Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

CHƯƠNG 13 - SÁCH LÊ-VI

Bệnh phong hủi ở người
A. Nhọt, lác, đốm
1 Ðức Chúa phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron:
2 "Khi trên da thịt người nào phát ra nhọt, lác hoặc đốm, và cái đó trở thành vết thương phong hủi, thì người ta sẽ đưa người ấy đến với tư tế A-ha-ron hoặc với một trong các tư tế, con của A-ha-ron. 3
Tư tế sẽ khám vết thương trên da thịt nó: nếu lông ở vết thương đã chuyển sang màu trắng và vết thương xem ra lõm vào da thịt, thì đó là vết thương phong hủi; sau khi khám, tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế. 4 Nếu là đốm trắng trên da thịt, mà xem ra không lõm vào da, và lông không chuyển sang màu trắng, thì tư tế sẽ cô lập người mắc vết thương trong vòng bảy ngày. 5 Ðến ngày thứ bảy, tư tế sẽ khám nó: nếu chính mắt tư tế thấy là vết thương vẫn y nguyên, không lan ra trên da, thì tư tế sẽ lại cô lập nó trong vòng bảy ngày nữa. 6 Ðến ngày thứ bảy, tư tế sẽ tái khám nó: nếu vết thương đã mờ đi và không lan ra trên da, thì tư tế sẽ tuyên bố người ấy là thanh sạch: đó là lác; nó sẽ giặt áo và sẽ ra thanh sạch.
7 Nhưng nếu lác cứ lan ra trên da, sau khi người ấy đã được tư tế khám để được tuyên bố là thanh sạch, thì nó phải được tư tế tái khám. 8 Tư tế sẽ khám: nếu lác đã lan ra trên da, tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là bệnh phong hủi.
 B. Phong hủi kinh niên
9 Khi trên người nào có vết thương phong hủi, thì phải đưa nó đến với tư tế. 10 Tư tế sẽ khám: nếu ở trên da có nhọt trắng, và nhọt ấy làm cho lông chuyển sang màu trắng, và trong nhọt có thịt đỏ lòm sùi ra, 11 thì đó là bệnh phong hủi kinh niên ở da thịt nó. Tư tế sẽ tuyên bố nó là ô uế; tư tế sẽ không cô lập nó, vì nó là ô uế.
12 Nhưng nếu phong hủi ấy cứ loang ra trên da và phủ tất cả da của người bệnh, từ đầu đến chân, bất kỳ đâu đâu mắt tư tế nhìn thấy, 13 thì tư tế sẽ khám: nếu phong hủi phủ tất cả da, thì tư tế sẽ tuyên bố người bệnh là thanh sạch: nó đã chuyển tất cả ra màu trắng, nó thanh sạch. 14 Nhưng ngày nào thấy người ấy có chỗ thịt đỏ lòm, thì nó sẽ ra ô uế; 15 tư tế sẽ khám chỗ thịt đỏ lòm và sẽ tuyên bố người ấy là ô uế; thịt đỏ lòm là ô uế: đó là bệnh phong hủi. 16 Hoặc khi thịt đỏ lòm lại chuyển sang màu trắng, thì nó sẽ đến với tư tế; 17 tư tế sẽ khám nó: nếu vết thương đã chuyển sang màu trắng, tư tế sẽ tuyên bố vết thương là thanh sạch: người ấy thanh sạch.
 C. Ung
18 Khi người nào có ung ở da mà đã khỏi, 19 nhưng ở chỗ cái ung lại có một nhọt trắng hay một đốm trắng đỏ nhạt, thì nó phải để cho tư tế khám. 20 Tư tế sẽ khám: nếu đốm ấy xem ra ăn sâu vào da và lông đã chuyển sang màu trắng, thì tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là một vết thương phong hủi đã loang ra chỗ cái ung. 21 Nhưng nếu khi tư tế khám mà thấy ở đó không có lông trắng, cái ung không ăn sâu vào da và đã mờ đi, thì tư tế sẽ cô lập nó trong vòng bảy ngày. 22 Nếu vết đốm cứ loang ra trên da, thì tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là một vết thương. 23 Nhưng nếu vết đốm vẫn y nguyên, không lan ra, thì đó là sẹo của cái ung: tư tế sẽ tuyên bố người ấy là thanh sạch.
 D. Phỏng
24 Trường hợp khác: khi người nào có chỗ phỏng lửa trên da và ở chỗ phỏng có đốm trắng đỏ nhạt hoặc trắng, 25 thì tư tế sẽ khám chỗ ấy: nếu lông ở đốm đã chuyển sang màu trắng, và vết đốm xem ra lõm vào da, thì đó là phong hủi loang ra ở chỗ phỏng; tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là vết thương phong hủi. 26 Nhưng nếu khi tư tế khám mà thấy vết đốm không có lông trắng, không ăn sâu vào da và đã mờ đi, thì tư tế sẽ cô lập người ấy trong vòng bảy ngày. 27 Ðến ngày thứ bảy, tư tế sẽ khám người ấy: nếu vết đốm cứ lan ra trên da, thì tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là vết thương phong hủi. 28 Nhưng nếu vết đốm cứ y nguyên, không lan ra trên da, và đã mờ đi, thì đó là một cái nhọt do phỏng gây ra; tư tế sẽ tuyên bố người ấy là thanh sạch, vì đó là sẹo của chỗ phỏng.
 Ð. Chốc
29 Khi một người đàn ông hay một người đàn bà có vết thương ở đầu hoặc cằm, 30 thì tư tế sẽ khám vết thương: nếu nó xem ra lõm vào da, có lông vàng và nhỏ, thì tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là chốc, tức là phong hủi ở đầu hay ở cằm. 31 Nhưng nếu khi tư tế khám vết thương chốc, mà nó xem ra không lõm vào da và không có lông đen, thì tư tế sẽ cô lập người có vết thương chốc trong vòng bảy ngày. 32 Ðến ngày thứ bảy, tư tế sẽ khám vết thương: nếu chốc không lan ra, không có lông vàng và chốc xem ra không lõm vào da, 33 thì người ấy phải cạo đầu cạo cằm nhưng không cạo chỗ chốc, rồi tư tế sẽ lại cô lập người bị chốc trong vòng bảy ngày nữa. 34 Ðến ngày thứ bảy, tư tế sẽ khám chỗ chốc: nếu chỗ chốc không lan ra trên da và xem ra không lõm vào da, thì tư tế sẽ tuyên bố người ấy là thanh sạch; nó sẽ giặt áo và sẽ ra thanh sạch. 35 Nhưng nếu chỗ chốc cứ lan ra trên da, sau khi người ấy được tuyên bố là thanh sạch, 36 thì tư tế sẽ khám người ấy: nếu chỗ chốc đã lan ra trên da, thì tư tế sẽ không phải tìm xem có lông vàng không; người ấy ô uế. 37 Nhưng nếu chính mắt tư tế thấy là chỗ chốc vẫn y nguyên và có lông đen mọc ở đó, thì chỗ chốc đã khỏi và người ấy là thanh sạch; tư tế sẽ tuyên bố người ấy là thanh sạch.
 E. Lang ben
38 Khi trên da thịt một người đàn ông hay một người đàn bà phát ra những đốm, những đốm trắng, 39 thì tư tế sẽ khám: nếu những đốm trên da thịt họ trắng đục, thì đó là lang ben đã loang ra trên da: họ thanh sạch.
 G. Sói đầu
40 Người rụng tóc ở đầu là người sói đầu: người ấy thanh sạch. 41 Người rụng tóc phía trước là người sói trán: người ấy thanh sạch. 42 Nhưng nếu chỗ sói đầu hoặc sói trán có vết thương trắng đỏ nhạt, thì đó là phong hủi loang ra ở chỗ sói đầu hoặc sói trán. 43 Tư tế sẽ khám người ấy: nếu nhọt ở vết thương có màu trắng đỏ nhạt ở chỗ sói đầu hoặc sói trán, trông giống như phong hủi da thịt, 44 thì người ấy bị phong hủi: người ấy ô uế. Tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế; nó bị vết thương ở đầu.
 Quy chế người phong hủi
45 Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: "Ô uế! Ô uế!" 46 Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại.
 Phong hủi ở quần áo
47 Khi áo có vết phong hủi, áo len hay áo gai,48 áo dệt hay áo đan bằng gai hoặc bằng len, hoặc da hay bất cứ đồ vật gì bằng da, 49 nếu vết ấy xanh hay đỏ nhạt trên áo, trên da, trên áo dệt hoặc đan, hay trên bất cứ đồ vật gì bằng da, thì đó là vết phong hủi: phải đưa cho tư tế khám. 50 Tư tế sẽ khám vết ấy và để riêng đồ vật có vết ra, trong vòng bảy ngày. 51 Ðến ngày thứ bảy, tư tế sẽ khám vết ấy: nếu vết đã lan ra trên áo, áo dệt hay áo đan, trên da, trên bất cứ đồ vật gì làm bằng da, thì đó là phong hủi dễ lây: vật đó là ô uế. 52 Người ta phải đốt áo dệt hay áo đan bằng len hay bằng gai, hay bất cứ đồ vật gì bằng da có vết, vì đó là phong hủi dễ lây; đồ vật ấy phải bỏ vào lửa mà thiêu.
53 Nhưng nếu khi tư tế khám, vết ấy không lan ra trên áo, áo dệt hoặc áo đan, hay trên bất cứ đồ vật gì bằng da, 54 thì tư tế sẽ truyền giặt đồ vật có vết, rồi lại để riêng nó ra, trong vòng bảy ngày nữa. 55 Sau khi vết đã được gột rửa, tư tế sẽ khám: nếu vết ấy không thay đổi hình dạng và không lan ra, thì đồ vật ấy là ô uế, các ngươi phải bỏ vào lửa mà thiêu: đó là đồ vật bị ăn thủng mặt phải hay mặt trái.
56 Nhưng nếu khi tư tế khám, vết ấy đã mờ đi sau khi gột rửa, thì tư tế sẽ xé chỗ đó ra khỏi áo hay khỏi da, khỏi áo dệt hoặc áo đan. 57 Nếu nó lại xuất hiện trên áo, áo dệt hoặc áo đan, hay bất cứ đồ vật gì bằng da, thì đó là phong hủi đã loang ra: ngươi phải bỏ đồ vật có vết vào lửa mà thiêu. 58 Áo, áo dệt hoặc áo đan, hay bất cứ đồ vật gì bằng da, các ngươi đã giặt mà vết đã biến đi, thì sẽ được giặt một lần thứ hai, và sẽ thanh sạch."
59 Ðó là luật về vết phong hủi trên áo bằng len hoặc bằng gai, áo dệt hoặc áo đan, hay bất cứ đồ vật gì bằng da, để dựa vào đó mà tuyên bố đồ vật ấy thanh sạch hay ô uế.
Tư tế khám vết thương chốc trên đầu


CHIA SẺ

Quan tâm. Bệnh phong hủi là một bệnh đáng sợ vì bệnh này, vào thời đó chưa có thuốc để điều trị. Thiên Chúa đã quan tâm đến những người bệnh và đã đưa ra một số điều họ cần phải được đối xử với phẩm giá của họ. Thiên Chúa đã ban cho các tư tế tất cả những thông tin cần thiết để phát hiện bệnh và bảo đảm rằng bệnh sẽ không lây lan cho người khác. Thật là một thảm họa nếu cô lập một người nào đó mà họ không bị bệnh hay tuyên bố một người bệnh là sạch. Trách nhiệm của người tư tế là nhận ra những dấu hiệu của bệnh tật. Họ xác định xem tình trạng bệnh nghiêm trọng tới mức độ nào. Họ hành xử như một lương y đối với một người bệnh và có Thiên Chúa là trung gian. Bạn đã dùng những phương thế từ Thiên Chúa để giúp nhận biết và chữa lành những bệnh tật nơi tâm hồn của mình như thế nào ?
Những đặc tính. Trong Kinh thánh, bệnh phong là hình ảnh của tội (Isa 1:4-6). Bệnh không phải trên bề mặt; giống như tội, nó nằm “sâu dưới da.” (cụm từ này được dùng hơn mười lần.) Bệnh phong lan ra một cách có hệ thống và làm cho con người ô uế, đến mức người ấy phải bị cách ly: “nó phải ở riêng” (c.46). Những hành động, những chọn lựa của bạn có một gốc rễ ẩn sâu hơn là những biểu hiện bên ngoài. Bạn có nhận ra được những cội rễ ấy ? Bạn xin Chúa giúp để bạn khám phá ra chúng trong đời sống của bạn !
Đồng cảm. Chúa chúng ta đã đồng cảm với những người bệnh phong, Ngài đụng chạm đến họ, và làm cho họ nên sạch (Mc 1:40-45); và Ngài ban cho các môn đệ quyền để chữa sạch những người bệnh phong (Mt 10:8). Điều mà Đức Giêsu đã làm cho tất cả chúng ta được phát họa một cách tuyệt vời trong chương tiếp theo. Trong Mùa Chay thánh này, chúng ta cùng hướng về Thiên Chúa để xin Ngài đụng chạm đến con người chúng ta hầu được biến đổi thành và phục hồi tương quan chúng ta với Chúa, với nhau, và với chính bản thân mình mà đã bị phá vỡ do tội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC