Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

CHƯƠNG 3 - SÁCH LÊ-VI


Hy lễ kỳ an
1 Nếu lễ tiến của người ấy là một hy lễ kỳ an, và người ấy muốn tiến dâng bò đực hay bò cái, thì phải tiến dâng trước nhan Ðức Chúa một con vật toàn vẹn.
2 Người ấy sẽ đặt tay trên đầu con vật dâng làm lễ tiến, và sẽ sát tế nó ở cửa Lều Hội Ngộ. Các con A-ha-ron, là các tư tế, sẽ rảy máu nó chung quanh bàn thờ. 3 Người ấy sẽ tiến dâng một phần hy lễ kỳ an làm lễ hoả tế dâng Ðức Chúa, đó là lớp mỡ bọc ngoài bộ lòng, tất cả lớp mỡ ở trên bộ lòng, 4 hai trái cật và lớp mỡ bọc ngoài, gần lưng, và khối mỡ trên gan mà người ấy sẽ tách ra cùng với các trái cật. 5 Các con A-ha-ron sẽ đốt những thứ ấy cho cháy nghi ngút trên bàn thờ, bên trên lễ toàn thiêu đặt trên củi ở trên lửa. Ðó là lễ hoả tế, là hương thơm làm vui lòng Ðức Chúa.
 6 Nếu người ấy tiến dâng chiên dê làm lễ kỳ an dâng Ðức Chúa, thì phải tiến dâng một con đực hay một con cái toàn vẹn.
7 Nếu người ấy dâng một chiên con làm lễ tiến, thì phải tiến dâng nó trước nhan Ðức Chúa. 8 Người ấy sẽ đặt tay trên đầu con vật dâng làm lễ tiến, và sẽ sát tế nó trước Lều Hội Ngộ. Các con A-ha-ron sẽ rảy máu nó chung quanh bàn thờ. 9 Người ấy sẽ tiến dâng một phần hy lễ kỳ an làm lễ hoả tế dâng Ðức Chúa, đó là: mỡ của nó, trọn cái đuôi mà người ấy sẽ cắt sát xương cùng, lớp mỡ bọc ngoài bộ lòng, tất cả lớp mỡ ở trên bộ lòng, 10 hai trái cật và lớp mỡ bọc ngoài, gần lưng, và khối mỡ trên gan mà người ấy sẽ tách ra cùng với các trái cật. 11 Tư tế sẽ đốt những thứ ấy cho cháy nghi ngút trên bàn thờ. Ðó là thức ăn hoả tế dâng Ðức Chúa.


Sát tế con vật dâng làm lễ tiến trước Lều Hội Ngộ và các con A-ha-ron rảy máu nó quanh bàn thờ

12 Nếu lễ tiến của người ấy là một con dê, thì phải tiến dâng nó trước nhan Ðức Chúa. 13 Người ấy sẽ đặt tay trên đầu con vật, và sẽ sát tế nó trước cửa Lều Hội Ngộ. Các con A-ha-ron sẽ rảy máu nó chung quanh bàn thờ. 14 Người ấy sẽ tiến dâng một phần con vật làm lễ tiến, làm lễ hoả tế dâng Ðức Chúa, đó là: lớp mỡ bọc ngoài bộ lòng, tất cả lớp mỡ ở trên bộ lòng, 15 hai trái cật và lớp mỡ bọc ngoài, gần lưng, và khối mỡ trên gan mà người ấy sẽ tách ra cùng với các trái cật. 16 Tư tế sẽ đốt những thứ ấy cho cháy nghi ngút trên bàn thờ. Ðó là thức ăn hoả tế, là hương thơm làm vui lòng Ðức Chúa.

Tất cả những gì là mỡ đều thuộc về ĐỨC CHÚA. 17 Ðây là quy tắc vĩnh viễn cho các thế hệ của các ngươi, tại khắp nơi các ngươi ở: tất cả những gì là mỡ và huyết, các ngươi không được ăn.
CHIA SẺ

Lễ kỳ an. Tôn giáo là nỗ lực của con người nhằm tìm kiếm hòa bình với Thiên Chúa theo cách riêng của con người. Cứu chuộc là việc ban tặng bình an của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu Kitô. Nhưng điều này được thực hiện: “bình an ngang qua máu của Ngài trên thập giá” (Cl 1:20). Những con vật được hiến tế phải chết và máu phải được rảy trên bàn thờ trước khi Thiên Chúa để có thể tuyên bố bình an. Bình an với Thiên Chúa là một phúc lành quý báu mà chẳng phải tự nhiên mà có : “Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rom. 5:1).
 Đây là lễ tế mà Thiên Chúa tham gia như một vị khách trang trọng. Lễ này không nhằm để xin ơn hay thánh hiến bất cứ điều gì. Đó là một hình thức chia sẻ lại cho Thiên Chúa, các tư tế và những người khác những hồng ân của Thiên Chúa ban cho bản thân. Đây là một thời gian đặc biệt để ở lại trong tương quan với Thiên Chúa và hiện diện bên Ngài. Rất thường xuyên chúng ta nài xin Thiên Chúa điều này điều kia, nhưng ít khi để ý đến việc hiện diện bên Ngài. Vì Thiên Chúa vẫn muôn phần vượt trên những món quà mà Ngài tặng ban cho chúng ta.
Agape (bữa ăn huynh đệ). Sau khi hiến tế, người dâng hiến cùng với gia đình mình có thể ăn những gì còn lại một khi các tư tế đã lấy phần được chia cho mình theo như luật định (7:11-18). Điều đó cho thấy đây là một lễ hội của tình bằng hữu. Thực tế, những người Do thái xem đó là hiến lễ bình an khi họ sát tế một con vật để làm thực phẩm (17:1-9).
Bạn có nổ lực để làm cho mỗi bữa ăn của mình là một dịp thể hiện tình thân ái và là lúc ca ngợi Thiên Chúa ? Nếu chúng ta đặt chính sự hiện diện của mình và lương thực lên Thiên Chúa như một hành động thờ phượng, những bữa ăn của chúng ta thực sự hạnh phúc hơn nhiều. Những bữa ăn trong gia đình bạn diễn ra như thế nào, đó có thực sự là giây phút quy tụ mọi thành viên trong gia đình cùng nhau chia sẻ và tạ ơn Thiên Chúa, hay nó diễn ra một cách vội vã vì ai cũng có nhưng mối bận tâm riêng ?

5 nhận xét:

  1. Thưa Cha cho con hỏi:

    1/ Con hiểu rằng dân Do Thái tin mạng sống của mọi loài là ở trong máu, nên máu thuộc về TC và con người không được ăn máu. Vậy mỡ mang ý nghĩa gì?

    2/ Việc chỉ rõ phần nào của mỗi con vật được dành để dâng tiến TC cho mỗi loại lễ tế khác nhau mang một ý nghĩa gì?
    Con thắc mắc vì sao lại dâng những phần như các trái cật bò, chiên, dê, và cái đuôi của con chiên mà thôi (không có đuôi bò, đuôi dê) cho lễ xin bình an?

    Con xin cám ơn Cha nhiều.

    Trả lờiXóa
  2. Khởi đi từ một kinh nghiệm của tuổi thơ về bữa ăn mà tôi đã nhận ra được bữa ăn cũng là một cơ hội để tôi trao đi tình yêu của mình đến mọi người khác, không chỉ bằng lời cầu nguyện thôi, mà bằng một sự hy sinh âm thầm nho nhỏ nữa. Khi được biết những người trong trại học tập cải tạo lúc nào cũng đói trầm trọng vì thiếu ăn, có người đã chết vì gặp gì ăn nấy cho đỡ đói, tôi rất lo cho bố, lúc đó đang bị biệt giam. Tôi chợt nhớ đến Thiên Chúa. Tôi không nhớ nhiều điều các sơ đã dạy, nhưng quan trọng nhất là tôi nhớ rằng Thiên Chúa là Đấng giỏi lắm, cái gì cũng làm được, và yêu thương mọi người vô cùng, nhất là những người nghèo khổ. Tôi cũng không thuộc kinh để đọc, nhưng tôi nhớ Ngài biết tỏ mọi sự, nghe rõ mọi điều, nên tôi đã thành tâm cầu nguyện cho bố. Mỗi khi tôi ăn, cho dù có bữa chỉ là cơm nóng chan với tóp mỡ phi hành và rắc chút muối, tôi đều xin Thiên Chúa chuyển một phần thức ăn tôi nhận được đến cho bố, để bố cũng được no như tôi vậy. Với hết tấm lòng của một đứa bé ngoại đạo tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng to lớn vĩ đại, và tình yêu dành cho bố, tôi rất an tâm, không chút nghi ngờ, rằng bố tôi sẽ không bao giờ bị chết đói trong trại cải tạo. Bố có thể chết vì nguyên nhân khác, chứ nhất định không thể nào vì đói được. Tôi rất thích thú và càng vững tin vào Thiên Chúa hơn khi bố tôi được an toàn trở về nhà sau những năm dài trong tù. Từ đó, tôi khám phá ra rằng tôi có thể nhờ Thiên Chúa san sẻ những điều tốt tôi có được đến với người thiếu thốn một cách thiêng liêng khi tôi không thể làm gì trực tiếp cho họ được.

    Bây giờ, tôi đã là một Kitô hữu, làm dấu thánh giá mỗi khi ăn. Tôi ý thức mỗi khi làm dấu thánh giá là tôi ca tụng và tạ ơn Chúa về của ăn khi phần xác tôi đang đói, để cám ơn những ai đã góp phần vào của ăn này. Tôi cũng không quên cầu xin cho người thiếu thốn được no đủ như tôi theo cách riêng của tôi. Tôi cũng dùng bữa ăn như một cơ hội để làm một việc hy sinh nho nhỏ cho một ý chỉ khác nữa. Nếu có ngày tôi bận đến nỗi quên đọc kinh sáng tối, quên cầu nguyện, thì tôi cũng có, ít ra là 3 lần, để nhớ đến Chúa và đến tha nhân, khi ăn. Hôm nào tôi đặt hết tâm tình của mình vào bữa ăn, hôm đó tôi thấy thật hạnh phúc và ý nghĩa của mỗi cái nhai, cái nuốt. Tôi nhai và nuốt ân tình của Chúa và tha nhân dành cho tôi và ngược lại. Mỗi cái nhai, cái nuốt đem lại sự gần gũi với Chúa, với người thân ngay bên, với người tôi đang cầu nguyện đặc biệt cho, và cả với những ai tôi chưa hề gặp mặt, nhưng lại thấy thật thân thương trong tim. Tôi thấy, quả thật, bữa ăn không chỉ đem lại cho tôi sự sống về phần xác, mà cũng giúp tôi lớn lên phần hồn nữa.

    Lạy Chúa, Chúa biết là con yếu đuối, hay bị sự bận rộn và nỗi bận tâm chi phối, nên có lúc bữa ăn của con chỉ qua loa cho chóng xong, chẳng còn một ý nghĩa thiêng liêng gì nữa. Xin nhắc con về tình yêu Chúa dành cho con qua thực phẩm và người thân, và cả những "giao ước thầm kín" giữa Cha con ta, qua bữa ăn, để bữa ăn trở nên là một cơ hội con làm vinh danh Chúa.

    Trả lờiXóa
  3. Bữa cơm tối là thời gian duy nhất mà gia đình con quay quần để cùng ăn, cùng kể nhau nghe chuyện của một ngày. Có lúc, cả nhà vừa ăn vừa dán mắt vào cái tivi; câu chuyện hư cấu của phim ảnh giờ hấp dẫn hơn hẳn câu chuyện tâm tình thật sự của đời sống. Có khi giận nhau, vợ chồng con tránh mặt nhau; bữa cơm thiếu vắng tiếng cười. Lại có lần bữa cơm tối là lúc cha mẹ răn đe con cái vì thiếu sót của chúng; bữa ăn nặng nề, căng thẳng... Nếu thường xuyên bữa cơm gia đình không mang lại sự quy tụ và quan tâm cho nhau, thiếu niềm vui và chia sẻ, con hiểu rằng sự cách biệt trong lòng của mỗi thành viên trong gia đình sẽ mỗi lúc một lớn hơn. Con nhớ đến những bữa cơm có Chúa Giêsu hiện diện bên những người tội lỗi, như ông Lê-vi, ông Gia-kêu, những người thu thuế, biệt phái... Những bữa cơm ấy luôn đem lại sự đổi mới cho tâm hồn và đời sống họ. Có bữa ăn đơn sơ hơn, chỉ với cá nướng và bánh, mà cả mấy ngàn con người đều no đủ, dư thừa. Bữa tiệc ly buồn nhất, nhưng đong đầy tình yêu và tha thứ. Quây quần bên bếp than hồng với cá nướng vừa bắt được, qua sự chăm sóc của Thầy, các môn đệ được đầy hy vọng... Nơi nào có Chúa, nơi đó tràn đầy bình an và yêu thương. Con hiểu rằng Chúa muốn con đặt chính mình với cả tâm tình yêu mến vào ngay trong mỗi bữa ăn. Chưa bao giờ con biết ý thức mời Chúa cùng tham dự bữa cơm với chúng con, cùng đồng bàn với chúng con để chúng con cũng biết lắng nghe Chúa chia sẻ nữa. Có Chúa là người chủ sự, có lẽ chúng con sẽ biết trân quý thời gian dành cho nhau trong bữa ăn hơn. Chúa ơi, xin đến và xin là một người trong chúng con nhé.

    Con cũng có dịp ăn uống với những người bạn và cả những người không quen biết qua những dịp hội họp, lễ lạc. Những lúc ấy, con thấy người ta hay tụm lại với nhau theo sự quen biết. Giữa những ồn ào náo nhiệt ấy, vẫn có những con người lẻ loi, cô đơn đứng ngồi một góc nào đó. "Họ hết rượu rồi"; sự quan tâm tế nhị của Mẹ Maria trong tiệc cưới Cana đẩy bước con đến với họ. Qua một miếng ăn, tình bạn mới được nảy nở, niềm vui mới được hình thành. Chúa muốn con sống lại những bữa ăn của tình bạn của Chúa ngày xưa...

    Chúa ơi, cho dù con ăn một mình, ăn với gia đình, với bạn bè, hay với người không quen biết, trong lúc vui hay buồn, thì xin cho mỗi bữa ăn của con đều có sự hiện diện của Chúa. Như bữa tiệc Thánh Thể đem tất cả chúng con: bạn hay thù, yêu thương hay đang giận ghét, nên một với nhau trong Chúa, xin cho mỗi bữa ăn của con "là một dịp thể hiện tình thân ái và là lúc ca ngợi Thiên Chúa" cả xác hồn con. Con chân thành cầu xin như vậy, lạy Chúa là Cha rất nhân từ của con.

    Trả lờiXóa
  4. Matta Maria Cẩm Túlúc 16:39 8 tháng 3, 2022

    CHƯƠNG 3 - SÁCH LÊ-VI

    Tấm lòng hơn là hy lễ, con cảm nhận Chúa đơn sơ chân chất, Chúa yêu người bất hạnh, người nghèo khổ ... Cái nghèo vật chất ko đáng sợ như cái nghèo nhân đức.

    Con ko cần mâm cao cỗ đầy, nhưng con trân quý mong đến bửa cơm là hiện diện đông đủ, làm dấu chung dâng lời tạ ơn mời Chúa rồi dưa muối gì cùng ăn với nhau, kính trên nhường dưới, gđ ăn nói lời yêu thương tích cực điềm đạm, bớt hơn thua tranh giành lớn tiếng ồn ào.

    Tạ ơn Chúa vì Chúa đã tạo nên con, con hài lòng với những gì Chúa ban,xin Chúa gìn giữ mãi cho con cảm nhận được nằm trong tình yêu Giêsu thương mến.

    Trả lờiXóa
  5. Matta Maria Cẩm Túlúc 16:39 8 tháng 3, 2022

    CHƯƠNG 3 - SÁCH LÊ-VI

    Tấm lòng hơn là hy lễ, con cảm nhận Chúa đơn sơ chân chất, Chúa yêu người bất hạnh, người nghèo khổ ... Cái nghèo vật chất ko đáng sợ như cái nghèo nhân đức.

    Con ko cần mâm cao cỗ đầy, nhưng con trân quý mong đến bửa cơm là hiện diện đông đủ, làm dấu chung dâng lời tạ ơn mời Chúa rồi dưa muối gì cùng ăn với nhau, kính trên nhường dưới, gđ ăn nói lời yêu thương tích cực điềm đạm, bớt hơn thua tranh giành lớn tiếng ồn ào.

    Tạ ơn Chúa vì Chúa đã tạo nên con, con hài lòng với những gì Chúa ban,xin Chúa gìn giữ mãi cho con cảm nhận được nằm trong tình yêu Giêsu thương mến.

    Trả lờiXóa

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC