Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

CHƯƠNG 1 - Thư Thứ Hai Gửi Timôthê

Lời mở đầu và tạ ơn

1 Tôi là Phao-lô, Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, do ý muốn của Thiên Chúa, chiếu theo lời Thiên Chúa hứa ban sự sống vốn có trong Đức Ki-tô Giê-su,2 gửi anh Ti-mô-thê, người con yêu dấu. Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh được ân sủng, lòng thương xót và sự bình an.
3 Tôi tạ ơn Thiên Chúa, Đấng tôi phụng thờ với lương tâm trong sạch, theo gót tổ tiên; tôi tạ ơn Người khi tôi không ngừng nhắc nhở đến anh, trong các lời cầu nguyện của tôi, đêm cũng như ngày.4 Nhớ đến những giọt nước mắt của anh, tôi ước ao gặp lại anh để được chan chứa niềm vui.5 Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lô-ít, bà ngoại anh, nơi bà Êu-ni-kê, mẹ anh, cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy.

Những ơn ông Ti-mô-thê đã nhận được

6 Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh.7 Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.8 Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.9 Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Ki-tô Giê-su,10 nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Ki-tô Giê-su đã xuất hiện. Chính Đức Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử.11 Thiên Chúa đã đặt tôi làm người rao giảng Tin Mừng đó, làm tông đồ và thầy dạy.

12 Chính vì lý do ấy mà tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày đó.

13 Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy.14 Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta.


15 Anh biết rằng mọi người ở A-xi-a đã bỏ tôi; Phy-ghê-lô và Héc-mô-ghê-nê cũng ở trong số ấy.16 Xin Chúa tỏ lòng thương xót gia đình anh Ô-nê-xi-phô-rô, vì đã nhiều lần anh làm cho tôi lên tinh thần, và đã không hổ thẹn vì tôi phải mang xiềng xích;17 trái lại, vừa đến Rô-ma, anh vội vã đi tìm và đã thấy tôi.18 Xin Chúa ban cho anh tìm thấy nơi Chúa lòng thương xót, trong Ngày đó. Về công việc phục vụ của anh ấy ở Ê-phê-xô, thì anh đã quá rõ.

DẪN NHẬP
Sự tự do của Phao-lô chẳng còn được bao lâu. Ngài đã bị bắt lại, dẫn đến Rô-ma để xét xử, và thậm chí bị xét xử. Ngài đã viết thư này cho người con yêu quý của mình trong niềm tin để khích lệ ông nên vững vàng một cách mạnh mẽ trong Đức Chúa (ch.1-2), để giải thích cho những thời điểm nguy hiểm (ch.3), và để thúc đẩy ông đên Rô-ma nhanh bao nhiêu có thể (ch.4). Đây là một lá thư rất riêng tư tập trung vào trung thành trong sứ vụ.
Đây là một thời điểm khó khăn đối với Phao-lô. Không chỉ vì Phao-lô đang đối diện với việc xét xử và chắc chắn là sẽ bị án tử, nhưng ngài bị bỏ rơi bởi những người tín hữu là những người bán đứng ông (1:15; 4:16). Tuyên bố của ông trong 4:6-8 là một trong những lời tuyên xưng đức tin lớn lao nhất trong Kinh thánh.
Giờ đây, chúng ta gặp phải những thời điểm nguy hiểm mà Phao-lô đã viết từ nhiều thế kỷ trước. Thư này dạy chúng ta cách sống như thế nào và phục vụ một cách thành công trong những lúc như thế.
CHIA SẺ

Có thể một số những “kẻ thù” đã tấn công Ti-mô-thê đang tấn công bạn và làm cho bạn muốn bỏ cuộc.
­Tủi thân (c.4). Timôthê đang gặp khó khăn ở Êphêsô và đã muốn rời khỏi nơi đó (1 Tm 1:3). Có thể điều đó đã làm cho ông rơi nước mắt. Khi bạn bắt đầu cảm thấy xót xa cho bản thân mình, hãy nhớ rằng có những người khác đang cầu nguyện cho bạn và Thiên Chúa vẫn tôn vinh niềm tin của bạn.
Xao nhãng (c.6). Timôthê đã xao nhãng đời sống thiêng liêng của mình (1 Tm 4:14), và ngọn lửa đang rất thấp trên bàn thờ của tâm hồn ông. Nên chẳng có gì khó hiểu khi ông cần để thao luyện cho chính bản thân mình (1 Tm 4:7-8)!
Do dự (c.7). Sợ hãi trong câu này có nghĩa là “khiếp nhược” hay “do dự.” Timôthê không nhiệt tâm trong chứng từ hay sứ vụ của của mình. Thánh Thần có thể ban cho chúng ta những ơn cần để hoàn tất sứ vụ.
Hổ thẹn (c.8,12,16). Thánh Phao-lô  không xấu hổ về Tin Mừng (Rm 1:16) hay của Đức Chúa. Người bạn của ngài Ô-nê-xi-phô-rô đã không hổ thẹn khi đứng về phía Phao-lô (c.16). Timôthê không hổ thẹn cả về Đức Chúa hay Phao-lô (c.8).
Bất cẩn (c.13-14). Phao-lô giao cho Timôthê một sứ điệp, và trách nhiệm của Timôthê là để bảo vệ nó (1Tm 6:20) và chia sẻ nó cho những người khác (2 Tm 2:2). Và lần nữa, Thần Khí của Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta trung thành.
Có khi nào bạn rơi vào hoàn cảnh tương tự như Timôthê chưa, và bạn đã được khích lệ để vượt qua giai đoạn đó như thế nào? Những cảm xúc trên có hiện diện ít nhiều trong đời sống hiện tại của bạn, và bạn có muốn vượt qua chúng không, bạn sẽ vượt qua bằng phương thế nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC