Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

CHƯƠNG 2 - SÁCH SÁNG THẾ KÝ

1 Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. 2 Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.
3 Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người.
4 Ðó là gốc tích trời đất khi được sáng tạo.

Vườn địa đàng. Thử thách.


5 Ngày Ðức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Ðức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai. 6 Nhưng có một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất. 7 Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. 8 Rồi Ðức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.
Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người
9 Ðức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác. 10 Một con sông từ Ê-đen chảy ra tưới khu vườn, và từ đó chia thành bốn nhánh.11 Tên nhánh thứ nhất là Pi-sôn, nó bao quanh tất cả đất Kha-vi-la là nơi có vàng; 12 vàng ở đất này tốt, tại đó có nhũ hương và đá ngọc. 13 Tên nhánh thứ hai là Ghi-khôn; nhánh này bao quanh tất cả đất Cút. 14 Tên nhánh thứ ba là Tích-ra; nhánh này chảy ở phía đông Át-sua. Còn nhánh thứ bốn là Êu-phơ-rát. 15 Ðức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai. 16 Ðức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: "Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; 17 nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết."

18 Ðức Chúa là Thiên Chúa phán: "Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó. 19 Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. 20 Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. 21 Ðức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. 22 Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.
Con người đặt tên cho mọi súc vật

23 Con người nói:
"Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!
Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra."
24 Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.
25 Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau.

CHIA SẺ
 
Giờ chúng ta được cho thấy những chi tiết liên quan đến việc tạo dựng con người và vị trí của con người trong kế hoạch của Thiên Chúa. 
 Nghỉ ngơi (1–3). Thiên Chúa nghỉ ngơi phải được hiểu theo nghĩa kết thúc một chương trình, chứ không phải nghỉ ngơi theo nghĩa vì mệt mỏi. Thiên Chúa chẳng bao giờ mệt mỏi (Tv. 121:4). Adam cũng phải nghỉ ngơi, để dành thời gian làm bạn với Thiên Chúa và Thờ phượng Ngài. Ngày thứ bảy, ngày Sabát, đã trở thành dấu chỉ đối với người Israel rằng họ là dân đặc biệt của Thiên Chúa (Xh. 31:13–17). Đó cũng là một biểu tượng của nghỉ ngơi luôn mãi mà dân của Thiên Chúa sẽ có với Ngài (Dt. 4:9–11). Trong quỹ thời gian mỗi ngày của mình, tôi có dành ra được những giây phút riêng tư để nghỉ ngơi bên Chúa ? Tôi xem việc sống những giây phút này như là bổn phận hay là quyền lợi ?
Làm việc (4–15). Nghỉ ngơi và làm việc phải hài hòa với nhau. Lịch sử con người liên quan đặc biệt đến ba khu vườn : Vườn địa đàng, nơi con người đã đến bên cây biết thiện ác và phạm tội; vườn Getsemani, nơi Đấng Cứu Độ nhận chén đắng và đi đến cây để chết vì tội chúng ta; và “vườn thành” của vinh quang nơi Thiên Chúa sẽ mang hết con cái của Ngài đi vào đời sống vĩnh hằng (Kh. 21–22). 
Làm việc không phải là một lời nguyền. Thiên Chúa trao cho Adam nhiệm vụ bảo vệ và canh tác trong vườn. Đó là sứ vụ trao cho ông để hoàn tất. Con người và Thiên Chúa cùng nhau làm việc để tạo ra mùa gặt. Thánh Augustine đã nói, “bạn hãy cầu nguyện như thể mọi sự tùy thuộc vào Thiên Chúa, và hãy làm việc như thể mọi sự tùy thuộc vào bạn.”  Tôi đang canh tác cuộc đời mình ở góc vườn nào của Thiên Chúa ? Tôi có để Thiên Chúa tham dự với tôi cùng vun xới mảnh vườn cuộc đời mình ?
Quy phục (16–17). Đấng Tạo hóa có quyền cai trị trên mọi thụ tạo của Ngài. Tình yêu đặt ra những giới hạn để mưu ích cho con người. Thiên Chúa mời gọi chúng ta vâng phục Ngài bởi vì chúng ta muốn điều đó, chứ không phải chúng ta phải làm điều đó. Ngài muốn con cái, chứ không phải những cái máy. Lưu ý đặc biệt đến từ tự do trong câu 16. Tôi đặt mình dưới quyền tuyệt đối của Thiên Chúa, hay một thế lực nào khác: của cải, danh vọng,.. những đam mê chóng qua của cuộc đời này ?
Đặt tên (18–25). Việc con người đặt tên cho các thú vật là một phần của “ảnh hưởng” như là trưởng trên các thụ tạo (1:26–28). Con người đánh mất sự ảnh hưởng này bởi tội (Tv 8), nhưng chúng ta có lại được nhờ Đức Kitô (Dt. 2:5ff.).
 Adam cũng gọi tên người bạn mình; ông gọi bà là “Đàn bà.”  Sau này, ông gọi bà là “Eva.” Thiên Chúa đã lập hôn phối để đáp ứng nhu cầu đồng hành của người nam (2:18), và để sinh sản, và giáo dục con cái (1:28). Hơn thế nữa, đó là hình ảnh của Đức Kitô và Giáo hội của Ngài (Ep. 5:25–32). Trong một giấc ngủ sâu của Adam, Thiên chúa đã mở cạnh sườn của ông và tạo nên Eva, cũng vậy trong “giấc ngủ say” của Đức Giêsu trên Thập giá, Thiên Chúa đã mở cạnh sườn của Ngài ra, và tạo dựng Giáo hội của Ngài. Adam trao chính mình cho hiền thê của ông, và Đức Giêsu đã trao chính Ngài cho hiền thê của mình (Ga 19:31–37). Tôi có dám trao chính cuộc đời của tôi cho Đức Giêsu để thuộc về Ngài cách tuyệt đối ?

5 nhận xét:

  1. Trong quỹ thời gian mỗi ngày của mình, tôi có dành ra được những giây phút riêng tư để nghỉ ngơi bên Chúa ? Tôi xem việc sống những giây phút này như là bổn phận hay là quyền lợi ?

    Trả lờiXóa
  2. Tạ ơn Chúa đã cho con được chiêm ngưỡng kỳ công và lòng yêu thương của Ngài khi đất trời đang ở trong mùa thu. Lá cây thay đổi màu sắc muôn màu muôn vẻ thật rực rỡ trước khi được gió thổi lìa cành. Như một cố gắng cuối cùng cống hiền cho đời. Như một lời mòi gọi con nhìn lại cuộc sống chính mình. Nó đưa con trở về với con tim.

    Ở nơi đó, con cảm nghiệm được sự đụng chạm rất thánh thiêng của Chúa qua cái "nặn" viên bụi đất thành hình ảnh một con người; qua cái "thổi sinh khí" sự sống của chính Ngài để hình tượng vô hồn ấy "trở nên một sinh vật" linh động có khao khát, có ước mơ, có tìm kiếm, có tự do, có nhận thức, có vui buồn.... Sinh vật ấy chính là con! Ở nơi đó, con bắt gặp lại ước mơ của Chúa đã đặt vào tim con thuở nào. Ước mơ cho con luôn nhận biết Chúa là Cha nhân từ và quyền năng của con. Ước mơ cho con được hạnh phúc ở bên Ngài vì con là đứa con yêu quý nhất của Ngài. Ước mơ cho con biết giang rộng đôi tay đón tha nhân vì họ cũng là những đứa con yêu quý nhất của Ngài. Ước mơ cho tất cả những đứa con cùng sống chan hoà yêu thương nhau, "trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau" vì biết đón nhận những khác biệt của nhau.

    Nhưng Chúa ơi, thực tế đời sống quanh con và của chính tâm hồn con lại đầy ngổn ngang của cái tốt và xấu, của sự thật và dối trá.... Lạy Chúa là Cha rất nhân từ của con, con đang phải đối đầu với sự tự do mà Chúa đã cho con đây, để chọn đi về với ước mơ yêu thương của Chúa đang réo gọi mãnh liệt trong con hay về với ước mơ phù phiếm mà thế gian cũng đang mời gọi con réo rắt với những điều "trông thì đẹp, ăn thì ngon" mà con chưa muốn bỏ qua. Xin cho con giờ phút này biết cúi đầu kính phục uy quyền của Chúa được thể hiện trong tình yêu của Ngài, biết đón nhận những giới hạn của loài thụ tạo đế Chúa có thể tiếp tục "nắn" và "thổi sinh khí" mà đưa con trở về bên Ngài. Con chân thành cầu xin như vậy, lạy Chúa là Cha rất nhân từ của con.

    Trả lờiXóa
  3. Chúc Talitha Kum luôn lắng nghe và can đảm chọn lựa "về với ước mơ yêu thương của Chúa đang réo gọi mãnh liệt trong bạn".

    Trả lờiXóa
  4. Thiên Chúa nghỉ ngơi phải được hiểu theo nghĩa kết thúc một chương trình, chứ không phải nghỉ ngơi theo nghĩa vì mệt mỏi. Thiên Chúa chẳng bao giờ mệt mỏi (Tv. 121:4).

    Lạy Chúa, trong cuộc đời con, mỗi khi có khó khăn, con thường hộc tốc chạy đến bên Chúa mà than van, mà cầu xin, ít khi nào con dành thời gian nghỉ ngơi để đến bên Chúa mà tâm sự, mà tạ ơn.

    Lạy Chúa, xin cho con biết tận dụng Phút Hồi Tâm mỗi ngày của con để tạ ơn Chúa, để tâm sự với Chúa và để nghỉ ngơi cùng Chúa. Amen.

    Trả lờiXóa
  5. Matta Maria Cẩm Túlúc 21:20 7 tháng 11, 2020

    "hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. 20 Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú"

    Con cảm nhận Chúa yêu thương con người vô bờ bến, Chúa ưu tiên 1. Chúa giao cho quyên đặt tên cho các sinh vật, giờ con mới hiểu tí lí do sao con người lại được nhiều quyền thế, quyền được ăn nhiều thứ, hồi giờ con cứ nghĩ: con người ác nhất, con người ăn tạp nhất ( gì cũng được ăn). Con liên tưởng đến, Chúa rất tinh khôn trong việc dựng con người đi bằng 2 chân và có 2 tay rất tiện lợi, thêm vào là có não và tim, ...kì diệu và mầu nhiệm.

    Rồi Chúa còn nghĩ đến con người là phải làm việc có nghỉ ngơi, Chúa còn dạy đủ thứ, trang bị cho rất nhiều, điều kiện sống cũng dễ thích nghi hơn con vật.

    Chúa dễ thương đáng yêu quá à.!
    Mỗi ngày, mỗi phút giây con hay làm một công nhiều việc, nên chọn Chúa như hình nền của ngày sống,tai nghe Lời Chúa or nhạc Thánh Ca or quý Cha giảng, tay làm là thường. Con đến với Chúa vì yêu Giêsu, Vì đam mê Đấng giàu lòng xót thương, và vì muốn nghe tiếng Chúa nói với Lòng Con qua sự vật hiện tượng vào tai vào mắt, con muốn biết Chúa chạm lòng con qua từng phút trong sự sống của con

    Tạ ơn và ngợi khen Chúa.





    Trả lờiXóa

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC