Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

CHƯƠNG 21 - SÁCH XUẤT HÀNH


Luật về người nô lệ (Ðnl 15: 12 -18)
1 Ðây là những luật lệ ngươi sẽ trình bày cho họ. 2 Nếu ngươi mua một người nô lệ Híp-ri, người đó sẽ hầu hạ sáu năm; đến năm thứ bảy, người đó sẽ được tự do ra đi, mà không phải trả tiền.
3 Nếu người đó đến một mình, thì sẽ ra đi một mình; nếu người đó đã lấy vợ, thì vợ sẽ ra đi với người đó. 4 Nếu chủ cưới vợ cho người đó và nếu vợ sinh được con trai hoặc con gái, thì vợ con đều thuộc về chủ, còn người đó sẽ ra đi một mình. 5 Nhưng nếu người nô lệ nói: Tôi mến chủ tôi và thương vợ thương con, tôi không muốn được tự do ra đi, 6 thì chủ sẽ dẫn người đó đến trước mặt Thiên Chúa, dẫn đến sát cánh cửa hoặc khung cửa, và lấy dùi xỏ tai người đó. Như thế, người đó sẽ hầu hạ chủ suốt đời. 7 Nếu có ai bán con gái làm nàng hầu, người con gái đó sẽ không được ra đi như các nô lệ nam. 8 Nếu người con gái đó không vừa ý chủ, và chủ không muốn giữ lại cho mình, thì chủ phải cho chuộc, chứ không có quyền bán cho dân nước ngoài, vì như vậy là phản bội người con gái đó. 9 Nếu muốn dành người con gái đó cho con trai mình, thì chủ sẽ xử sự theo luật áp dụng cho con gái của mình. 10 Nếu chủ lấy một người khác, thì không được giảm bớt lương thực, quần áo và quyền làm vợ của người trước. 11 Nếu chủ không thi hành ba khoản đó, thì nàng được ra đi, khỏi cần trả tiền trả bạc.
Giết người
12 Ai đánh chết người, thì phải bị giết chết. 13 Nhưng nếu không có mưu tính trước, mà chỉ vì Thiên Chúa đã để lỡ tay, thì Ta sẽ chỉ cho ngươi một nơi mà kẻ giết người có thể vào trú ẩn. 14 Nếu có ai cố tình hại người thân cận tới mức dùng mưu mà giết nó, thì ngươi sẽ lôi kẻ ấy ra khỏi bàn thờ của Ta mà giết chết.
15 Ai đánh cha hoặc mẹ, thì phải bị giết chết. 16 Ai bắt cóc người - dù đã bán đi hay còn giữ trong tay, - thì phải bị giết chết. 17 Kẻ nào nguyền rủa cha hoặc mẹ, thì phải bị giết chết.
Ðánh đập và gây thương tích
18 Trong một cuộc cãi lộn, nếu người này ném đá hoặc đấm người kia mà không làm người kia chết, nhưng phải liệt giường, 19 và nếu người kia trỗi dậy, còn chống gậy ra ngoài đi lại được, thì kẻ đã đánh được tha; chỉ phải bồi thường cho người kia trong thời gian người ấy phải nghỉ việc, và lo chữa người ấy cho lành.
20 Nếu có ai lấy gậy đánh tôi tớ nam nữ của mình, làm cho nó chết ngay dưới tay mình, thì nó phải được báo oán. 21 Nhưng nếu nạn nhân còn sống được một hai ngày, thì sẽ không được báo oán, vì chủ đã bỏ tiền ra mua nó.
22 Nếu đàn ông đánh nhau mà xô phải một người đàn bà có thai, làm sẩy thai nhưng không gây tổn thương nào khác, thì phải bồi thường theo đòi hỏi của người chồng, và phải trả trước mặt trọng tài. 23 Nếu có gây tổn thương, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, 24 mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, 25 vết bỏng đền vết bỏng, vết thương đền vết thương, vết bầm đền vết bầm.
26 Nếu có ai đánh vào mắt tôi tớ nam nữ của mình, và làm hư mắt đó, thì phải phóng thích nó để đền mắt. 27 Nếu có ai làm gãy răng tôi tớ nam nữ của mình, thì phải phóng thích nó để đền răng.
28 Nếu bò húc chết một người đàn ông hay đàn bà, thì phải ném đá con bò ấy cho chết, và không được ăn thịt nó; còn người chủ sẽ được tha bổng. 29 Nếu trước đó con bò đã quen húc người, và chủ nó đã được cảnh cáo mà không canh giữ, để nó húc chết người, thì con bò sẽ bị ném đá cho chết và chủ nó cũng sẽ phải chết. 30 Nếu người ta đòi tiền chuộc, thì chủ phải trả để chuộc mạng sống mình, thể theo tất cả những đòi hỏi của người ta. 31 Nếu bò húc con trai hay con gái, thì người ta cũng sẽ xử trí theo luật đó. 32 Nếu bò húc tôi tớ nam nữ, thì người ta sẽ đưa cho chủ của nạn nhân ba mươi đồng bạc, còn bò thì sẽ bị ném đá cho chết.
33 Khi có ai mở nắp hoặc đào một bể nước mà không đậy nắp lại, và nếu bò lừa sa vào đó, 34 thì chủ bể nước phải thường tiền cho chủ con vật, nhưng con vật chết được thuộc về chủ bể nước. 35 Nếu bò người này húc chết bò người kia, thì hai người chủ sẽ bán con bò sống và chia nhau tiền; họ cũng sẽ chia nhau con bò chết nữa. 36 Nếu đã rõ là bò quen húc, mà chủ nó không canh giữ, thì phải lấy bò đền bò; nhưng con vật chết thuộc về người ấy.
Lấy trộm thú vật
37 Nếu có ai lấy trộm chiên bò, rồi làm thịt hoặc đem bán, thì sẽ lấy năm con bò đền một, và bốn con chiên đền một.

Bộ luật giao ước


CHIA SẺ

Nguyên lý. Sau khi đã công bố luật căn bản của Ngài, Thiên Chúa nói với Mô-sê cách thức áp dụng luật cho những trường hợp cụ thể để mọi người đều có thể được hưởng sự bình đẳng của công lý, mà nguyên tắc nẳm ở những câu 22-25. Không ai có quyền lèo lái luật theo cách thức riêng của mình. Khi luật được dùng để trả đũa cá nhân, chúng ta phải tuân theo luật Chúa Giêsu dạy trong Mt 5:28-48.
Áp dụng. Luật của Thiên Chúa cho thấy rằng Ngài quan tâm đến tất cả : Người nam cũng như người nữ, trẻ em, kể cả chưa sinh, tài sản và ngay cả thú vật. Đây là thụ tạo của Ngài, và Ngài có quyền đề nghị với chúng ta cách thức để quản trị chúng. Luật không để thay đổi lòng người, nhưng nó giúp điều khiển hành vi của con người và làm cho quốc gia được trật tự. Luật được Thiên Chúa thiết lập, và chúng ta phải tôn trọng. (Rm 13).
Kiện toàn. Ở đây đề cập đến một số hình phạt có vẻ man rợ đối với thời đại chúng ta hôm nay; nhưng hãy nhớ rằng bấy giờ quốc gia còn “non trẻ” (Gl 4:1-7). Bốn mươi năm sau, khi thế hệ mới xuất hiện, Môsê đã nhấn mạnh đến tình yêu khi ông nhắc lại về luật (Ds 4:37; 6: 4-6; 7:6-13). Tình yêu kiện toàn luật (Rm 13:8-10).
Chúng ta phải ý thức rằng mình là những tội nhân và nài xin ơn tha thứ nơi Thiên Chúa. Ý thức về nguyên lý này sẽ giúp chúng ta biết cách đối xử với những ai xúc phạm và làm tổn hại đến mình. Tôi đã đối xử có chừng mực trước những xúc phạm của người khác ? Nguyên tắc nào cho luật mà tôi đang áp dụng: thỏa mãn lòng thù hận, công bằng, hay yêu thương ? Tôi có tôn trọng không gian Thiên Chúa tạo ra trong luật để bảo vệ sự công bằng cho những thụ tạo khác ? Liệu chúng ta còn cho rằng mình văn minh hơn ba ngàn năm trước đây, nhưng mỗi ngày vẫn có bao nhiêu trẻ thơ bị tước đi quyền được chào đời và pháp luật cho phép làm như vậy ?

4 nhận xét:

  1. Thưa Cha, phép cắt bì (là giao ước) có thể được hiểu là luật mà dân Do Thái phải giữ không ạ? Nếu không, thì giao ước và luật có ý nghĩa khác nhau ra sao ạ? Con xin cám ơn Cha.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi xin chia sẻ hai ý sau :

    1. Về Luật và giao ước : đây là hai khái niệm khác nhau nhưng lại gắn kết với nhau.

    Xin lấy một ví dụ dễ hiểu : trước khi hai bên A và B cùng ký hết một hợp đồng kinh tế, họ sẽ đàm phán, thương lượng và kết quả là sẽ có các điều khoản trong hợp đồng này được thỏa thuận và đòi hỏi hai bên phải tuân thủ.

    Giao ước đang nói ở đây, theo tôi, có thể được hiểu như là một "hợp đồng" giữa Thiên Chúa và con người. Trong Giao ước đó, có ghi các luật buộc, cụ thể trong hai bia đá và do chính Thiên Chúa ghi.

    Chúa đã qua Mô-sê mà "đàm phán" với dân Ít-ra-en (xem chương 19, sách Xuất hành)và dân cũng thuận với "đề nghị" của Thiên Chúa.

    Bên A (bên lập hợp đồng): Thiên Chúa hứa rằng "giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta" (Xh 19:5); "Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh"(Xh 19:6)

    Bên B : con người phải hứa tuân thủ các điều luật của Chúa "Mọi điều Ðức Chúa phán bảo, chúng tôi xin làm theo" (Xh 19:8).

    Mặt khác, chúng ta còn thấy rõ trong cụm từ : Bộ Luật Giao ước (Xh 20), tức các luật được viết trong bản Giao ước (thời Cựu ước).

    2. Phép cắt bì là một luật trong giao ước mà Thiên Chúa đã lập với Áp-ra-ham :

    - Điều kiện của giao ước là phép cắt bì.
    - Lời hứa của giao ước là dòng dõi của Áp-ra-ham sẽ thừa hưởng xứ Ca-na-an.

    Vậy việc chịu phép cắt bì (luật) là một bằng chứng của việc thực hiện giao ước này.

    Xin mời các ACE bổ sung thêm. Xin cám ơn.

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn Agatha đã giải thích về hai từ giao ước và luật một cách chính xác.
    Ở đây chúng tôi xin nói thêm một chút về hai từ này. Luật mà chúng ta thấy trong các sách Ngũ thư (năm cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước) liên quan đến đòi buộc, mà dân Chúa phải tuân giữ khi Thiên Chúa ký kết giao ước họ. Sách Kinh thánh có hai phần là Cựu Ước và Tân Ước, tức là nói về giao ước cũ và giao ước mới Thiên Chúa ký kết với dân Ngài. Giao ước không phải là một ý tưởng để nghe cho hay, nhưng là một thực tại được mọi Kitô hữu hiện thực hóa qua những chọn lựa cụ thể theo những quy luật mà Thiên Chúa đã ban. Chúng ta sống giữ luật không nệ theo luật, nhưng theo tinh thần của luật để làm chứng rằng mình thuộc về Thiên Chúa cách trọn vẹn.

    HHTLC

    Trả lờiXóa
  4. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Đó là niềm hãnh diện cho cái "nhất" hay nỗi đau tột cùng của con người về cái "nhất" ấy? Ở Hoa Kỳ, tổng thống Obama ký thành luật bắt buộc mọi chủ nhân các cơ sở, mọi công ty bảo hiểm phải cung cấp miễn phí cho mọi người dân dịch vụ ngừa thai, phá thai, hay triệt sản. Đó là niềm tự hào của ông ta. Đó cũng là niềm tự hào của bà Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Sebelius --một người công giáo-- khi cung cấp những "tiện nghi" ấy cho người dân. Đó là niềm nhức nhối cho Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, rất nhiều người công giáo, và những người tin Chúa thuộc các giáo phái khác. Không có nhu cầu thì làm sao có dịch vụ? Khi sẵn sàng tự ý chọn lựa tước quyền sống của một con người được gọi là "tiện nghi", là bảo vệ nhân phẩm phụ nữ, thì lạy Chúa, con người đang đi quá ranh giới và đã chạm vào núi thánh (Xh 19:12,23) rồi; Evà đã chẳng giơ tay hái và ăn trái cấm của "cây cho biết điều thiện điều ác" sao?

    Chúa ơi, khi Chúa truyền lệnh cho con người: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất" (St 1:28), Chúa đã đặt vào lòng con người tình yêu của Chúa (St 1:26-27) để hướng dẫn con người cách thực hiện. Vậy mà, giờ đây món quà truyền sinh cao quý ấy lại bị con người lạm dụng, xem như trò đùa. Tệ hại hơn nữa, để trốn tránh hành động vô trách nhiệm của mình, con người đã ngạo mạn thay quyền Thiên Chúa mà quyết định sự sống còn của một con người khác. Tất cả cũng chỉ vì cái tôi của mình mà không dám chấp nhận những giới hạn của loài thụ tạo.

    Người thấp bé nhất trong xã hội Do Thái bấy giờ là người nô lệ, vậy mà Chúa vẫn yêu thương ra luật để bảo vệ họ, chỉ vì họ là con cái của Chúa. Xin Chúa cho những ai đang phò phá thai biết thức tỉnh lương tâm, biết nhận ra rằng những em bé mới tượng hình trong dạ người mẹ cũng là một con người, một người con của Chúa và cũng được quyền hưởng sự sống như họ, như bao con người đã được sinh ra khác. Lạy Chúa, khi luật được viết ra bởi lòng dạ kiếm tìm sự tự mãn và quyền lợi riêng của ai đó, thì khi ấy trật tự mà đáng lẽ luật mang lại sẽ là một sự hỗn loạn và xúc phạm lẫn nhau mà thôi. Xin cho những nhà làm luật của mọi quốc gia biết kính sợ Chúa để họ biết hướng dẫn đất nước trong trật tự yêu thương của Đấng đã tạo dựng nên họ. Khi con phải đưa ra những luật lệ trong gia đình, những giao kèo với các con, xin cho con luôn mang trong lòng đức ái của Chúa để mọi thành viên trong gia đình cảm nhận được tình yêu Chúa đang ở giữa chúng con. Chúa ơi, con biết mình yếu đuối và dễ sa ngã lắm. Con biết rằng luật của Chúa luôn là luật của trái tim: là yêu thương, nhưng tội lỗi đã làm con không nhận ra điều ấy rõ ràng và thường chỉ thấy những vùng xam xám và hoang mang giữa luật Chúa và luật con người. Xin ân sủng Chúa hướng dẫn và soi sáng con trong cuộc sống để khi thi hành luật trong xã hội hay trong gia đình là con đang góp phần xây dựng luật tình yêu của Chúa thêm vững mạnh giữa thế gian này. Con chân thành cầu xin như vậy, lạy Chúa là Cha rất nhân từ của con.

    Trả lờiXóa

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC