Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

CHƯƠNG 3 - Thư Thứ Nhất Gửi Timôthê

Các giám quản

1 Đây là lời đáng tin cậy: ai mong được làm giám quản, người ấy ước muốn một nhiệm vụ cao đẹp.2 Vậy giám quản phải là người không ai chê trách được, chỉ có một đời vợ, tiết độ, chừng mực, nhã nhặn, hiếu khách, có khả năng giảng dạy;3 người ấy không được nghiện rượu, không được hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, không hay gây sự, không ham tiền,4 biết điều khiển tốt gia đình mình, biết dạy con cái phục tùng cách rất nghiêm chỉnh,5 vì ai không biết điều khiển gia đình mình, thì làm sao có thể lo cho Hội Thánh của Thiên Chúa được?6 Người ấy không được là tân tòng, kẻo lên mặt kiêu căng mà bị kết án như ma quỷ.7 Người ấy còn phải được người ngoài chứng nhận là tốt, kẻo bị sỉ nhục và sa vào cạm bẫy ma quỷ.

Các trợ tá

8 Các trợ tá cũng vậy, phải là người đàng hoàng, biết giữ lời hứa, không rượu chè say sưa, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn;9 họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch.10 Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức vụ trợ tá, nếu không bị ai khiếu nại.11 Các bà cũng vậy, phải là người đàng hoàng, không nói xấu, nhưng tiết độ, đáng tin cậy mọi bề.12 Các trợ tá phải là người chỉ có một đời vợ, biết điều khiển con cái và gia đình cho tốt.13 Những ai thi hành chức vụ trợ tá cách tốt đẹp, thì được một chỗ danh dự, và được mạnh dạn nhiều nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô Giê-su.

Mầu nhiệm của đạo thánh

14 Tôi viết cho anh thư này, dù vẫn hy vọng sớm đến với anh.15 Nhưng nếu tôi chậm trễ, thì thư này sẽ cho anh biết phải ăn ở thế nào trong nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh của Thiên Chúa hằng sống, cột trụ và điểm tựa của chân lý.16 Phải công nhận rằng: mầu nhiệm của đạo thánh thật là cao cả, đó là:
Đức Ki-tô xuất hiện trong thân phận người phàm,
được Chúa Thánh Thần chứng thực là công chính;
Người được các thiên thần chiêm ngưỡng,
và được loan truyền giữa muôn dân;
Người được cả hoàn cầu tin kính,
được siêu thăng cõi trời vinh hiển.
CHIA SẺ
 Trở nên một người lãnh đạo dân Chúa là một nhiệm vụ nghiêm túc, và đừng nên chấp nhận một chức vụ khi thấy mình không đủ phẩm chất và hãy sẵn sàng đón nhận vị trí đó để giúp Hội thánh.
Canh chừng (c.1-7). Tước hiệu giám mục có nghĩa là “canh chừng” và mô tả công việc của trưởng lão (Cv 20:17, 28). Dân Chúa giống như chiên; họ cần những mục tử để canh giữ họ, bảo vệ họ, và dẫn dắt họ. Bạn có cầu nguyện cho những người lãnh đạo tinh thần của bạn để họ ngày càng nên giống như điều lòng Chúa mong muốn nơi họ?

Làm việc (c.8-13). Từ phó tế có nghĩa là “phục vụ”. Các phó tế giúp cho những trưởng lão trong việc thực hiện công việc của Hội thánh (Cv 6:1-7). Cùng với các trưởng lão, các phó tế nên đủ phẩm chất thiêng liêng và cho thấy gương sáng trong đời sống của mình. Phục vụ không phải chỉ là công việc của các phó tế, bạn đã cộng tác với các thành phần khác trong Giáo hội để phục vụ dân Chúa như thế nào?

Thờ phượng (c.14-16). Giáo hội lớn hơn một nhóm của những người có cùng suy nghĩ thỉnh thoảng quy tụ lại với nhau. Thiên Chúa hằng sống ở giữa họ (Mt 18:20), và chân lý về Thiên Chúa đã được ký gửi nơi họ! Họ thờ phượng Thiên Chúa Con, Đấng đáng ca ngợi! Vâng, đây là một điều nghiêm túc là một phần của Hội thánh địa phương! Bạn có xem điều này một cách nghiêm túc không?

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

CHƯƠNG 2 - Thư Thứ Nhất Gửi Timôthê


Lời kinh phụng vụ

1 Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người,2 cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh.3 Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta,4 Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.5 Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su,6 Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.
Điều này đã được chứng thực vào đúng thời đúng buổi.

7 Và để làm chứng về điều này, tôi được đặt làm người rao giảng và làm Tông Đồ -tôi nói thật chứ không nói dối- nghĩa là làm thầy dạy các dân ngoại về đức tin và chân lý.8 Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc.

Khi họp cộng đoàn, người phụ nữ phải như thế nào?

9 Cũng thế, tôi muốn người đàn bà phải ăn mặc đoan trang, đồ trang điểm phải kín đáo, giản dị: không phải là những kiểu tóc cầu kỳ, vàng bạc, ngọc trai hay quần áo đắt tiền,10 nhưng là những việc lành; như thế mới thích hợp với những người đàn bà xưng mình có lòng đạo đức.11 Khi nghe lời dạy dỗ, đàn bà phải thinh lặng và hết lòng phục tùng.12 Tôi không cho phép đàn bà giảng dạy, hay thống trị đàn ông, trái lại họ phải thinh lặng,13 vì A-đam được tạo dựng trước, rồi mới đến E-và.14 Cũng không phải A-đam đã bị dụ dỗ, nhưng là người đàn bà đã phạm tội, khi bị dụ dỗ.15 Tuy nhiên, người đàn bà sẽ được cứu nhờ sinh con cái, nếu kiên trì giữ đức tin, đức mến và sự thánh thiện, với lòng đơn sơ giản dị. 
CHIA SẺ
 Đâu là thừa tác vụ quan trọng nhất của Hội thánh địa phương? Theo thánh Phao-lô, đó chính là cầu nguyện. Đời sống cầu nguyện làm cánh tay của người cầm quyền của thế gian chuyển động. Chúng ta phải cầu nguyện cho những người lãnh đạo, đó là những cánh cửa của thừa tác vụ sẽ được giữ mở và các tâm hồn sẽ được chiến thắng cho Đức Ki-tô. Bởi vì dân Chúa không cầu nguyện cho những người có thẩm quyền, các cuộc chiến làm đóng cửa các sứ vụ, các viên chức không cấp thị thực cho những người đang cần, và công việc của Đức Chúa phải chịu đau khổ. Bạn phải hy sinh điều gì để giúp bạn được thăng tiến trong đời sống cầu nguyện: bạn có thể sẵn sàng bỏ một buổi tối trong tuần tắt tivi; thoát ra khỏi mạng internet; ngồi ở một quán nước nào đó…và đâu là những điều khác nữa mà bạn thấy mình sẵn sàng hy sinh giúp đời sống cầu nguyện của bạn tốt hơn?
Thánh Phao-lô nhắc nhở những người Ki-tô hữu nam rằng những người Ki-tô hữu nữ quan trọng đối với Đức Chúa và công việc của Giáo hội. Tin Mừng đã đem tự do tới cho những người phụ nữ trong Đế Quốc Rô-ma, nhưng một số họ đã không biết cách thức để làm chủ về điều này và đưa đến tình trạng cực đoan trong việc công bố sự tự do của họ. Bởi vậy, ngài nhắc đến vai trò lãnh đạo thiêng liêng của người nam trong Hội thánh. Nếu trong tư cách là một người nam, đâu là cách thức thể hiện mà bạn thấy phù hợp với phái tính và ơn gọi Ki-tô hữu của mình?
Cách ăn ở nết na, vẻ đẹp thiêng liêng (1Pr 3:1-6), thánh thiện, và làm những việc thiện- những việc này sẽ đặc nét của những người phụ nữ được Thiên Chúa chúc lành. Nếu trong tư cách là một người nữ, đâu là đặc tính riêng của bạn được mời gọi phát huy và thể hiện?

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

CHƯƠNG 1 - Thư Thứ Nhất Gửi Timôthê

 Lời mở đầu

1 Tôi là Phao-lô, Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su theo lệnh Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, và theo lệnh Đức Ki-tô Giê-su, niềm hy vọng của chúng ta,2 gửi anh Ti-mô-thê, người con tôi đã sinh ra trong đức tin. Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, ban cho anh ân sủng, lòng thương xót và sự bình an.

Đề phòng giáo lý sai lạc
3 Khi đi Ma-kê-đô-ni-a, tôi đã khuyên anh ở lại Ê-phê-xô để anh truyền cho một số người đừng dạy một giáo lý khác,4 cũng đừng chú ý đến những chuyện hoang đường và những gia phả dài dòng; những cái đó chỉ gây ra tranh luận, chứ không đóng góp vào kế hoạch của Thiên Chúa mà đức tin cho chúng ta biết.5 Lời truyền dạy đó phải nhằm đưa tới đức mến phát xuất từ tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thẳng và đức tin không giả hình.6 Vì đi trệch đường lối ấy, một số người đã sa vào tật nói rỗng tuếch.7 Họ muốn làm thầy dạy luật, nhưng lại không hiểu cả điều mình nói lẫn điều mình xác quyết.

Vai trò của Lề Luật
8 Chúng ta biết rằng Lề Luật là tốt, nếu người ta sử dụng cho đúng cách.9 Thật vậy, Lề Luật có đó, không phải cho người công chính, mà là cho hạng người sống ngoài lề luật và bất phục tùng, vô luân và tội lỗi, phạm thánh phạm thượng, giết cha giết mẹ, sát nhân,10 dâm dật, kê gian, buôn người, nói dối, bội thề, và những kẻ sống ngược với giáo lý lành mạnh.11 Đó là giáo lý phù hợp với Tin Mừng đã được giao phó cho tôi, Tin Mừng về vinh quang của Thiên Chúa chí tôn.

Ông Phao-lô suy nghĩ về ơn gọi của mình
12 Tôi tạ ơn Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người.13 Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin.14 Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người.15 Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi.16 Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời.17 Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. A-men.

Trách nhiệm của ông Ti-mô-thê
18 Anh Ti-mô-thê, đó là chỉ thị tôi trao cho anh là người con của tôi, chiếu theo các lời ngôn sứ trước đây đã nói về anh, để anh dựa vào đó mà chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp này,19 với đức tin và lương tâm ngay thẳng. Một số người đã vứt bỏ lương tâm ngay thẳng đó, nên đức tin của họ đã bị chết chìm.20 Trong số đó có Hy-mê-nê và A-lê-xan-đê; tôi đã trao nộp họ cho Xa-tan để họ được dạy cho biết đừng nói lộng ngôn nữa.

DẪN NHẬP
 

    Cuộc xét xử của Phao-lô ở Rô-ma đã xảy ra theo ý muốn của mình, và ngài đã được phóng thích. Có vẻ như ngài đã đến Cô-lô-sê để thăm Philemon (Plm 22). Có thể là thánh Phao-lô đã viết thư thứ nhất Ti-mô-thê từ Cô-lô-sê hay từ Phi-lip-phê.
    Là một đứa con sinh ra trong một cuộc hôn nhân khác chủng tộc (Cv 16:1), Ti-mô-thê đã được dạy dỗ trong một gia đình thánh thiện (2Tm 1:5;3:15) và đã biết được Đức Ki-tô qua sứ vụ của Phao-lô (1Tm 1:2). Phao-lô đã đưa ông vào trong nhóm của mình tại Lystra (Cv 16:1-3) và đặt ông làm người trợ tá đặc biệt (Pl 2:19-22). Ti-mô-thê chắc chắn đã được gửi đến làm mục vụ ở tại Hội thánh Ê-phê-sô (1 Tm 1:3). 
    Thư thứ nhất của Ti-mô-thê là một dạng thư sứ vụ, nói với những người mục tử và dân chúng chính họ phải hành xử như thế nào với nhiều dạng người khác nhau trong Giáo hội (ch.5-6).
CHIA SẺ
 Công việc ở Ê-phê-sô không hề dễ dàng, và Ti-mô-thê đã muốn có một công việc mới; nhưng Phao-lô đã thúc đẩy ông ở lại nơi đó và thi hành nhiệm vụ (1:3). Lần tới khi bạn muốn bỏ nơi bạn được sai đến, hãy xem xét những tranh luận mà Phao-lô đã đưa ra cho Ti-mô-thê để trụ lại nơi ông đang ở.
Vì lý do công việc (c.1-11). Điều Phao-lô đã cảnh cáo những người trưởng lão Ê-phê-sô đã sắp thành sự thật: những thầy dạy giả danh ở trong Hội thánh (Cv 20:28-30). Công việc của mục tử là cảnh cáo họ và dạy chân lý cho dân chúng. Nếu ông bỏ rơi đàn chiên, Ti-mô-thê có thể chỉ là người làm thuê chứ không phải là một mục tử (Ga 10:12-13).
Vì Đức Chúa (c.12-17). Đức Giê-su đã chết để cứu người tội lỗi, và Ngài sống để củng cố và trang bị cho các tôi tớ của Ngài thực thi thừa tác vụ. Cũng một Thiên Chúa, Đấng đã bổ sức cho Phao-lô chính Ngài bổ sức cho Ti-mô-thê, và có thể bổ sức cho chúng ta hôm nay. Thiên Chúa thật tín thành!
Vì chính chúng ta (c.18-20). Thiên Chúa đã trang bị cho Ti-mô-thê, gọi ông, và ban cho ông một trách nhiệm trọng đại. Ở đây có một chiến trường để chiến đấu, và ông không dám bỏ chạy. Nếu chúng ta bỏ chạy khỏi vị trí trách nhiệm, chúng ta đánh mất những cơ hội của mình để được lớn lên, để phục vụ, và để tôn vinh Thiên Chúa.
Khi những cơn gió bất hạnh thổi đến, hãy căng cánh buồm theo đúng hướng, và hãy để Đức Ki-tô điều khiển bánh lái. Nếu không, bạn có thể bị chìm. Bạn đang thực thi trách nhiệm của mình vì lý do gì, ba lý do trên có giúp soi sáng cho bạn để tiếp tục đương đầu với cơn gió nghịch trong đời mình chăng?

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

CHƯƠNG 3 - Thư Thứ Hai Gửi Tín Hữu Thê-xa-lô-ni-ca

1 Sau cùng, thưa anh em, xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi, để lời Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh, như đã thấy nơi anh em.2 Xin cũng cầu nguyện cho chúng tôi được thoát khỏi tay người độc ác xấu xa, bởi vì không phải ai cũng có đức tin.3 Nhưng Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ làm cho anh em được vững mạnh, và bảo vệ anh em khỏi ác thần.4 Trong Chúa, chúng tôi tin tưởng vào anh em: anh em đang làm và sẽ làm những gì chúng tôi truyền.5 Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em, để anh em biết yêu mến Thiên Chúa và biết chịu đựng như Đức Ki-tô.

Đề phòng lối sống vô kỷ luật: cơn sốt quang lâm!

6 Thưa anh em, nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền cho anh em phải xa lánh mọi người anh em sống vô kỷ luật, không theo truyền thống anh em đã nhận được từ nơi tôi.
7 Chính anh em thừa biết là anh em phải bắt chước chúng tôi thế nào. Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã không sống vô kỷ luật.8 Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em.9 Không phải là vì chúng tôi không có quyền hưởng sự giúp đỡ, nhưng là để nêu gương cho anh em bắt chước.

10 Thật vậy, khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!11 Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào.12 Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân.

13 Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí!14 Nếu có ai không vâng theo lời chúng tôi nói trong thư này, anh em hãy ghi lấy tên và đừng giao du với người ấy, để họ biết xấu hổ.15 Nhưng đừng coi họ như thù địch, trái lại hãy khuyên bảo như người anh em.

Lời cầu nguyện và lời chào cuối thư

16 Chúa là nguồn mạch bình an, xin Người ban cho anh em được bình an mọi lúc và về mọi phương diện. Xin Chúa ở cùng tất cả anh em.

17 Chính tôi, Phao-lô, tự tay viết lời chào này. Đó là chữ ký trong tất cả các thư của tôi. Tôi viết như thế đó. Chúc tất cả anh em được đầy ân sủng của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
CHIA SẺ
 Xung đột (c.1-2). Bất cứ ai tìm kiếm để sống cho thiên Chúa sẽ có những kẻ thù (2 Tm 3:12). Vũ khí mà chúng ta sử dụng là cầu nguyện, và mục đích mà chúng ta cầu nguyện là chia sẻ Lời Chúa (Cl 4:2-3). Không phải tất cả mọi người trong Hội thánh Thê-xa-lô-ni-ca đều sốt sắng với Thiên Chúa, nhưng Phao-lô vẫn xin họ cầu nguyện. Bạn có hay xin người khác cầu nguyện cho mình, và bạn có thực hiện lời hứa cầu nguyện khi người khác nhờ bạn cầu nguyện cho họ?
Tin tưởng (c.3-5). Sự trung thành của Thiên Chúa đối với chúng ta là nên tảng cho sự trung thành của chúng ta đối với Ngài. Nếu chúng ta yêu mến Ngài, chúng ta sẽ giữ Lời Ngài, và chúng ta sẽ kiên nhẫn trong những lúc gặp thử thách. Bạn có khi nào nghi ngờ về việc ngự đến lần thứ hai của Đức Ki-tô. Niềm tin Ngài lại đến có củng cố bạn trong những khi gặp thử thách?

Lệnh truyền (c.6-15). Từ lệnh truyền (c.4,6,10,12) mang nghĩa “một lệnh truyền quân đội.” Một số những người lính Ki-tô hữu trong Giáo hội đã phá vỡ đội ngũ và bất tuân mệnh lệnh, và Phao-lô phải khiển trách họ. Những ai không thể làm việc phải được những người khác chăm sóc, nhưng những ai không làm việc phải bị kỷ luật. Đừng bao giờ để những gương xấu của người khác ngăn cản bạn trở nên gương tốt. Bạn bị ảnh hưởng bởi gương xấu của người khác và biến nó thành đặc tính riêng của bạn như thế nào?