Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

CHƯƠNG 14 - Tin Mừng theo Thánh Luca

Ngày sa-bát Ðức Giêsu chữa người mắc bệnh phù thũng
(1) Một ngày sabát kia, Ðức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. (2) Và kìa trước mặt Ðức Giêsu, có một người mắc bệnh phù thũng. (3) Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pharisêu: "Có được phép chữa bệnh ngày sabát hay không?" (4) Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về. (5) Rồi Người nói với họ: "Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sabát?" (6) Và họ không thể đáp lại những lời đó.
"Hãy ngồi chỗ cuối"
(7) Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: (8) "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, (9) và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này". Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. (10) Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: "Xin mời ông bạn lên trên cho". Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn". (11) Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên".

"Khi đãi khách, hãy mời những người nghèo khó"
(12) Rồi Ðức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. (13) Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. (14) Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại".
Dụ ngôn khách được mời xin kiếu
(15) Nghe vậy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Ðức Giêsu: "Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!" (16) Người đáp: "Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. (17) Ðến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: "Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn". (18) Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: "Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu". (19) Người khác nói: "Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu". (20) Người khác nói: "Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được".
(21) Ðầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: "Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây". (22) Ðầy tớ nói: "Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ". (23) Ông chủ bảo người đầy tớ: "Ra các nẻo đường, dọc theo bờ rào bờ giậu, ép người ta vào đầy nhà cho ta. (24) Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi".
Vác thập giá mình mà đi theo Ðức Giêsu
(25) Có rất đông người cùng đi đường với Ðức Giêsu. Người quay lại bảo họ: (26) "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. (27) Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được".
Từ bỏ hết những gì mình có
(28) Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? (29) Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: (30) "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc". (31) Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? (32) Nếu không đử sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. (33) Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được".
Muối mà nhạt đi...
(34) "Vậy muối là một cái gì tốt. Nhưng chính muối mà lại nhạt đi, thì lấy gì ướp nó cho mặn lại? (35) Nó chẳng còn thích hợp để bón đất, hay trộn phân nữa, nên người ta quăng nó ra ngoài. Ai có tai nghe, thì hãy nghe". 
CHIA SẺ

Tôi có lợi dụng người khác không (c.1–14)? Khi chúng ta ăn với nhau, đó phải là một thời khắc của tình bạn hữu và sự biết ơn trong niềm vui dành cho Thiên Chúa; nhưng những người Pharisêu đã biến bàn ăn thành một cái bẫy và lợi dụng người ta. Họ sử dụng một người bị bại liệt để lấy cớ bắt Đức Giêsu; họ đến lễ hội chỉ để được nhận sự tôn vinh; và họ chỉ mời những ai có thể làm gì đó cho họ đến dự tiệc của họ. Hiếu khách trở thành một sứ sụ chỉ khi động lực của chúng ta là nhằm giúp đỡ người khác và tôn vinh Thiên Chúa. Bạn có danh sách những người bạn muốn ngồi chung, và danh sách những người bạn không muốn mời cùng bàn với mình? Tiêu chuẩn để được bạn mời là gì?

Tôi có mời ai không (c.15–24)? Ơn cứu độ là lễ hội chứ không phải là đám tang (5:33–39); và Thiên Chúa muốn nhà của Ngài được đầy khách. Trong tư cách là những gia nhân của Ngài, chúng ta có đặc ân nói với thế giới, “Hãy đến, vì mọi sự đã chuẩn bị sẵn sàng!” (c.17). Cho dù nếu có ai từ chối lời mời, hãy tiếp tục chia sẻ với họ. Những ai nghĩ rằng mình bé nhỏ, họ là những người mà Ngài muốn đến dự tiệc với Ngài. Ai là người bạn mời đến bàn tiệc? Bạn có nghĩ rằng những người xa rời Thiên Chúa lại là những người mà Ngài muốn họ đến dự tiệc với Ngài nhất? Bạn nhận xét gì về cách thức của những người Công giáo đón tiếp những người không Công giáo khi họ đến tham dự Thánh lễ? Chúng ta có đón tiếp họ như cách mà Chúa Giê-su sẽ đón tiếp họ chăng?

Tôi có theo đám đông không (c.25–35)? Thật là dễ khi mình là một phần trong đám đông và theo một Đức Giêsu nổi tiếng, nhưng đó không phải là ơn gọi môn đệ đích thực. Ngài gọi bạn tách rời khỏi đám đông để mang lấy thập giá của bạn và theo Ngài. Khi nói về việc cứu những người lạc lối, Thiên Chúa muốn nhà của Ngài được lấp đầy; nhưng khi nói về ơn gọi người môn đệ, Đức Kitô cắt tỉa bớt và chỉ muốn những ai sẽ từ bỏ mình và sống cho Ngài. Điều gì bạn đang sở hữu và bạn nghĩ rằng nó thuộc về mình mà bạn hoàn toàn từ chối trao chúng cho Thiên Chúa? Từ kinh nghiệm cá nhân của bạn giá của việc làm người môn đệ Giê-su bao nhiêu? Và tại sao nó lại cao như thế?

3 nhận xét:

  1. Khi đọc phần chia sẻ tôi có mời ai không, tôi thấy câu chuyện này hay và hợp với tâm tình này, xin chia sẻ cùng các anh chị.
    Thành phố New York, Mỹ vào một ngày lạnh giá tháng 12, một cậu bé chừng 10 tuổi đứng trước gian hàng trên phố Broadway, với đôi chân trần, cậu bé đang dán mắt vào ô cửa gian hàng, người run rẩy vì rét.
    Thành phố New York, Mỹ vào một ngày lạnh giá tháng 12, một cậu bé chừng 10 tuổi đứng trước gian hàng trên phố Broadway, với đôi chân trần, cậu bé đang dán mắt vào ô cửa gian hàng, người run rẩy vì rét.
    Một phụ nữ quý phái đến gần cậu và hỏi: “Người bạn nhỏ của ta, sao cháu cứ nhìn chằm chằm vào cửa sổ gian hàng thế?”.
    “Cháu đang cầu xin Chúa cho cháu một đôi giày”, cậu bé trả lời.
    Nghe cậu bé nói thế, bà liền nắm tay cậu bé bước vào cửa hàng, bà bảo người đàn ông bán hàng lấy cho cậu bé 12 đôi tất.
    Sau đó, bà hỏi xin anh ta chậu nước và cái khăn mặt. Người bán hàng nhanh chóng đem những thứ đó lại. Người phụ nữ liền đưa cậu bé ra phía sau gian hàng, gỡ găng tay ra, bà quỳ xuống rửa đôi bàn chân bé nhỏ của cậu rồi lấy khăn lau khô.
    Cùng lúc, người bán hàng đem tất tới. Xỏ một đôi vào chân cậu bé xong, bà mua cho cậu đôi giày và gói những đôi tất còn lại trao cho cậu.
    Xong xuôi, bà vỗ nhẹ lên đầu cậu bé và hỏi: “Người bạn nhỏ của ta, hẳn là bây giờ cháu đã cảm thấy dễ chịu hơn rồi phải không?”.
    Khi người phụ nữ chuẩn bị ra đi, cậu bé vẫn còn chưa hết kinh ngạc nắm chặt tay bà, ngước nhìn bà với đôi mắt rưng rưng xúc động, cậu trả lời bà bằng một câu hỏi khác: “Bà có phải là vợ của Chúa không ạ?”.

    Trả lờiXóa
  2. Thưa Cha,

    Con có thắc mắc về câu 23: "Ông chủ bảo người đầy tớ: "Ra các nẻo đường, dọc theo bờ rào bờ giậu, ép người ta vào đầy nhà cho ta". Thật là đúng "Khi nói về việc cứu những người lạc lối, Thiên Chúa muốn nhà của Ngài được lấp đầy"; nhưng tại sao lại phải "ép" buộc người khác? Từ "ép" cho con thấy trong đó không còn là lời mời gọi yêu thương nữa, nhưng có sự bắt buộc do sức mạnh, quyền hành áp đặt lên người được mời. Như thế, đâu có sự tự do đáp trả trong yêu thương nữa? Câu 23 này làm con thấy dội. Xin Cha giúp con hiểu thêm vì sao Chúa Giêsu lại dùng từ "ép" ở đây? Con xin cảm ơn Cha nhiều.

    Trả lờiXóa
  3. "Muối là cái gì tốt", rất hữu dụng và không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của con người. Nhưng hôm nay, Sách Thánh đã đề cập đến trường hợp muối "chẳng còn thích hợp" nên cần được "quăng nó ra ngoài". Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết nhận ra khi nào thì muối "lại nhạt đi".

    Hầu hết mọi người, ngay cả những đứa bé, cũng đều biết muối rất cần thiết để bảo quản thức ăn. Nhưng không mấy ai biết rằng muối cũng đóng vai trò rất quan trọng cho những nơi có tuyết. Lạy Chúa Giêsu, lúc con từ chối làm hạt muối âm thầm nằm trên đường, chịu dơ bẩn vì bùn đất để làm tan chảy băng đá hầu giữ an toàn cho việc di chuyển trong mùa đông thì con có còn vị mặn của muối nữa không?

    Người nội trợ nào cũng biết muối có tính khử mùi hôi của thịt, mùi tanh của cá. Người nghèo thì đều biết muối có tính khử trùng tốt. Lạy Chúa Giêsu, lúc con lợi dụng những đặc tính ấy của muối để chà xát vào vết thương của người khác cho họ đau đớn như một cách để thoả mãn tự ái thì con có còn vị mặn của muối nữa không?

    Không chỉ những món ăn, dù tầm thường hay cao lương mỹ vị, đều cần muối, mà đất muốn tốt cũng không thể thiếu muối. Lạy Chúa Giêsu, lúc con ngại ngùng hạ mình làm chút muối bón cây thì con có còn vị mặn của muối nữa không?

    Thức ăn nhạt nhẽo làm mất khẩu vị, nhưng mặn quá thì lại sinh ra bệnh tật. Lạy Chúa Giêsu, khi con muốn ôm vào mình những lời khen ngợi, cảm tạ vì những đóng góp của con thì con có còn vị mặn của muối nữa không?

    Đặc tính của muối là mặn. Con chỉ biết muối mặn khi muối tan chảy và tác động vào những mô vị giác trên lưỡi của con. Nếu chỉ là một hạt muối trơ trơ thì vị mặn và đặc tính của nó có ích gì nữa đâu? Phải chăng khi ấy muối vẫn mặn nhưng "lại nhạt đi" mất rồi?

    Lạy Chúa Giêsu, Chúa gọi và cho con được làm môn đệ của Chúa: "là muối cho đời." Khi dùng đúng cách thì muối là tốt; dùng sai thì tai hại cũng khôn lường; mà không sử dụng hết các công dụng của muối thì cũng uổng phí lắm. Con thấy người môn đệ của Chúa cũng phải cảnh giác cao độ trước những biến cố, mỗi con người, để nắm bắt từng cơ hội hầu có thể "ướp cho mặn" cuộc đời nhạt nhẽo tình người và đầy bất công này. Trong mọi hoàn cảnh, xin giúp con biết giữ vị mặn của người môn đệ Chúa là tan chảy theo thánh ý Chúa vì đó chẳng phải là cái giá phải trả, là phần thưởng của người con đi theo sát Cha mình sao? Con chân thành cầu xin như vậy, lạy Chúa Giêsu, cũng là Cha rất nhân từ của con.

    Trả lờiXóa

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC