Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

CHƯƠNG 1 - Thư Gửi Tín Hữu Ga-lát

 Lời mở đầu
(1) Tôi là Phaolô, Tông Ðồ không phải do loài người, cũng không phải nhờ một người nào, nhưng bởi Ðức Giêsu Kitô và Thiên Chúa là Cha, Ðấng đã cho Người từ cõi chết chỗi dậy, (2) tôi và mọi người anh em đang ở với tôi, kính gửi các Hội Thánh miền Galát. (3) Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an. (4) Ðể cứu chúng ta thoát khỏi cõi đời xấu xa hiện tại, Ðức Giêsu Kitô đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta, theo ý muốn của Thiên Chúa, là Cha chúng ta. (5) Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Lời cảnh cáo
(6) Tôi lấy làm ngạc nhiên, khi thấy anh em trở mặt mau lẹ như thế với Ðấng đã kêu gọi anh em nhờ ân sủng của Ðức Kitô, để theo một Tin Mừng khác. (7) Không có Tin Mừng nào khác đâu, mà chỉ có một vài kẻ phá rối anh em, và muốn làm xáo trộn Tin Mừng của Ðức Kitô đó thôi. (8) Nhưng nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi! (9) Như tôi đã nói, và nay tôi xin nói lại: nếu có ai loan báo cho anh em một Tin Mừng khác với Tin mừng anh em đã lãnh nhận, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi! (10) Vậy, giờ đây tôi tìm cách lấy lòng người đời, hay lấy lòng Thiên Chúa? Phải chăng tôi tìm cách làm đẹp lòng người đời? Nếu tôi còn muốn làm đẹp lòng người đời, thì tôi không phải là tôi tớ của Ðức Kitô. 
I. Lời Thanh Minh 
Ơn gọi của thánh Phao-lô
(11) Thật vậy, thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người. (12) Vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Ðức Giêsu Kitô đã mặc khải. (13) Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Dothái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa. (14)Trong việc giữ đạo Dothái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông.
(15) Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. (16) Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên, (17) cũng chẳng lên Giêrusalem để gặp các vị đã là Tông Ðồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Ảrập; rồi lại trở về Ðamát. (18) Ba năm sau tôi mới lên Giêrusalem diện kiến ông Kêpha, và ở lại với ông mười lăm ngày. (19) Tôi đã không gặp một vị Tông Ðồ nào khác ngoài Giacôbê, người anh em của Chúa. (20) Viết cho anh em những điều này, tôi cam đoan trước mặt Thiên Chúa là tôi không nói dối. (21) Sau đó tôi đến miền Xyria và miền Kilikia. (22) Nhưng lúc ấy các Hội Thánh Ðức Kitô tại miền Giuđê không biết mặt tôi. (23) Họ chỉ nghe nói rằng: "Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt", (24) và vì tôi họ tôn vinh Thiên Chúa.
DẪN NHẬP

Các hội thánh mà Thánh Phao-lô thành lập ở vùng Galat của Rôma (Cv 13–14) đã bị xâm nhập bởi các thầy dạy giả giống như những giáo hội mà Phao-lô đã bác bỏ trong Công đồng Giê-ru-sa-lem (Cv 15). Chúng tôi gọi những người này là “người Do Thái” vì họ đã cố gắng đưa các Kitô hữu vào vòng nô lệ của luật Môi-sê.

Thánh Phao-lô viết bức thư này để tôn vinh hồng ân cứu độ của Thiên Chúa và giải thích sự tự do của dân Chúa là nhờ ân sủng đó (Gl 5:1). Bức Thư mở đầu bằng một lời khẳng định cá nhân (Ch 1–2) khi thánh Phao-lô giải thích cách Thiên Chúa giải thoát ông khỏi nô lệ nhờ đức tin vào Chúa Giê-su Kitô. Sau đó, ngài giải thích về giáo lý và chỉ ra mối quan hệ giữa luật và ân sủng (ch 3–4). Thánh Phaolô kết thúc với một ứng dụng thực tế cho bạn biết cách tận hưởng ân sủng và tự do trong cuộc sống hàng ngày của bạn (ch 5–6).

Tự do của người Kitô hữu là sự tự do để trở thành tất cả những gì bạn có thể trong Chúa Giê-su Kitô; nó không phải là giấy phép để làm bất cứ điều gì bạn muốn. Sự trói buộc tồi tệ nhất mà bạn có thể trải qua là sống cho chính mình và khuất phục những ham muốn của bản tính cũ (Rm 6). Thánh Francis de Sales viết: “Chúng ta có quyền tự do để làm điều thiện hay điều ác,“ nhưng lựa chọn điều ác không phải là để sử dụng, mà là lạm dụng tự do của chúng ta. ” Đức Kitô đã không giải phóng chúng ta trở thành của riêng chúng ta; Ngài đã giải phóng chúng ta trở thành của Ngài và chỉ có một mình Ngài.

CHIA SẺ
    Đối với thánh Phao-lô, Tin Mừng cao cả hơn là một sứ điệp mà ngài đã rao giảng: đó là một phép lạ ngài đã có kinh nghiệm (c.1-5). Tin Mừng là “quyền năng cứu độ của Thiên Chúa” (Rm 1:16) và nó đem đến tự do. Đức Ki-tô đã chết “nhờ đó Ngài có thể giải thoát chúng ta” (c.4). Khi Phao-lô đã tín thác vào Đức Ki-tô, ngài đã trở nên một con người tự do. Xích xiềng của tội lỗi và tôn giáo nệ luật đã bị phá vỡ!
    Nhưng Tin Mừng cũng là một gia sản mà Phao-lô bảo vệ (c.6-17). Thánh Phao-lô đã không sáng tác Tin Mừng hay học biết sứ điệp này từ người khác; Thiên Chúa đã trao cho ngài (1 Cr 15:1-11). Không có Tin Mừng nào khác. Thêm vào trong sứ điệp này, nhận từ sứ điếp đó, hay thay thế  một sứ điệp khác là hủy hoại Tin Mừng. Nên chẳng có gì khó hiểu tại sao Phao-lô tấn công những người tấn công Tin Mừng; khi bạn đánh mất Tin Mừng, bạn đánh mất tất cả.
    Tin Mừng là một nút thắt mà nối kết dân Chúa lại với nhau (c.18-24). Sau-lê là kẻ thù đã trở thành Phao-lô người anh em, và ngài đã có thể trở thành người anh em với những người ngài từng bách hại. Những người Ki-tô hữu có thể bất đồng với nhau về những điều nhỏ liên quan đến việc giải thích và tổ chức, nhưng họ đồng nhất với nhau về sứ điệp của Tin Mừng.
    Tin Mừng không phải để thảo luận hay tranh luận, nhưng là để công bố. Đâu là cách thức tôi đang có trong tương quan với Tin Mừng? Liệu đời sống và những chọn lựa của tôi có trở nên một chứng từ mà tôi đang công bố cho Tin Mừng?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC