Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

CHƯƠNG 1 - Thư Gioan 1

LỜI DẪN NHẬP
Ngôi Lời nhập thể và sự hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con
1 Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu,
điều chúng tôi đã nghe,
điều chúng tôi đã thấy tận mắt,
điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,
và tay chúng tôi đã chạm đến,
đó là Lời sự sống.
2 Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày,
chúng tôi đã thấy và làm chứng,
chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời:
sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha
và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi.
3 Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe,
chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa,
để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi,
mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha
và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người.
4 Những điều này, chúng tôi viết ra
để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn.

I. BƯỚC ĐI TRONG ÁNH SÁNG
5 Đây là lời loan báo của Đức Giê-su Ki-tô mà chúng tôi đã nghe,
và nay chúng tôi loan báo cho anh em: Thiên Chúa là ánh sáng;
nơi Người, không có một chút bóng tối nào.
6 Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người
mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối
và không hành động theo sự thật.
7 Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng
cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng,
thì chúng ta được hiệp thông với nhau,
và máu Đức Giê-su, Con của Người,
thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi.

Điều kiện thứ nhất: đoạn tuyệt với tội lỗi
8 Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội,
chúng ta tự lừa dối mình,
và sự thật không ở trong chúng ta.
9 Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi,
Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính
sẽ tha tội cho chúng ta,
và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.
10 Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội,
thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối,
và lời của Người không ở trong chúng ta. 
DẪN NHẬP
    Thánh Tông đồ đã viết lá thư này cho “những đứa con bé nhỏ” thân yêu của mình (cụm từ được dùng chín lần) để giúp họ tìm thấy sự bảo đảm về sự cứu rỗi cá nhân (5:13). Khi chắc chắn về sự cứu rỗi của mình, bạn có thể có mối tương giao với Thiên Chúa và dân của Ngài  (1: 3), trải nghiệm niềm vui (1: 4) và chiến thắng tội lỗi (2: 1–2). Gioan cũng viết để cảnh báo các tín hữu về những thầy dạy giả (2: 26–27; 4: 1–6). Cả Phê-rô và Gioan đều quan tâm đến sự tinh ròng của giáo lý trong Giáo hội; và chúng ta cũng nên như vậy.
    Các chương 1–2 tập trung vào sự tương giao và tương phản giữa việc nói và làm. Nói về đời sống Kitô hữu thì dễ, nhưng Chúa muốn họ dấn bước. Gioan nhấn mạnh đến mối quan hệ làm con  trong các chương 3–5 (cụm từ “sinh ra bởi Thiên Chúa” được sử dụng nhiều lần) và đưa ra ba dấu hiệu về con cái thật của Thiên Chúa: làm theo ý muốn của Thiên Chúa (chương 3), yêu thương anh em (chương 4) và tin vào chân lý(chương 5).
    “Thiên Chúa là ánh sáng” (1: 5), và con cái Ngài nên bước đi trong ánh sáng. “Thiên Chúa là tình yêu thương” (4: 8, 16), và con cái Ngài nên bước đi trong tình yêu thương. “Thánh Linh là chân lý” (5: 6), và con cái của Thiên Chúa nên tin và tuân theo chân lý.

 
CHIA SẺ
Thiên Chúa muốn bạn phải có một tương quan sống động (c.1-3) với Ngài và con cái của Ngài. Trong Đức Giê-su Ki-tô, Ngài đã mặc khải sự sống đích thực thật sự là gì. Thậm chí bạn không thể thấy Ngài và đụng chạm đến Ngài như các Tông đồ đã có kinh nghiệm trong nhiều thế kỷ trước, Ngài vẫn có thể rất thật với bạn khi Thánh Thần mở Lời của Ngài trong tâm hồn bạn.
Ngài muốn bạn phải có tương quan vui mừng (c.4). Đó không phải là tương quan của một người nô lệ với ông chủ, nhưng là giữa con cái với bố mẹ. Thiên Chúa (Tv 18:19) và mong muốn chia sẻ tình yêu của Ngài với họ (Ga 14:19-24). Khi bạn hanh phúc theo như ý Ngài, bạn sẵn sàng để sống cho Ngài và phục vụ Ngài.
Ngài muốn bạn có một tương quan thành thật (c.5-10). Điều này có nghĩa “đi trong ánh sáng” và đối diện với tội bằng thái độ thành thật. Ơn cứu độ là vấn đề sống hay chết, nhưng tương quan là vấn đề ánh sáng và bóng tối. Nếu bạn dối trá với Thiên Chúa, với người khác, hay với chính bạn, bạn sẽ đánh mất tình bạn với Thiên Chúa và tính cách của bạn. Một tính cách thiêng liêng không phát triển trong bóng tối.
Liệu một người Kitô hữu có thể có tương quan cá vị với thiên Chúa, nhưng loại trừ người khác chăng? Liệu bạn có thể phớt lờ những người Kitô hữu khác và có thể vẫn là một Kitô hữu đích thật? Đâu là tương quan của bạn với những anh chị em trong cộng đoàn của mình, tương quan đó nâng đỡ bạn trong hành trình đức tin thế nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC