I.
Các Thư Gửi Cho Người Do-Thái Ở Ai-Cập
Thư
Thứ Nhất
1
Anh em Do-thái ở Giê-ru-sa-lem và miền Giu-đê xin kính chào anh
em Do-thái ở Ai-cập và kính chúc anh em được vạn an. 2 Xin
Thiên Chúa ban phúc lộc cho anh em và xin Người nhớ lại Giao
Ước Người đã lập với các tôi trung của Người là
Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. 3 Xin Người cho tất cả anh em
hết một lòng thờ phượng Người và làm theo ý Người
với tâm hồn quảng đại và tinh thần cương quyết. 4 Xin
Người mở lòng anh em đón nhận Lề Luật cũng như các lệnh
truyền của Người và ban bình an cho anh em. 5 Xin Người nhậm
lời anh em cầu nguyện và cho anh em được hoà giải với
Người; xin Người đừng bỏ mặc anh em trong buổi gian nan. 6
Bây giờ, ở đây chúng tôi đang cầu nguyện cho anh em. 7
Dưới triều vua Ðê-mết-ri-ô, năm một trăm sáu mươi chín,
chúng tôi, những người Do-thái, đã viết cho anh em: "Suốt
những năm phải vô cùng khốn đốn, kể từ khi Gia-xon và
những người theo ông phản bội Ðất Thánh và vương quốc, 8
phóng hoả đốt cổng Ðền Thờ, đổ máu người vô tội,
chúng tôi đã cầu xin Ðức Chúa và Người đã nhậm lời.
Chúng tôi đã dâng lễ hy tế và tinh bột lúa miến; chúng
tôi đã thắp đèn và dâng bánh!" 9 Vậy giờ
đây, xin
anh em cử hành các ngày lễ Lều trong tháng Kít-lêu. Thư đề
năm một trăm tám mươi tám.
Thư
Thứ Hai
Lời
mở đầu
10
"Những người Do-thái ở Giê-ru-sa-lem và miền Giu-đê,
cùng với Hội đồng kỳ mục và ông Giu-đa xin kính chào
ngài A-rít-tô-bu-lô, quốc sử của vua Pơ-tô-lê-mai và hậu
duệ của các vị tư tế đã được xức dầu tấn phong, cùng
xin gửi lời chào thăm những người Do-thái ở Ai-cập.
Kính chúc ngài và anh em được dồi dào sức khỏe.
Tạ
ơn vì vua An-ti-ô-khô bị trừng phạt
11
"Ðược Thiên Chúa giải thoát khỏi những tai hoạ lớn
lao, chúng tôi hết lòng tạ ơn Người, vì Người đã chiến
đấu chống lại nhà vua. 12 Chính Người đã tiêu diệt những
kẻ đánh phá Thành Thánh. 13 Thật thế, tướng chỉ huy của
chúng dẫn một đạo quân được coi là bách chiến bách
thắng đến Ba-tư, đã bị đánh tan trong đền thờ nữ thần
Na-nai-a vì chúng đã mắc phải mưu của các tư tế nữ thần. 14 Viện cớ kết hôn với nữ
thần, vua An-ti-ô-khô
cùng với các bạn hữu đã đến nơi ấy, chiếm đoạt nhiều
của cải làm như của hồi môn. 15 Sau khi các tư tế của nữ
thần Na-nai-a đem trình các báu vật, vua An-ti-ô-khô cùng một
số người tiến vào nội vi điện thờ. Nhưng khi vua vừa
tiến vào, các tư tế đóng cửa đền thờ lại, 16 mở cửa
bí mật trên trần nhà, ném đá như sấm sét xuống đầu vị
tướng chỉ huy; rồi họ phanh thây ông ra từng mảnh và chặt
đầu quẳng ra cho những người đứng ở ngoài. 17 Xin chúc
tụng Thiên Chúa chúng ta vì mọi việc Người làm: Người
đã trao nộp quân vô đạo vào tay thần chết.
Lửa
thiêng được gìn giữ lạ lùng
18
"Vậy sắp đến ngày hai mươi lăm tháng Kít-lêu, là ngày
mừng lễ thanh tẩy Ðền Thờ, chúng tôi thấy cần phải cho
anh em biết điều ấy, để cả anh em cũng mừng lễ Lều và
lễ Lửa đã được tổ chức từ thời ông Nơ-khe-mi-a; ông
đã dâng lễ hy tế sau khi xây xong Ðền Thờ và bàn thờ
dâng lễ toàn thiêu. 19 Quả vậy, khi cha ông chúng ta bị dẫn
sang Ba-tư, các tư tế đạo đức thời ấy đã bí mật lấy
lửa từ bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, đem cất vào một
lỗ hổng của một cái giếng cạn, và họ đã giấu kỹ đến
nỗi không ai biết ở chỗ nào. 20 Nhiều năm đã trôi qua,
vào lúc Thiên Chúa muốn, vua Ba-tư đã sai ông Nơ-khe-mi-a
truyền cho con cháu các tư tế phải tìm cho ra lửa xưa cha ông
họ đã giấu. Nhưng các người này cho biết là không tìm
thấy lửa mà chỉ thấy một thứ nước đặc. Ông Nơ-khe-mi-a
truyền cho họ múc hết nước ấy đem về. 21 Sau khi các thứ
cần thiết để dâng hy tế được mang lên bàn thờ, ông
Nơ-khe-mi-a truyền cho các tư tế lấy nước ấy tưới lên
củi và các lễ vật đặt trên củi. 22 Làm như vậy xong
được một lúc thì mặt trời, trước đó bị mây che phủ,
bây giờ bắt đầu chiếu sáng, và một ngọn lửa lớn bùng
lên khiến mọi người sững sờ kinh ngạc. 23 Ðang khi lửa
thiêu huỷ lễ vật, thì các tư tế cầu nguyện cùng với tất
cả mọi người; ông Giô-na-than xướng lên, những người
khác cùng với ông Nơ-khe-mi-a đáp lại. 24 Và nội dung lời
cầu nguyện ấy như sau: "Lạy Ðức Chúa, lạy Ðức Chúa
là Thiên Chúa, Ðấng tạo thành vạn vật, Ðấng oai nghiêm,
dũng mãnh, công chính và khoan dung, chỉ mình Ngài là vua, chỉ
mình Ngài tốt lành, 25 chỉ mình Ngài quảng đại, chỉ mình Ngài
công chính, toàn năng và vĩnh cửu. Ngài là Ðấng cứu
thoát Ít-ra-en khỏi mọi tai hoạ, là Ðấng tuyển chọn và
thánh hoá cha ông chúng con. 26 Xin đón nhận hy tế chúng con
dâng để cầu cho toàn thể Ít-ra-en; xin bảo vệ và thánh hoá
phần gia nghiệp của Ngài. 27 Xin tập hợp anh em chúng con đang
tản mác khắp nơi; xin giải phóng những người bị dân ngoại
bắt làm nô lệ; xin nhìn đến những người bị khinh khi và
bị coi là ghê tởm, để chư dân nhận biết Ngài là Thiên
Chúa của chúng con. 28 Xin trừng trị những ai áp bức chúng
con và bọn người kiêu căng nhục mạ chúng con. 29 Xin định cư
dân Ngài trong thánh địa như ông Mô-sê đã nói!"
30
Bấy giờ các tư tế hát thánh thi. 31 Sau đó, khi các tế
phẩm được thiêu huỷ rồi, ông Nơ-khe-mi-a truyền đổ phần
nước còn lại lên những tảng đá lớn. 32 Công việc này
vừa xong, thì một ngọn lửa bùng lên, nhưng lại bị át đi
vì ánh sáng đốt trên bàn thờ dâng lễ toàn thiêu. 33 Khi
hay biết sự việc, người ta báo cho vua Ba-tư rằng có một
thứ nước xuất hiện tại nơi các tư tế bị lưu đày đã
cất giấu lửa. Ông Nơ-khe-mi-a và các bạn đã dùng nước
ấy mà thanh tẩy các tế phẩm. 34 Vậy sau khi điều tra sự
việc, nhà vua cho rào chung quanh và biến nơi ấy thành khu đất
thiêng. 35 Vì thế, nhà vua nhận được rất nhiều tặng phẩm
và đem chia cho các người được lòng vua. 36 Ông Nơ-khe-mi-a
và các bạn gọi nước ấy là "Nép-tha", nghĩa là
"Thanh tẩy"; còn phần đông gọi là "Nép-thai."
DẪN
NHẬP
Sách
Ma-ca-bê quyển thứ hai không đơn thuần là một sự tiếp nối của quyển thứ nhất, nhưng
đây là một trình thuật khác, tập trung sâu hơn vào khía cạnh thiêng liêng và thần
học của cuộc kháng chiến do Giu-đa Ma-ca-bê lãnh đạo. Dưới đây
là một tóm tắt và những điểm nổi bật của sách: tác giả viết để khích lệ dân Do
Thái trung thành với Lề Luật và niềm tin tôn giáo, đặc biệt trong lúc bị bách hại
dưới thời vua An-ti-ô-khô. Sách Ma-ca-bê quyển
thứ 2 gồm 15 chương, tường thuật lại những biến cố từ năm 180 TCN đến 161 TCN. Với
các chủ đề: Niềm tin vào sự sống lại, tầm quan trọng của cầu nguyện và hy sinh
cho người chết, sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa trong lịch sử dân
Người. lòng trung tín với Lề Luật và đời sống đạo đức giữa bách hại.
CHIA SẺ
Lắng Nghe Lời Chúa: Chúng ta không nghe thấy tiếng Chúa từ một ngai vàng, mà là
qua những người Do Thái đang bị lưu đày. Những bức thư của dân Giê-ru-sa-lem
gửi cho người Do Thái ở Ai Cập vang lên như một tiếng vọng hy vọng giữa thử
thách: “Nguyện Thiên Chúa ban cho anh em bình an và ơn cứu độ!” (2 Mcb
1,1). Đây không chỉ là lời chào thông thường, mà là lời cầu chúc chất chứa kinh
nghiệm của một dân tộc đã trải qua khốn cùng, nhưng vẫn giữ niềm xác tín vào sự
can thiệp của Thiên Chúa. Hai bức thư đều nhắc đến việc cử hành Lễ Cung hiến Đền thờ,
không chỉ như một nghi lễ, nhưng như một lời mời gọi sống lại căn tính dân Chúa
giữa nơi tha hương. Khi xa quê hương, tôi có nhớ đến căn
tính đức tin của mình và duy trì mối quan hệ với Giáo Hội không? Tôi có sẵn
sàng khuyến khích và cầu nguyện cho người khác, nhất là những người đang gặp
khó khăn trong đời sống đức tin không?
Hy vọng giữa thử thách: Dù đang ở nơi lưu đày, người Do Thái tại Giê-ru-sa-lem vẫn
viết thư để khuyến khích cộng đoàn Do Thái tại Ai Cập sống niềm tin và hy vọng,
họ không gửi những lời than phiền, mà gửi lời chúc bình an và lòng biết ơn
Thiên Chúa, “Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho anh em…” (x. 2 Mcb 1,2).
Họ đặt niềm hy vọng không phải vào hoàn cảnh đổi thay, mà vào sự trung thành
của Thiên Chúa, Đấng luôn gìn giữ dân của Ngài. Trong đời sống của chúng ta hôm
nay, khi đối diện với bệnh tật, khủng hoảng kinh tế, mất mát… Thiên Chúa vẫn
đang hiện diện, âm thầm gìn giữ, nâng đỡ, ban ơn. Khi gặp thử thách, tôi có
nhận ra rằng Thiên Chúa luôn có kế hoạch tốt đẹp cho tôi không? Tôi có dành
thời gian để tạ ơn Chúa vì những ơn lành Ngài đã ban cho tôi không?
Cầu
Nguyện Và Thờ Phượng: Cầu nguyện
là hành vi đầu tiên và cuối cùng của người tin, không phải vì họ mạnh, mà vì họ
biết mình yếu. Họ cậy dựa vào Đấng vững mạnh hơn mọi thế lực. Trong suốt chương
1, ta thấy những lời cầu nguyện chan chứa: lời chúc phúc, lời khẩn xin Thiên
Chúa nhớ đến dân Người, và cả việc kêu cầu lòng thương xót trong thử thách. Cầu
nguyện không thay đổi hoàn cảnh ngay lập tức, nhưng thay đổi chính trái tim ta
để ta biết đón nhận mọi sự như ý Chúa. Tôi có tin rằng Thiên Chúa không bao
giờ bỏ rơi những ai trung thành với Ngài không? Tôi có cầu nguyện và tín
thác vào Chúa, ngay cả khi tôi chưa thấy ngay sự giải thoát?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC