệ Ðức Kitô, trước đây mười bốn năm đã được nhắc lên tới tầng trời thứ ba, có ở trong thân xác hay không, tôi không biết, có ở ngoài thân xác hay không, tôi cũng không biết, chỉ có Thiên Chúa biết. (3) Tôi biết rằng người ấy đã được nhắc lên tận thiên đàng, trong thân xác hay ngoài thân xác, tôi không biết, chỉ có Thiên Chúa biết, (4) và người ấy đã được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại. (5) Về một người như thế, tôi sẽ tự hào; còn về bản thân tôi, tôi chỉ tự hào về những yếu đuối của tôi. (6) Quả vậy, nếu muốn tự hào, thì tôi cũng không phải là người điên, vì tôi nói sự thật. Nhưng tôi không làm thế, kẻo người ta đánh giá tôi quá cao, so với điều họ thấy nơi tôi hoặc nghe tôi nói.
(7) Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xatan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. (8) Ðã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. (9) Nhưng Người quả quyết với tôi: "Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối". Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ở mãi trong tôi. (10) Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Ðức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.
(11) Tôi điên rồi! Chính anh em đã khiến tôi hóa ra như thế. Ðáng lẽ anh em phải khen tôi, vì mặc dầu tôi chẳng là gì, tôi đâu có thua kém các Tông Ðồ siêu đẳng kia. (12) Anh em đã thấy thực hiện nơi anh em những dấu chỉ của sứ vụ Tông Ðồ: nào là đức kiên nhẫn hoàn hảo, nào là những dấu lạ điềm thiêng, nào là các phép lạ. (13) Anh em có thua gì các Hội Thánh khác? Có chăng, chỉ thua ở chỗ bản thân tôi đã không phiền lụy anh em! Xin anh em tha cho tôi sự bất công đó. (14) Ðây tôi sẵn sàng đến thăm anh em lần thứ ba. Tôi cũng sẽ không phiền lụy anh em đâu, bởi vì điều tôi tìm kiếm không phải là của cải của anh em, mà là chính anh em. Thật vậy, không phải con cái có nhiệm vụ thu tích của cải cho cha mẹ, mà là cha mẹ phải thu tích của cải cho con cái. (15) Phần tôi, tôi rất vui lòng tiêu phí tiền của, và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em. Phải chăng vì yêu mến anh em nhiều hơn mà tôi được yêu mến ít hơn?
(16) Thế cũng được! Tôi đã không trở nên gánh nặng cho anh em; nhưng vốn là người xảo quyệt, tôi đã dùng mưu mà lừa gạt anh em. (17) Phải chăng trong số những kẻ tôi sai đến, tôi đã dùng người nào đó để bóc lột anh em? (18) Tôi đã xin anh Titô đi, và đã bóc lột anh em? Chúng tôi đã không sống theo cùng một tinh thần, cùng một đường lối sao?
Nỗi lo âu của ông Phao-lô
(19) Ðã từ lâu, anh em tưởng rằng chúng tôi tự biện hộ trước mặt anh em. Thật ra tôi nói là nói trước mặt Thiên Chúa, trong Ðức Kitô. Và thưa anh em thân mến, chúng tôi nói tất cả những điều ấy cốt để xây dựng anh em. (20) Quả vậy, tôi sợ rằng khi đến, tôi không thấy anh em được như ý tôi, và anh em thấy tôi không được như ý anh em. Chớ gì giữa anh em đừng có chia rẽ, ghen tương, oán ghét, cạnh tranh, vu khống, nói hành, kiêu căng, hỗn loạn. (21) Tôi sợ rằng lần sau đến thăm anh em, Thiên Chúa của tôi lại để tôi phải nhục vì anh em, và tôi phải than khóc nhiều người trước đây đã phạm tội, mà nay chẳng chịu ăn năn hối cải về những việc ô uế, gian dâm và phóng đãng họ đã làm.
CHIA SẺ
 Cho phép. Giống như Thiên Chúa đã cho phep để thử thách Gióp (G 1-2) và Phê-rô (Lc 22:31-34), vì thế Ngài đã cho phép Satan tấn công Phao-lô. Thiên Chúa đã muốn giữ Phao-lô khiêm tốn sau khi có cuộc xuất thần lên trên trời. Trong việc yêu mến ý Chúa, đau khổ có một mục đích mà không thể được hoàn tất bằng con đường khác. Hãy chấp nhận điều đó, và nó sẽ trở thành phúc lành trên trời; chống lại nó, và nó sẽ trở thành một gánh nặng. Làm thế nào để sự yếu đuối của tôi trở nên là điều tốt? Làm thế nào để có thể nhận ra được ý Thiên Chúa trong cuộc đời tôi?
Cầu nguyện. Giống như Chúa ở trong Ghét-sê-ma-ni (Mt 26:44), thánh Phao-lô đã cầu nguyện ba lần với Thiên Chúa để giải thoát ông; nhưng Đức Chúa đã không đáp trả lời nguyện cầu như Phao-lô đã muốn. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã ban cho theo nhu cầu và đã ban cho các tôi tớ của Ngài ân sủng mà họ cần. Thánh Phao-lô đã không chỉ làm cho đời sống cầu nguyện tốt nhất - ngài đã dành hầu hết cho cầu nguyện! Ân sủng có thể làm điều đó cho bạn. Bạn sẽ làm gì mọi lời cầu nguyện của bạn dường như đáp lại bằng một sự im lặng?
Sự bối rối. Thánh Phao-lô đã quan tâm nhiều về đến tội của các thánh hơn là về những vấn đề sức khỏe của cá nhân ngài. Giống như một người cha yêu thương, ngài đã muốn đến Corinto và vui với những đứa con yêu dấu của ngài, nhưng họ đang buộc ngài phải kỷ luật họ. Tuy nhiên, ngay cả việc kỷ luật là một bằng chứng của tình yêu (Dt 12). Điều quan trọng không phải là bạn đang làm gì trong cách đối xử với người khác, nhưng điều bạn đang làm có phải được thúc đẩy bởi đức ái. Đây có phải là cách bạn đang thể hiện trong tương quan với những người khác?

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

CHƯƠNG 11 - Thư 2 Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô

 Ông Phaolô bắt buộc phải tự khen mình
(1) Phải chi anh em chịu đựng được một chút điên rồ của tôi! Mà hẳn anh em chịu đựng được tôi. (2) Thật thế, vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Ðức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết. (3) Nhưng tôi sợ rằng như xưa con rắn đã dùng mưu chước mà lừa dối bà Evà thế nào, thì nay trí lòng anh em cũng dần dần đâm ra hư hỏng, mất sự đơn sơ đối với Ðức Kitô như vậy. (4) Quả thật, nếu có ai đến rao giảng một Ðức Giêsu khác với Ðức Giêsu mà chúng tôi rao giảng, hay nếu anh em lãnh nhận một Thần Khí nào khác với Thần Khí anh em đã lãnh nhận, hoặc nếu anh em lãnh nhận một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng anh em đã đón nhận, thì anh em sẵn lòng chịu đựng được ngay. (5) Tôi nghĩ rằng tôi chẳng có thua gì các Tông Ðồ siêu đẳng kia. (6) Giả như tôi có thua kém về khoa ăn nói, thì về sự hiểu biết, tôi chẳng thua kém đâu! Trong mọi dịp và trước mặt mọi người, chúng tôi đã tỏ cho anh em thấy điều đó rồi.
(7) Phải chăng tôi có lỗi, vì đã hạ mình xuống để tôn anh em lên, khi rao giảng không công cho anh em Tin Mừng của thiên Chúa? (8) Tôi đã bóc lột các Hội Thánh khác, ăn lương của họ, để phục vụ anh em. (9) Hồi ở giữa anh em, những khi lâm cảnh túng thiếu, tôi đã chẳng phiền lụy ai, bởi vì các anh em từ Makêđônia đến đã cung cấp đầy đủ những gì tôi cần. Trong mọi dịp, tôi đã tránh không trở nên gánh nặng cho anh em, và tôi cũng sẽ còn tránh như vậy. (10) Nhân danh chân lý của Ðức Kitô ở trong tôi, tôi xin nói với anh em rằng: chẳng ai cấm được tôi có niềm vinh dự đó trong các miền xứ Akhaia. (11) Tại sao thế? Có phải vì tôi không yêu mến anh em chăng? Có Thiên Chúa biết!
(12) Ðiều tôi làm, tôi sẽ tiếp tục làm, để những kẻ muốn có cơ hội tự phụ là những người ngang hàng với chúng tôi, không còn cơ hội đó nữa. (13) Vì những kẻ đó là tông đồ giả, là thợ gian xảo, đội lốt tông đồ của Ðức Kitô. (14) Lạ gì đâu! Vì chính Xatan cũng đội lốt thiên thần sáng láng! (15) Vậy có gì là khác thường khi kẻ phục vụ nó đội lốt người phục vụ sự công chính. Chung cục, chúng sẽ lãnh nhận hậu quả công việc chúng đã làm. (16) Tôi xin nói lại: đừng ai tưởng là tôi điên. Mà có ai tưởng như thế, thì cứ nhận tôi là điên, để tôi cũng được tự hào đôi chút. (17) Ðiều tôi đang nói, tôi không nói theo tinh thần của Chúa, nhưng nói như một người điên, bởi tin chắc rằng mình có lý để tự hào. (18) Vì có lắm kẻ tự hào theo tính xác thịt, thì tôi đây, tôi cũng tự hào. (19) Vốn là người khôn, anh em lại sẵn lòng chịu đựng kẻ điên! (20) Phải rồi, anh em đành chịu người ta áp chế, cấu xé, tước đoạt, đối xử ngạo ngược và tát vào mặt! (21) Tôi nói thế, thật là nhục nhã, như thể chúng tôi đã tỏ ra nhu nhược...
Nhưng bất cứ điều gì người ta dám làm, thì tôi cũng dám làm, tôi nói như người điên. (22) Họ là người Hípri ư? Tôi cũng vậy! Họ là người Ítraen ư? Tôi cũng vậy! Họ là dòng giống Ápraham ư? Tôi cũng vậy! (23) Họ là người phục vụ Ðức Kitô ư? Tôi nói như người điên: tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. (24) Năm lần tôi bị người Dothái đánh bốn mươi roi bớt một; (25) ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! (26) Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trôm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. (27) Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. (28) Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh! (29) Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?
(30) Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi. (31) Thiên Chúa, Ðấng đáng chúc tụng muôn đời, là Cha của Chúa Giêsu, biết rằng tôi không nói dối. (32) Tại Ðamát, tổng đốc của vua Arêta đã cho lính canh gác thành để bắt tôi. (33) Nhưng người ta đã cho tôi vào một cái thúng, rồi thòng qua cửa sổ dọc theo tường thành. Thế là tôi thoát khỏi tay ông ta.
CHIA SẺ
 Thánh Phao-lô đã so sánh chính mình như một người cha với những trách nhiệm cho những đứa con thiêng liêng của mình.
Bảo vệ (c.1-4). Những người lãnh đạo tinh thần phải bảo vệ Hội thánh khỏi những thầy dạy giả hiệu, là những người theo đuổi quyến rũ Hội thánh đánh mất lòng tôn kính Đức Ki-tô. Hãy tỉnh thức việc đánh mất lòng mến dành cho Đức Ki-tô và cho những người đã giúp đỡ chúng ta tín thác vào Đấng Cứu Độ. Bạn có biết rằng những kẻ chống phá Hội thánh có mặt như là một người con cái mình. Đâu là cách thức để giúp bạn nhận ra và ý thức để bảo vệ mình khỏi đi lạc hướng bởi những quyến rũ từ những kẻ như vậy?
Cũng cấp (c.5-15). Thánh Phao-lô có quyền để nhận những ủng hộ về tài chính tại Corinto, nhưng ông đã đặt điều đó qua một bên và đã hy sinh cho họ trong tình yêu. Họ đã không đánh giá cao về điều đó! Phần bạn có đánh giá những hy sinh của những người khác dành cho bạn? Bạn có sẵn sàng để hy sinh cho những người khác ngay cả khi họ không biết ơn bạn?
Đau khổ (c.16-33). Thánh Phao-lô đã đề cập đến những đau khổ chỉ để bảo vệ Tin Mừng và quyền thực thi sứ vụ của mình. Những thầy dạy giả hiệu khoe khoang về những chiến thắng của họ, nhưng thánh Phao-lô khoe về những thử thách của ngài. Có những đau khổ do chúng ta tự gây ra cho mình, có những đau khổ để giúp cho bạn trưởng thành hơn trong thử thách. Đâu là cách để bạn vượt qua những đau khổ và nhận biết đâu là những thử thách để giúp bạn thuộc về Ngài hơn?

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

CHƯƠNG 10 - Thư 2 Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô

 III. Ông Phao-Lô Tự Biện Hộ 
Ông Phao-lô trả lời những kẻ trách ông nhu nhược
(1) Chính tôi, Phaolô, một kẻ trước mặt anh em thì khúm núm, mà vắng mặt anh em thì lại ra oai, tôi xin dựa vào lòng nhân từ và khoan dung của Ðức Kitô mà khuyên nhủ anh em. (2) Tôi xin anh em chớ bắt chước tôi, khi có mặt, phải mạnh dạn ra oai mà tính đến chuyện thẳng tay với những kẻ cho rằng chúng tôi chỉ biết sống theo tính xác thịt. (3) Quả thế, chúng tôi đang sống trong xác phàm, nhưng không chiến đấu theo tính xác thịt. (4) Thật vậy, khí giới chúng tôi dùng để chiến đấu không phải là thứ khí giới thuộc xác thịt, nhưng là những khí giới, nhờ Thiên Chúa, có sức đánh đổ các đồn lũy. Chúng tôi đánh đổ các kiểu lý luận (5) và mọi thái độ kiêu căng chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa. Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng để đi tới chỗ vâng phục Ðức Kitô. (6)Chúng tôi sẵn sàng sửa trị mọi kẻ bất tuân, một khi anh em đã hoàn toàn vâng phục.
(7) Anh em hãy nhìn nhận những gì sờ sờ trước mắt. Nếu có ai tự phụ mình thuộc về Ðức Kitô, thì hãy nhận thức một lần nữa điều này: họ thuộc về Ðức Kitô làm sao, thì chúng tôi cũng vậy. (8) Vì cho dầu tôi có tự hào quá đáng một đôi chút về quyền Chúa đã ban cho chúng tôi để xây dựng, chứ không phải để đánh đổ anh em, thì tôi cũng không lấy làm xấu hổ, (9) kẻo như muốn dùng thư từ mà làm cho anh em phải khiếp sợ. (10) Có kẻ nói rằng: "Trong thư thì nghiêm khắc và hùng hổ; nhưng khi có mặt thì nhu nhược, nói chẳng ra hồn". (11) Xin họ biết cho rằng: khi vắng mặt, chúng tôi viết thư làm sao, thì khi có mặt, chúng tôi cũng hành động như vậy.
Ông Phao-lô trả lời những kẻ trách ông đầy tham vọng
(12) Thật ra, chúng tôi đâu dám cho mình ngang hàng hay so sánh mình với những kẻ tự cao tự đại kia. Nhưng khi họ lấy mình làm tiêu chuẩn để tự đánh giá và so sánh, thì họ không được khôn. (13) Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ không tự hào quá giới hạn. Trái lại, niềm tự hào của chúng tôi giới hạn trong phạm vi Thiên Chúa đã quy định cho chúng tôi, khi đưa chúng tôi đến với anh em.(14) Vì anh em ở trong phạm vi đó, nên chúng tôi không vượt quá giới hạn khi đến với anh em. Thật thế, chúng tôi đã đến với anh em trước, mang theo Tin Mừng của Ðức Kitô, (15) chứ không cướp công của người khác mà tự hào quá giới hạn. Nhưng chúng tôi hy vọng rằng: một đức tin của anh em lớn mạnh, công việc của chúng tôi ngày càng phát triển nơi anh em trong phạm vi đã quy định cho chúng tôi, (16) thì chúng tôi có thể đem Tin Mừng xa hơn nữa, mà không tự hào về những thành tựu thuộc phạm vi người khác. (17) Nhưng ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa! (18) Người được chấp nhận không phải là kẻ tự cao tự đại, nhưng là người được Chúa đề cao.
CHIA SẺ
 Satan tìm cách để làm u mê trí khôn của con người đối với ánh sáng của Thiên Chúa (4:3-6), củng cố trí khôn chống lại chân lý của Thiên Chúa (c.1-6), và dụ dỗ trí khôn ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa (11:1-4). Thánh Phao-lô cho một số lời khuyên rất thực tế để chiến thắng trong trận chiến thiêng liêng.
Hãy nên giống Đức Ki-tô (c.1). Dũng cảm phải cân bằng với sự hiền lành, vì quyền năng của Thiên Chúa được nghiệm thấy trong sự khiêm hạ. Satan là kẻ thù của chúng ta, Satan không thể nắm quyền trên con người.
Hãy sử dụng những vũ khí thiêng liêng (c.2-6). Phao-lô có thể nghĩ đến chiến thắng của Gio-sua tại Giê-ri-khô (Gs 6) khi bức tường sập xuống bởi niềm tin của Ít-ra-en. Đọc Ep 6:1-20, và hãy chắc rằng bạn mang toàn bộ những khí giới này.
Hãy giữ cặp mắt bạn hướng về Chúa (c.7-11). Những người tín hữu Corinto đã tố cáo Phao-lô về sự thiếu nhất quán đã tạo cho Satan cơ hội để hoạt động trong đời sống họ.
Hãy chấp nhận phạm vi của việc phục vụ mà Thiên Chúa trao cho bạn (c.12-16). Mỗi chiến sĩ Ki-tô hữu có một nơi để lấp đầy; nếu tất cả chúng ta tuân theo những lệnh truyền của Ngài, Hội thánh sẽ chiến thắng trong cuộc chiến.
Hãy tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa mà thôi (c.17-18). Làm thế nào bạn có thể khoe khoang trong những chiến thắng mà chỉ mình Thiên Chúa có thể ban cho? Thánh Phao-lô trích Gr 9:24 để nhắc chúng ta vinh quang thuộc về nơi nào.
Trong cuộc chiến thiêng liêng của đời mình, bạn dùng những loại khí giới thích hợp nào để giúp bạn chiến đấu và chiến thắng?

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

CHƯƠNG 9 - Thư 2 Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô

 (1) Về việc phục vụ các thánh, tôi có viết cho anh em thì kể cũng bằng thừa, (2) vì tôi biết lòng hăng hái của anh em. Ðiều đó làm cho tôi tự hào vì anh em mà khoe với các anh em vùng Makêđônia rằng: "Xứ Akhaia đã sẵn sàng từ năm ngoái". Và nhiệt tình của anh em đã khích lệ rất nhiều người. (3) Tôi cử mấy người anh em đi để niềm tự hào của chúng tôi về thiện chí của anh em khỏi trở thành hư ảo, và để anh em được sẵn sàng, như tôi đã nói. (4) Chẳng vậy, lúc anh em Makêđônia cùng đến với tôi mà thấy anh em không sẵn sàng, thì chúng tôi phải xấu hổ vì đã tin cậy như thế, nếu không muốn nói là cả anh em nữa cũng phải xấu hổ. (5) Vậy, tôi nghĩ cần phải xin mấy người anh em đến với anh em trước chúng tôi và chuẩn bị cho anh em quyên góp rộng rãi như đã hứa, để anh em sẵn sàng quyên góp với lòng quảng đại, chứ không phải theo tính hẹp hòi.
Ích lợi của cuộc lạc quyên
(6) Tôi xin nói điều này: "gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều". (7) Mỗi người hãy cho tùy theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì "ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương". (8) Vả lại, Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện, (9) theo như lời đã chép: kẻ túng nghèo, Người rộng tay làm phúc; đức công chính của Người tồn tại muôn đời.
(10) Ðấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào. (11) Anh em sẽ được sung túc mọi bề để làm mọi việc thiện cách rộng rãi. Những việc chúng ta làm sẽ khiến người ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa. (12) Thật thế, việc phục vụ cho công ích này không những đáp ứng nhu cầu của các thánh, mà hơn thế nữa, còn là nguồn phát sinh bao lời cảm tạ dâng lên Thiên Chúa. (13) Việc phục vụ này là một bằng cớ cho họ tôn vinh Thiên Chúa, vì thấy anh em vâng phục và tuyên xưng Tin Mừng của Ðức Kitô, và vì thấy anh em có lòng quảng đại, sẵn sàng chia sẻ với họ và với mọi người. (14) Còn họ, họ sẽ cầu nguyện cho anh em để tỏ lòng quý mến, bởi nhận thấy ân huệ tuyệt vời Thiên Chúa đổ xuống trên anh em. (15) Xin cảm tạ Thiên Chúa vì phúc lộc khôn tả Người ban!
CHIA SẺ
  Đó là một chứng từ cho những người khác (c.1-5). Một năm trước, lòng nhiệt thành của những người tín hữu Corinto đã khuấy động những người khác để chia sẻ; giờ đây Phao-lô phải khuấy động những người Corinto! Chúng ta không chia sẻ không phải để cho người khác ca ngợi (Mt 6:1-4), nhưng chúng ta cũng phải là những gương tốt trước người khác. Nếu chúng ta hứa điều gì, chúng ta nên giữ lời. Đối với những những tín hữu ở Mác-cê-đô-ni-a chia sẻ không phải là một việc nhỏ mọn nhưng là một thách đố, không phải là một gánh nặng nhưng là một phúc lành. Chia sẻ không phải là một điều gì đó phải tránh nhưng là một đặc ân đáng ước ao. Khi nói đến việc chia sẻ và đóng góp cảm xúc gì xuất hiện đầu tiên trong bạn?
Điều đó phải được thực hiện trong niềm vui (c.6-15). Nếu bạn muốn nên phong phú trong đời sống thiêng liêng từ việc chia sẻ của mình (c.11), bạn phải thực hành trong hân hoan và hãy vui mừng vì những cơ hội để chia sẻ. Hãy xem những lời hứa của Thiên Chúa dành cho những chia sẻ một cách trung thành! Bạn có thể đánh mất những lời hứa đó như thế nào?

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

CHƯƠNG 8 - Thư 2 Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô

 II. Tổ Chức Lạc Quyên 
Những lý do chứng tỏ lòng quảng đại
(1) Thưa anh em, chúng tôi xin báo cho anh em biết ân huệ Thiên Chúa đã ban cho các Hội Thánh ở Makêđônia. (2) Trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại. (3) Vì theo sức, tôi xin làm chứng là quá sức nữa, họ đã tự động (4) khẩn khoản nài xin chúng tôi cho họ được phúc tham dự vào việc phục vụ các thánh. (5) Họ đã vượt quá điều chúng tôi mong ước là tự hiến mình phụng sự Chúa trước, rồi phục vụ chúng tôi theo ý Thiên Chúa. (6) Nên chúng tôi đã xin anh Titô hoàn thành công việc lạc quyên đó nơi anh em, như anh ấy đã bắt đầu làm.
(7) Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này nữa. (8) Tôi nói thế không phải để ra lệnh cho anh em đâu. Nhưng tôi chỉ nêu lên lòng nhiệt thành của người khác để xem lòng yêu mến của anh em chân thành đến mức nào. (9) Quả thật, anh em biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có. (10) Về điều này, tôi xin đưa ra một ý kiến. Ý kiến đó thích hợp với anh em, vì anh em là những người đầu tiên, chẳng những đã thực hiện công cuộc đó, mà còn đã quyết định làm ngay từ năm ngoái. (11) Vậy nay anh em hãy hoàn thành công cuộc đó, để như anh em đã hăng hái quyết định thế nào, thì cũng tùy khả năng mà hoàn thành như vậy. (12) Vì khi người ta hăng hái dâng cái mình có, thì Thiên Chúa chấp nhận; còn nếu không có thì thôi. (13) Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Ðiều cần thiết là phải có sự đồng đều. (14) Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều, (15) hợp với lời đã chép: Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu.
Gửi gắm ông Ti-tô và các bạn đồng hành
(16) Cảm tạ ThiênChúa đã đặt vào lòng anh Titô một sự nhiệt thành như thế đối với anh em: (17) anh em đã nhận lời yêu cầu của tôi và đã nhiệt thành tự nguyện tới thăm anh em. (18) Cùng với anh Titô, chúng tôi cử một người anh em rao giảng Tin Mừng nổi tiếng trong khắp các Hội Thánh. (19) Không những thế, anh lại được các Hội Thánh chỉ định cùng đi với chúng tôi lo việc lạc quyên, một việc nghĩa chúng tôi đảm nhận, để tôn vinh Chúa và biểu lộ lòng hăng hái của chúng tôi. (20) Chúng tôi đề phòng như thế, để không ai chê trách được chúng tôi về món tiền lớn chúng tôi chịu trách nhiệm. (21) Vì chúng tôi quan tâm đến điều thiện, không những trước mặt Chúa, mà cả trước mặt người ta. (22) Chúng tôi lại cử thêm một người anh em nữa của chúng tôi cùng đi với hai người nói trên. Chúng tôi thường hay có dịp thử lòng nhiệt thành của anh ấy bằng nhiều cách; và nay anh còn nhiệt thành hơn nữa, vì đầy lòng tin tưởng vào anh em. (23) Về phần anh Titô, anh vừa là bạn đường, vừa là người cộng tác với tôi trong việc phục vụ anh em. Còn về hai người anh em kia của chúng tôi, họ là sứ giả của các Hội Thánh và là vinh quang của Ðức Kitô. (24) Vậy, trước mặt các Hội Thánh, anh em hãy tỏ cho những người đó thấy đức ái của anh em, và cho họ biết là chúng tôi có lý để tự hào về anh em.
CHIA SẺ
 Chương 8 và 9 tập trung vào những chia sẻ mà Phao-lô đã nhận cho các tín hữu ở vùng Giu-đê. Cộng đoàn ở Corinto đã đồng ý chia sẻ những gì họ đóng góp nhưng đã tắc trách trong khi làm như thế. Phao-lô đã nhắc nhở họ về những lời hứa của họ và đồng thời đã giải thích một số nguyên lý trong cách chia sẻ của người Ki-tô hữu.
Điều đó bắt đầu với việc thuộc về Chúa (c.1-7). Bạn không thể cho phần quan trọng của bạn cho tới khi bạn trao ban điều đầu tiên chính là bản thân mình (c.5; Rm 12:1-2). Khi bạn thuộc về Đức Chúa, bạn bắt đầu tìm kiếm những cơ hội để chia sẻ thay vì tìm kiếm những lý do để không làm điều đó. Bạn nghĩ gì khi việc chia sẻ bắt đầu với việc ý thức mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa, và chính bản thân mình chỉ là người đóng vai trò quản lý và điều đó giúp mình dễ chia sẻ hơn?
Điều đó được thúc đẩy bởi ân sủng (c.8-9). Đức Giê-su giàu sang trên thiên đàng nhưng đã trở nên nghèo trên mặt đất (ngay cả chết trên thập giá!) để chúng ta có thể chia sẻ sự phong phú vĩnh hằng. Tất cả đều là hông ân bởi vì trao ban là một ân sủng. Luật đòi buộc, nhưng ân sủng đòi hỏi sự đồng thuận và mang đến niềm vui. Bạn học được gì từ bài học cho đi đến tận cùng của Đức Giê-su?
Điều đó đòi hỏi niềm tin (c.10-15). Ví dụ về Manna (Xh 16) cho thấy Thiên Chúa luôn luôn ban điều chúng ta cần. Thánh Phao-lô cũng đã sử dụng hình ảnh gieo giống để khích lệ sự chia sẻ quảng đại (9:6). Chúng ta có thể tin tưởng vào những lời hứa của Thiên Chúa. Theo bạn đâu là sự khác biệt trong việc chia sẻ xuất phát từ cảm xúc và niềm tin?
Điều đó đòi hỏi sự thành thật (c.16-24). Những ai sử dụng tiền của Thiên Chúa nên hy sinh và thành thật, phải chắc chắn rằng mọi điều đều phải ngay thật và đáng kính trọng. Chia sẻ đòi hỏi sự hy sinh, có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình phải hy sinh như vậy?

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

CHƯƠNG 7 - Thư 2 Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô

 (1) Anh em thân mến, vì nắm được những lời hứa ấy, nên chúng ta hãy tẩy rửa hồn xác cho sạch mọi vết nhơ, và đem lòng kính sợ Thiên Chúa mà lo đạt tới mức thánh thiện hoàn toàn.
(2) Anh em hãy dành cho chúng tôi một chỗ trong lòng anh em. Chúng tôi đã không làm hại ai, không làm cho ai phải sạt nghiệp, không bóc lột ai. (3) Tôi nói thế không phải để lên án anh em, vì tôi đã từng nói: anh em hằng ở trong lòng chúng tôi, sống chết chúng tôi đều có nhau. (4) Tôi rất tin tưởng anh em, tôi rất hãnh diện về anh em. Tâm hồn tôi chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó.
Ông Phao-lô gặp lại ông Ti-tô ở Ma-kê-đô-ni-a
(5) Thật thế, khi đến Makêđônia, thân xác chúng tôi chẳng được nghỉ ngơi chút nào; trái lại, ở đâu cũng gặp gian nan khốn khó: bên ngoài phải chiến đấu, bên trong phải lo sợ. (6) Nhưng Thiên Chúa, Ðấng an ủi những kẻ yếu hèn, đã an ủi chúng tôi bằng cách sai anh Titô đến. (7) Chúng tôi được an ủi không những vì anh Titô đến, mà còn vì anh ấy đã được anh em an ủi. Anh ấy đã cho chúng tôi biết là anh em nóng lòng mong đợi, buồn phiền, nhưng vẫn đầy nhiệt tình đối với tôi, khiến tôi càng vui mừng hơn nữa.
(8) Dù trong bức thư trước tôi có làm cho anh em phải ưu phiền, tôi cũng không hối tiếc. Mà giả như có hối tiếc, vì thấy rằng bức thư ấy đã làm cho anh em phải ưu phiền, tuy chỉ trong chốc lát, (9) thì nay tôi lại vui mừng, không phải vì đã làm cho anh em phải ưu phiền, nhưng vì nỗi ưu phiền đó đã làm cho anh em hối cải. Thật thế, anh em đã phải ưu phiền do ý Thiên Chúa, nên chúng tôi không làm thiệt hại gì cho anh em. (10) Quả vậy, nỗi ưu phiền do ý Thiên Chúa làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ: đó là điều không bao giờ phải hối tiếc; còn nỗi ưu phiền của thế gian thì gây ra sự chết. (11) Hãy xem những hậu quả mà nỗi ưu phiền, do ý Thiên Chúa, gây ra nơi anh em: bao nồng nhiệt, và hơn thế nữa: bao lời xin lỗi, bao ân hận, bao sợ hãi, bao ước mong, bao nhiệt tình, bao hình phạt; bằng mọi cách, anh em đã chứng tỏ mình vô can trong vụ này. (12) Vậy, nếu tôi đã viết thư cho anh em, thì không phải vì kẻ làm nhục hay người bị nhục, nhưng để cho thái độ nồng nhiệt của anh em đối với chúng tôi được tỏ hiện nơi anh em, trước mặt Thiên Chúa. (13) Ðó là điều an ủi chúng tôi.
Ngoài niềm an ủi đó, chúng tôi còn được đầy tràn một niềm vui lớn hơn nữa, khi thấy anh Titô vui mừng vì tất cả anh em đã làm cho tâm trí anh ấy được thư thái. (14) Nếu trước mặt anh ấy, tôi đã có đôi chút tự hào về anh em, thì tôi cũng không hổ thẹn. Trái lại, trong mọi sự, chúng tôi đã nói thật với anh em thế nào, thì thái độ tự hào của chúng tôi trước mặt anh Titô cũng chân thật như vậy.(15) Lòng anh ấy càng tha thiết quý mến anh em, khi nhớ lại anh em đã vâng lời, đã kính sợ và run rẩy đón tiếp anh. (16) Tôi vui mừng vì trong mọi sự tôi có thể tin cậy anh em.
CHIA SẺ
 Rửa sạch (c.1). Bạn nên cầu xin Thiên Chúa rửa sạch mình (Tv 51:2,7) và một điều tương tự khác là rửa sạch chính bạn cũng như gạt bỏ những điều làm cho ô uế (Is 1:16). Sự cách ly đôi khi đòi hỏi một cuộc phẫu thuật. Bạn có thấy mình cần phải cách ly với một điều gì đó để giúp cho bạn được nên thanh sạch hơn?
An ủi (c.2-7). Cùng một người đem đến niềm vui cho bạn cũng có thể gây cho bạn buồn phiền. Khi Ti-tô thuật lại rằng Hội thánh đã kỹ luật người phạm tội, Phao-lô đã vui mừng về điều đó. Đã có bao giờ bạn trở thành câu trả lời cho những lời cầu nguyện của một ai đó như Ti-tô đã là câu trả lời cho điều Phao-lô xin?
Làm sạch (c. 8-11). Nếu chúng ta hoán cải một cách nghiêm túc, chúng ta sẽ làm mọi sự chúng ta có thể để rửa sạch mọi sự. Ăn năn và hối hận thì chưa đủ; phải có một sự hoán cải được thể hiện với việc trở về. Hoán cải không phải là một hành động xảy ra một lần duy nhất, nhưng đó là chọn lựa một cách sống.
Chăm sóc (c.12-16). Cả Phao-lô và Ti-tô đã chăm sóc cho những người tín hữu ở Corinto, và đức ái này đã có ngày khải hoàn. Bạn liều lĩnh khi bạn yêu một ai đó, vì họ có thể làm bạn tổn thương; nhưng điều đó xứng đáng để liều để nên giống Đức Giê-su Ki-tô và sống một cuộc sống khả ái. Có khi nào bạn cảm thấy ân hận vì dành một tình cảm và sự quan tâm cho một ai đó, và điều đó đã để lại những vết sẹo trong lòng mình? Nếu thực sự yêu như Đức Giê-su đã yêu bạn, liệu có giúp bạn hòa giải với những tổn thương vẫn còn âm ỉ trong lòng bạn?

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

CHƯƠNG 6- Thư 2 Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô

 (1) Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. (2) Quả thế, Chúa đã phán rằng: Ta nhận lời ngươi vào lúc Ta thi ân, trợ giúp ngươi vào ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là lúc Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ. (3) Phần chúng tôi, chúng tôi chẳng làm gì gây cớ cho ai vấp phạm, để không người nào có thể đàm tiếu về công việc phục vụ của chúng tôi. (4) Trái lại, trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa: gian nan, khốn quẫn, lo âu, (5) đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng. (6) Chúng tôi còn chứng tỏ điều đó bằng cách ăn ở trong sạch, khôn khéo, nhẫn nhục, nhân hậu, bằng một tinh thần thánh thiện, một tình thương không giả dối, (7) bằng lời chân lý, bằng sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ, (8) khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu. Bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; (9) bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết; (10) coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả.
Ông Phao-lô thố lộ tâm tình và cảnh cáo
(11) Thưa anh em người Côrintô, chúng tôi đã chân thành ngỏ lời với anh em, chúng tôi đã mở rộng tấm lòng. (12) Chúng tôi không hẹp hòi với anh em đâu, nhưng chính lòng dạ anh em hẹp hòi. (13) Vậy, anh em hãy đền đáp chúng tôi; tôi nói với anh em như nói với con cái, anh em cũng hãy cởi mở tâm hồn.
(14) Anh em đừng mang chung một ách với những kẻ không tin. Thật thế, làm sao sự công chính lại liên kết được với sự bất chính? Làm sao ánh sáng lại dung hòa được với bóng tối? (15) Làm sao Ðức Kitô lại hòa hợp được với Bêlia? Làm sao người tin lại chung phần được với người không tin? (16) Làm sao Ðền Thờ Thiên Chúa lại đi đôi với tà thần được? Vì chính chúng ta là Ðền Thờ của Thiên Chúa hằng sống, như lời Người phán: Ta sẽ đến cư ngụ và đi đi lại lại giữa họ. Ta sẽ là Thiên Chúa của họ, và họ sẽ là Dân riêng của Ta. (17) Vì thế, hãy ra khỏi Dân ấy, hãy rời xa chúng, Chúa phán như vậy. Ðừng có đụng tới vật ô uế nào, và Ta sẽ đón nhận các ngươi. (18) Ta sẽ là Cha các ngươi, và các ngươi sẽ là con trai, con gái của Ta. Chúa toàn năng phán như vậy.
CHIA SẺ
 Đón nhận (c.1-2). Thường những ai thuộc về Hội Thánh mà  còn gây nên những rắc rối, chắc họ chẳng bao giờ thực sự tái sinh. Họ có thể nghĩ họ được cứu, nhưng không chắc như vậy. Lúc này là thời gian để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Ngày mai đã quá trễ. Thiên Chúa mời gọi bạn trở nên những đại sứ của Đức Ki-tô và trao cho bạn sứ vụ được tham gia vào công cuộc hòa giải thế gian với Ngài. Bạn có để cho ân sủng này bị mai một đi, và bỏ rơi sứ vụ được cộng tác với Ngài trong công cuộc hòa giải?
Lòng cảm kích (c.3-13). Thật dễ dàng để quên đi những hy sinh của người khác đã thực hiện nhờ đó chúng ta có thể biết được Đức Chúa. Thánh Phao-lô chẳng bao giờ nói về những đau khổ trừ khi những lời của mình đã giúp để bảo vệ sứ vụ (11:16 tt). Bạn có xem việc được trở thành con cái trong Giáo hội là một ơn nhưng không? Bạn có bao giờ biết ơn những người đi trước bạn và làm cho ơn gọi Ki-tô hữu của bạn trở nên hiện thực?
Sự đồng ý (c.14-18). Những người tín hữu trong Giáo hội đã thỏa hiệp với thế gian và không bước đi trong đường lối riêng của mình (Tv 1:1). Thiên Chúa trông chờ một tương quan mật thiết với chúng ta, nhưng Ngài sẽ không chia sẻ ách của Ngài với thế gian. Để có thể sống thánh thiện, chúng ta cần phải tách mình ra khỏi một số người hay điều gì đó. Điều đó không có đồng nghĩa với việc bạn phải trở nên một người dị biệt. Những điều gì bạn thấy mình cần phải chọn lựa bỏ lại để bạn có thể thuộc về Thiên Chúa hơn?

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

CHƯƠNG 5 - Thư 2 Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô

 (1) Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra. (2) Do đó, chúng ta rên siết là vì những ước mong được thấy ngôi nhà thiên quốc của chúng ta phủ lên chiếc lều kia, (3) miễn là chúng ta có mặc áo, chứ không phải trần trụi.(4) Thật thế, bao lâu còn ở trong chiếc lều này, chúng ta rên siết, khổ tâm vì không muốn cởi bỏ cái này, nhưng lại muốn trùm thêm lên mình cái kia, để cho cái phải chết tiêu tan trong sự sống. (5) Ðấng đã tạo thành chúng ta vì mục đích ấy chính là Thiên Chúa, Người đã ban Thần Khí cho chúng ta làm bảo chứng.
(6) Vậy chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, (7) vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa... (8) Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa. (9) Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người. (10) Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Ðức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.
Thi hành sứ vụ Tông Ðồ
(11) Vậy, vì biết kính sợ Chúa, chúng tôi cố gắng thuyết phục người ta; còn đối với Thiên Chúa, thì mọi sự nơi chúng tôi đều lộ trần trước mặt Người. Và tôi hy vọng rằng mọi sự nơi chúng tôi cũng lộ trần như vậy trước lương tâm của anh em. (12) Chúng tôi không nói hay cho mình để tự giới thiệu một lần nữa với anh em, nhưng cho anh em một cơ hội tự hào về chúng tôi, để anh em có thể trả lời cho những ai chỉ biết kiêu hãnh về những vẻ bề ngoài, chứ không phải về những gì trong tâm hồn. (13) Thật vậy, chúng tôi có điên, thì cũng là vì Thiên Chúa; chúng tôi có khôn, thì cũng là vì anh em. (14) Tình yêu Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết. (15) Ðức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Ðấng đã chết và sống lại vì mình.
(16) Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Ðức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa. (17) Cho nên, phàm ai ở trong Ðức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. (18) Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa, là Ðấng đã nhờ Ðức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải. (19) Thật vậy, trong Ðức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải. (20) Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Ðức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa. (21) Ðấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.
CHIA SẺ
 Chúng ta biết (1). Ngôi nhà thân thể mới của chúng ta mà chúng ta sẽ nhận được khi chúng ta gặp Đức Chúa (Pl 3:20-21) bởi vì Thiên Chúa cứu toàn thể con người (1Cr 15:42-58). Thiên Chúa không muốn một ai phải hư mất và điều đó có giúp bạn biết tôn trọng ngôi nhà thân thể của những người khác?
Chúng ta rên siết (c.2-4). Thụ tạo đang rên siết và dân Chúa cũng rên siết (Rm 8:18-23), mong chờ Đức Giê-su trở lại. Chúng ta không muốn chết và bỏ lại “ngôi nhà” của mình; chúng ta muốn những thân xác này được “mặc lấy” vinh quang của Thiên Chúa từ trời (1 Ga 3:1-2). Thánh Phao-lô mong chờ Đức Giê-su đến trong thời của ngài. Điều gì xảy ra với chúng ta trong vai trò của một thụ tạo mới này?Bạn đã sống cơ hội là một thụ tạo mới trong Đức Ki-tô như thế nào?
Chúng ta tin tưởng (c.5-8). Lời Chúa cho chúng ta chân lý về sự chết và những điều vượt quá sự hiểu biết của nhân loại, Thần Khí của Thiên Chúa bảo đảm rằng con cái Thiên Chúa sẽ về trời. Chúng ta công bố điều này nhờ niềm tin và đi trong sự tin tưởng, và thật là ơn bình an cho nhân loại! Chân lý này có giúp bạn được thanh thoát hơn với những thực tại nơi trần thế mà bạn đang đối diện?
Chúng ta hướng đến việc làm vui lòng Ngài (c.9-21). Động lực thiêng liêng của thánh Phao-lô đối với việc phục vụ bao hàm ngai xét xử của Đức Ki-tô (c.9-11), tình yêu của Đức Ki-tô (c.12-16), sức mạng của Tin Mừng (c.17), và nhiệm vụ của Ngài (c.18-21). Động lực nào thúc đẩy bạn thực thi Ý Ngài?

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

CHƯƠNG 4 - Thư 2 Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô

 (1) Bởi thế, vì Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí. (2) Trái lại, chúng tôi khước từ những cách hành động ám muội, đáng xấu hổ, và không dùng mưu mô mà xử trí, cũng chẳng xuyên tạc lời Thiên Chúa; nhưng chúng tôi giãi bày sự thật, và bằng cách đó, chúng tôi để cho lương tâm mọi người phê phán trước mặt Thiên Chúa.(3) Tin Mừng chúng tôi rao giảng có bị che khuất, thì chỉ bị che khuất đối với những người hư mất, (4) đối với những kẻ không tin. Họ không tin, vì tên ác thần của đời này đã làm cho tâm trí họ ra mù quáng, khiến họ không thấy bừng sáng lên Tin Mừng nói về vinh quang của Ðức Kitô, là hình ảnh Thiên Chúa. (5) Bởi chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Ðức Kitô Giêsu là Chúa; còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Ðức Giêsu. (6) Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Ðức Kitô.
Gian truân và hy vọng trong công việc Tông Ðồ
(7) Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. (8) Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; (9) bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. (10) Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương Khó của Ðức Giêsu, để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. (11) Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe dọa vì Ðức Giêsu, để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi. (12) Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em.
(13) Vì có được cùng một lòng tin, như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói. (14) Quả thật, chúng tôi biết rằng Ðấng đã làm cho Chúa Giêsu chỗi dậy, cũng sẽ làm cho chúng tôi được chỗi dậy với Ðức Giêsu, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em. (15) Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra, là vì anh em. Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người.
(16) Cho nên, chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. (17) Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. (18) Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.
CHIA SẺ


Vinh quang của ơn cứu độ (c.1-6). Không giống như những người nệ luật đang tấn công vào Hội thánh, Phao-lô không có gì để dấu. Hệ thống tôn giáo của Do Thái giáo che đậy Tin Mừng, nhưng Phao-lô đã tìm cách để mặc khải Tin Mừng. Hình ảnh được sử dụng từ sách Sáng Thế Ký 1:1-3 và chuyển từ thụ tạo cũ sang thụ tạo mới (2Cr 5:17). Đối diện với những sự chống đối Tin Mừng bạn đã làm gì Tin Mừng được tỏa lan trong những nơi bạn hiện diện?
Vinh quang của việc phục vụ (c.7-12). Thánh Phao-lô đã trả giá cho sứ vụ của mình, nhưng những người nệ luật đã gom góp những vinh quang cho bản thân (3:1). Chúng ta là những bình sành; kho tàng của sự sống tin mừng bên trong mới là điều quan trọng. Như những bình sành, chúng ta phải sạch sẽ và luôn sẵn sàng khi Ngài cần dùng (2 Tm 2:20-21). Đâu là những an ủi và niềm vui qua những công việc phục vụ của bạn? Bạn gặp nhưng khó khăn nào trong việc phục vụ, và đâu là cách thức giúp bạn vượt qua?
Vinh quang của sự đau khổ (c.13-18). Đức Giê-su đã đau khổ và biến sự đau khổ đó thành vinh quang; nhờ niềm tin, chúng ta có thể làm được như vậy. Chẳng có gì sai trái khi chăm sóc con người bên ngoài, bao lâu bạn nhận ra rằng con người đó đang bị hủy hoại. Hãy tập trung vào con người bên trong. Đó là phần vô hình mà không bị tiêu tan đi. Điều tốt nhất vẫn chưa xuất hiện! Sự thống nhất và quân bình giữa con người bên trong và bên ngoài rất quan trọng. Bạn làm gì để trau dồi cả hai chiều kích đó như là môt phương cách để tôn vinh Thiên Chúa?