Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

CHƯƠNG 12 - Thư 2 Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô

 (1) Phải tự hào ư? Nào có ích gì! Dù thế, tôi cũng xin nói về những thị kiến và mặc khải Chúa đã ban cho tôi. (2) Tôi biết có một người môn đệ Ðức Kitô, trước đây mười bốn năm đã được nhắc lên tới tầng trời thứ ba, có ở trong thân xác hay không, tôi không biết, có ở ngoài thân xác hay không, tôi cũng không biết, chỉ có Thiên Chúa biết. (3) Tôi biết rằng người ấy đã được nhắc lên tận thiên đàng, trong thân xác hay ngoài thân xác, tôi không biết, chỉ có Thiên Chúa biết, (4) và người ấy đã được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại. (5) Về một người như thế, tôi sẽ tự hào; còn về bản thân tôi, tôi chỉ tự hào về những yếu đuối của tôi. (6) Quả vậy, nếu muốn tự hào, thì tôi cũng không phải là người điên, vì tôi nói sự thật. Nhưng tôi không làm thế, kẻo người ta đánh giá tôi quá cao, so với điều họ thấy nơi tôi hoặc nghe tôi nói.
(7) Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xatan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. (8) Ðã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. (9) Nhưng Người quả quyết với tôi: "Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối". Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ở mãi trong tôi. (10) Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Ðức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.
(11) Tôi điên rồi! Chính anh em đã khiến tôi hóa ra như thế. Ðáng lẽ anh em phải khen tôi, vì mặc dầu tôi chẳng là gì, tôi đâu có thua kém các Tông Ðồ siêu đẳng kia. (12) Anh em đã thấy thực hiện nơi anh em những dấu chỉ của sứ vụ Tông Ðồ: nào là đức kiên nhẫn hoàn hảo, nào là những dấu lạ điềm thiêng, nào là các phép lạ. (13) Anh em có thua gì các Hội Thánh khác? Có chăng, chỉ thua ở chỗ bản thân tôi đã không phiền lụy anh em! Xin anh em tha cho tôi sự bất công đó. (14) Ðây tôi sẵn sàng đến thăm anh em lần thứ ba. Tôi cũng sẽ không phiền lụy anh em đâu, bởi vì điều tôi tìm kiếm không phải là của cải của anh em, mà là chính anh em. Thật vậy, không phải con cái có nhiệm vụ thu tích của cải cho cha mẹ, mà là cha mẹ phải thu tích của cải cho con cái. (15) Phần tôi, tôi rất vui lòng tiêu phí tiền của, và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em. Phải chăng vì yêu mến anh em nhiều hơn mà tôi được yêu mến ít hơn?
(16) Thế cũng được! Tôi đã không trở nên gánh nặng cho anh em; nhưng vốn là người xảo quyệt, tôi đã dùng mưu mà lừa gạt anh em. (17) Phải chăng trong số những kẻ tôi sai đến, tôi đã dùng người nào đó để bóc lột anh em? (18) Tôi đã xin anh Titô đi, và đã bóc lột anh em? Chúng tôi đã không sống theo cùng một tinh thần, cùng một đường lối sao?
Nỗi lo âu của ông Phao-lô
(19) Ðã từ lâu, anh em tưởng rằng chúng tôi tự biện hộ trước mặt anh em. Thật ra tôi nói là nói trước mặt Thiên Chúa, trong Ðức Kitô. Và thưa anh em thân mến, chúng tôi nói tất cả những điều ấy cốt để xây dựng anh em. (20) Quả vậy, tôi sợ rằng khi đến, tôi không thấy anh em được như ý tôi, và anh em thấy tôi không được như ý anh em. Chớ gì giữa anh em đừng có chia rẽ, ghen tương, oán ghét, cạnh tranh, vu khống, nói hành, kiêu căng, hỗn loạn. (21) Tôi sợ rằng lần sau đến thăm anh em, Thiên Chúa của tôi lại để tôi phải nhục vì anh em, và tôi phải than khóc nhiều người trước đây đã phạm tội, mà nay chẳng chịu ăn năn hối cải về những việc ô uế, gian dâm và phóng đãng họ đã làm.
CHIA SẺ
 Cho phép. Giống như Thiên Chúa đã cho phep để thử thách Gióp (G 1-2) và Phê-rô (Lc 22:31-34), vì thế Ngài đã cho phép Satan tấn công Phao-lô. Thiên Chúa đã muốn giữ Phao-lô khiêm tốn sau khi có cuộc xuất thần lên trên trời. Trong việc yêu mến ý Chúa, đau khổ có một mục đích mà không thể được hoàn tất bằng con đường khác. Hãy chấp nhận điều đó, và nó sẽ trở thành phúc lành trên trời; chống lại nó, và nó sẽ trở thành một gánh nặng. Làm thế nào để sự yếu đuối của tôi trở nên là điều tốt? Làm thế nào để có thể nhận ra được ý Thiên Chúa trong cuộc đời tôi?
Cầu nguyện. Giống như Chúa ở trong Ghét-sê-ma-ni (Mt 26:44), thánh Phao-lô đã cầu nguyện ba lần với Thiên Chúa để giải thoát ông; nhưng Đức Chúa đã không đáp trả lời nguyện cầu như Phao-lô đã muốn. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã ban cho theo nhu cầu và đã ban cho các tôi tớ của Ngài ân sủng mà họ cần. Thánh Phao-lô đã không chỉ làm cho đời sống cầu nguyện tốt nhất - ngài đã dành hầu hết cho cầu nguyện! Ân sủng có thể làm điều đó cho bạn. Bạn sẽ làm gì mọi lời cầu nguyện của bạn dường như đáp lại bằng một sự im lặng?
Sự bối rối. Thánh Phao-lô đã quan tâm nhiều về đến tội của các thánh hơn là về những vấn đề sức khỏe của cá nhân ngài. Giống như một người cha yêu thương, ngài đã muốn đến Corinto và vui với những đứa con yêu dấu của ngài, nhưng họ đang buộc ngài phải kỷ luật họ. Tuy nhiên, ngay cả việc kỷ luật là một bằng chứng của tình yêu (Dt 12). Điều quan trọng không phải là bạn đang làm gì trong cách đối xử với người khác, nhưng điều bạn đang làm có phải được thúc đẩy bởi đức ái. Đây có phải là cách bạn đang thể hiện trong tương quan với những người khác?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC