Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

CHƯƠNG 1 - Thư Gửi Tín Hữu Rô-Ma

Lời mở đầu
(1) Tôi là Phaolô, tôi tớ của Ðức Kitô Giêsu; tôi được gọi làm Tông Ðồ, và dành riêng để báo Tin Mừng của Thiên Chúa.
(2) Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh. (3) Ðó là Tin Mừng về Con của Người là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Xét như một người phàm, Ðức Giêsu Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Ðavít.
(4) Nhưng xét như Ðấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.
(5) Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được các đặc ân và chức vụ Tông Ðồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ.
(6) Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Ðức Kitô.
(7) Kính gửi tất cả anh em ở Rôma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được gọi là thánh.
Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an.

Tạ ơn và cầu xin
(8) Trước hết, nhờ Ðức Giêsu Kitô, tôi tạ ơn Thiên Chúa của tôi về tất cả anh em, vì trong khắp hoàn cầu, ai ai cũng đều nói đến lòng tin của anh em. (9) Thiên Chúa là Ðấng tôi hết lòng thờ phượng khi loan báo Tin Mừng về Con của Người, chính Người làm chứng cho tôi là tôi hằng nhắc nhở đến anh em: (10) mỗi khi cầu nguyện, tôi hằng xin Người cho tôi có ngày nào được dịp tốt đến thăm anh em, nếu Người muốn. (11) Thật vậy, tôi rất ước ao được gặp anh em, để chia sẻ với anh em phần nào ân huệ của Thánh Thần, nhờ đó anh em vững mạnh, (12) nghĩa là để chúng ta cùng khích lệ nhau, bởi vì cả anh em cùng tôi, chúng ta đều chung một niềm tin. (13) Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết là đã nhiều lần tôi có ý định đến thăm anh em, như đã thâu lượm được nơi các dân ngoại khác, nhưng cho đến nay tôi cứ bị ngăn trở hoài. (14) Tôi mắc nợ người Hylạp cũng như người man di, người thông thái cũng như người dốt nát. (15) Bởi vậy, tôi nóng lòng loan báo Tin Mừng cho cả anh em nữa, những người đang sống ở Rôma.
 Con Người Ðược Cứu Ðộ Nhờ Ðức Tin
1. Thiên Chúa làm cho con người nên công chính
Ðề tài bức thư
(16) Vâng, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Dothái, sau là người Hylạp. (17) Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống. 
A. Người ngoại và người Dothái phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa 
Người ngoại phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa
(18) Thật vậy, từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý. (19) Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. (20) Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, (21) vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hóa ra mê muội. (22) Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ. (23) Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết.
(24) Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn. (25) Thay vì Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả; họ đã tôn thờ những loài thọ tạo, thay vì chính Ðấng Tạo Hóa. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. Amen.
(26) Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Ðàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. (27) Ðàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình.
(28) Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng, (29) lòng họ đầy bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác đủ thứ; nào là ganh tị, giết người, cãi cọ, mưu mô, thâm hiểm; nào là nói hành nói xấu, (30) vu oan giá họa. Họ thù ghét Thiên Chúa, ngạo ngược, kiêu căng, khoác lác, giỏi làm điều ác, không vâng lời cha mẹ, (31)không có lương tri, không giữ lời hứa, không chút tình cảm, không chút xót thương. (32) Họ thừa biết phán quyết của Thiên Chúa là: hễ ai làm những điều như vậy thì đáng chết. Thế mà không những họ cứ phạm những tội đó, lại còn tán thành những kẻ làm như vậy. 
 
DẪN NHẬP
Phao-lô trên hành trình truyền giáo lần thứ ba, ngài viết thư này cho cộng đoàn tín hữu ở Rô-ma, có thể ngài viết từ Cô-rin-tô. Ngài đã có kế hoạch từ lâu để thăm viếng các tín hữu ở Rô-ma, ngài biết nhiều người ở đó (ch.16), và thư này đã được chuẩn bị cho kế hoạch này. Trong thư này, ngài trả lời những tố cáo sai lạc về bản thân ngài (3:8; 6:1) và giải thích tại sao ngài đã không viếng thăm Rô-ma sớm hơn (15:23-29). Ngài cũng trình bày một học thuyết Ki-tô giáo lớn nhất đã tìm thấy khắp nơi trong Kinh thánh.
Thư Rô-ma là một trong ba sách được viết để giải thích về sách Kha-bu-cuc 2:4: “người công chính sẽ sống nhờ niềm tin” (Rm 1:17; Gl 3:11; Dt 10:38). Chủ đề cơ bản là “sự công chính,” được công chính hóa có nghĩa là gì (được Thiên Chúa tuyên bố là chính trực) và để sống một đời sống công chính. Từ công chính được sử dụng trong nhiều hình thức khác nhau, tổng cộng là bốn mươi lần.
Cuốn sách có thể dễ dàng được chia làm ba phần: sự công chính của Thiên Chúa và ơn cứu độ (ch.1-8), sự công chính của Thiên Chúa và Ít-ra-en (ch 9-11), và sự công chính của Thiên Chúa và đời sống thực hành của người Ki-tô hữu (ch. 12-16). Các câu từ Rm 1:16-17 là một tuyên bố then chốt.
Thư Rô-ma là một cuộc tranh luận được đan kết một cách chặc chẽ nhằm bảo vệ sự công chính của Thiên Chúa. Bạn có thể tóm tắt sự tranh luận bằng cách lưu ý tới những câu có chứa từ “vì thế” (3:20, 28; 5:1; 8:1; 12:1).
Sự công chính là hành động ân sủng của Thiên Chúa mà qua đó Ngài công bố sự công chính của tội nhân có lòng tin nơi Đức Giê-su Ki-tô là bởi nhờ việc Ngài bị treo trên Thập giá. Khi chúng ta tin, sự công chính của Đức Ki-tô là được đặt vào, đó là, "đưa vào trong tài khoản của bạn".  Sự công chính hóa là tác động của Thiên Chúa đối với người tín hữu, nhờ đó Ngài ban sự công chính của Ngài và phát triển đức tính và cách hành xử thánh thiện. Vì thế công chính trước mặt Thiên Chúa dẫn đến đời sống thánh thiện trước mặt thế nhân. Không phải chúng ta được cứu bởi việc làm hoặc bởi đức tin cộng với việc làm; chúng ta được cứu bởi đức tin dẫn tới việc làm (Gc 2: 14–26).  
 
CHIA SẺ

Tin Mừng của Thiên Chúa (c.1-17). Thiên Chúa có một Tin Mừng! Đó là lời hứa trong Cựu Ước và tập trung vào Đức Giê-su Ki-tô. Ngài đã đến trong thế gian như một người Do thái, đã chết, và sống lại; và Ngài cứu tất cả những ai tín thác nơi Ngài. Chỉ có mình Ngài mới chuộc lại được ơn cứu độ, và sứ điệp này phải được rao giảng cho toàn thể thế giới. Tại sao? Bởi vì chỉ Tin Mừng là “quyền năng của Thiên Chúa mang ơn cứu độ” (c.16). Thiên Chúa ban tặng chính Con của Ngài cho những người tội lỗi (8:32)! Đó là Tin Mừng. Bạn có tin điều đó? Bạn có khao khát chia sẻ điều đó?

Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (c.19-32). Chủ đề chính của Phao-lô là sự công chính của Thiên Chúa, nhưng ông đã trình bày nó chống lại nền tảng bống tối của cuộc xét xử của Thiên Chúa, mà điều đó đang tiếp diễn trong lúc này. Con người có thể nhận biết Thiên Chúa qua thụ tạo và qua lương tâm (c.19-20), nhưng việc từ chối để tôn vinh Ngài như là Thiên Chúa. Họ sống vì thụ tạo, không phải vì Tạo Hóa, và biến chính họ thành những vị thần (c.25; Stk 3:4-5). Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ (c.24,26,28) và để họ chịu hậu quả đau khổ của tội. Cuộc xét xử lớn nhất mà Thiên Chúa có thể thực hiện trên con người là để cho con người hành xử theo cách của mình. Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa là một chủ đề mà chúng ta không thích hay thậm chí không ngại nghĩ đến chủ đề này. Nhưng điều này là sự thật và chúng ta phải đối diện với tình huống này. Bạn nghĩ nếu tình huống này xảy ra trong lúc này nơi chính bản thân bạn, bạn sẽ được lãnh lấy cơn thịnh nộ hay lời chúc phúc mà Thiên Chúa hứa ban cho những ai sống trong ánh sáng chân lý Ngài? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC