Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

CHƯƠNG 01 - GIẢNG VIÊN

1 Ðây là lời ông Cô-he-lét, làm vua ngự tại Giê-ru-sa-lem. Ông là con vua Ða-vít.
Phần Thứ Nhất 
Lời tựa
2 Ông Cô-he-lét nói: "Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. 3 Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời?
 4 Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. 5 Mặt trời mọc rồi lặn ; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. 6 Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc : gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại lòng vòng. 7 Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. 8 Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới.
9 Ðiều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra:
dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ?
10 Nếu có điều gì đáng cho người ta nói: "Coi đây, cái mới đây này!", thì điều ấy đã có trước chúng ta từ bao thế hệ rồi. 11 Chẳng ai còn nhớ đến người xưa, và đối với những người đến sau thì cũng thế ; các thế hệ mai sau sẽ chẳng còn nhớ đến họ.
Ðời sống của vua Sa-lô-môn
12 Tôi là Cô-he-lét, tôi đã làm vua cai trị Ít-ra-en ở Giê-ru-sa-lem. 13 Tôi đã chú tâm tìm hiểu và dùng trí khôn ngoan mà khảo sát tất cả những gì xảy ra dưới bầu trời: đó là công việc nhọc nhằn Thiên Chúa bắt con cái loài người phải để tâm thực hiện. 14 Sau khi nhìn thấy mọi công việc thực hiện dưới ánh mặt trời, tôi nhận ra : tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát. 15 Cái gì đã cong, uốn làm sao nổi, cái gì đã thiếu, đếm thế nào ra?
16 Tôi tự nhủ: Này tôi đã gom góp, đã thu thập được nhiều điều khôn ngoan hơn tất cả những vị đã cai trị Giê-ru-sa-lem trước tôi. Trí tôi đã học hỏi được nhiều điều khôn ngoan, tích luỹ được bao nhiêu kiến thức; 17 tôi đã chú tâm phân biệt đâu là khôn ngoan, tri thức, đâu là điên rồ, khờ dại. Ngay cả việc này nữa, tôi nhận thấy đó cũng chỉ là công dã tràng.
18 Càng nhiều khôn ngoan, càng nhiều phiền muộn,
càng thêm hiểu biết, càng thêm khổ đau. 
CHIA SẺ
Dẫn Nhập

Tên của vua salomon không được đề cập trong cuốn sách, nhưng có lẽ ông là tác giả. Ông tự gọi mình là “Người giảng thuyết”, có nghĩa là “người triệu tập một hội đồng và thảo luận về một chủ đề.” Trong tiếng Hy Lạp từ “cộng đồng” là ekklesia (trong Tân Ước có nghĩa là “giáo hội”), và tiêu đề của cuốn sách bắt nguồn từ chữ này. Là người khôn ngoan nhất, giàu có nhất và quyền lực nhất trong thời đại của mình, Solomon chắc chắn có cơ hội và nguồn lực để làm những điều được đề cập trong Giảng Viên.

Trong cuốn sách này, Solomon tìm cách trả lời câu hỏi, “Cuộc sống có đáng để sống không?” Đầu tiên, ông nêu vấn đề và lập luận cho điều tiêu cực (câu 1–2). Sau đó, ông xem xét vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau (câu 3 –10) và lập luận về điều tích cực. Ông kết luận rằng cuộc sống là đáng sống nếu bạn đặt Thiên Chúa lên hàng đầu và tuân theo Lời Ngài (ch. 11–12).

Được gọi là một cuốn sách bi quan nhưng Giảng Viên thực sự rất thực tế. Solomon đã nhìn vào cuộc sống và cái chết, thành công và thất bại, thời gian và các sự kiện, đồng thời viết một số lời khuyên khôn ngoan về cách sống một cuộc sống có ý nghĩa trong một thế giới đầy mâu thuẫn và dường như vô ích. Thiên Chúa (“dưới mặt trời”), sự sống thực sự là “hư vô” (vô tích sự); nhưng khi bạn sống cho Đức Kitô, sự sống không bao giờ là “vô ích” (1 Cr 15:58).

Sáu lần Sa-lô-môn khuyên bạn nên tận hưởng cuộc sống hiện tại và biết ơn những món quà của Thiên Chúa (2:24; 3: 12–15, 22; 5: 18–20; 8:15; 9: 7–10; 11: 9–10) Đây không phải là triết lý tìm kiếm thú vui của sử thi ("ăn, uống và vui vẻ, vì ngày mai chúng ta chết") mà là triển vọng vui vẻ của người tin nhận cuộc sống là món quà của Thiên Chúa để tận hưởng và sử dụng cho vinh quang của Ngài (1 Tm 6: 17–19).

Chương 1

Khi Sa-lo-mon bắt đầu cuộc tranh luận của mình, ông đã bị thuyết phục rằng cuộc sống là vô nghĩa. Có thể đôi khi bạn cảm thấy cùng một cách nghĩ này vì cùng những lý do. Khi bạn nhìn xung quanh, bạn thấy chức năng của tự nhiên như nó vẫn có ngay từ khi tạo dựng (c.1-8). Khi bạn nhìn lại, bạn thấy lịch sử chỉ lập lại tự nó (c.9-11). Khi bạn nhìn vào bên trong, bạn thấy rằng (như Sa-lo-mon đã làm) sự khôn ngoan và kinh nghiệm của mình không thể giải thích được mầu nhiệm sự sống hay giải quyết những vấn đề trong đời sống (c.12-18). Phù vân vẫn là phù vân!

Sai lầm lớn của Sa-lo-mon đã gạt Thiên Chúa ra bên ngoài và quên rằng Ngài đã can thiệp vào thọ tạo và đã làm những điều mới. Ngài đã ngưng mặt trời cho Giô-suê  (Gs 10:12) và đã dời nó trở về cho Ê-de-ki-en (Is 38:8). Ngài đã tách cả biển (Xh 14) và sông (Gs 3) cho dân Ngài. Thiên Chúa chịu trách nhiệm đối với thế giới và lịch sử nhân loại, và điều Ngài thực hiện thì không “phù vân.”

Kiến thức có thể tạo nên sầu khổ nếu bạn để Thiên Chúa Đấng khôn ngoan sang một bên và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sa-tan hứa hẹn sự hiểu biết bên ngoài Thiên Chúa (Stk 2:17; 3:1-5), nhưng nó chỉ đưa đến tội và sự chết. Hãy chắc chắn rằng bạn được lớn lên trong ân sủng như lớn lên trong sự hiểu biết (2Pr 3:17-18), nếu không kiến thức sẽ làm cho bạn chỉ biết phê bình và hoài nghi. Những vấn nạn trong cuộc sống có làm cho bạn đặt lại ý nghĩa và cùng đích của đời sống mình, cũng như sự hiện diện của Thiên Chúa như thế nào trong đời sống của bạn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC