Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

CHƯƠNG 4 - Thư Gửi Tín Hữu Rô-Ma

Ông Ápraham được nên công chính vì đã tin
(1) Vậy phải nói sao về ông Ápraham, tổ phụ dân tộc chúng tôi? Ông đã được gì? (2) Giả như ông Ápraham được nên công chính vì những việc ông đã làm, thì ông có lý do để hãnh diện; nhưng không phải là hãnh diện trước mặt Thiên Chúa. (3) Thật vậy, Kinh Thánh nói gì? Ông Ápraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính. (4) Người nào làm việc, thì lương trả cho người ấy không được kể là ân huệ, mà là nợ. (5) Trái lại người nào không dựa vào việc làm nhưng tin vào Thiên Chúa, Ðấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính, thì lòng tin làm cho người ấy được Thiên Chúa kể là công chính. (6) Ðó là điều vua Ðavít nói đến khi ca tụng hạnh phúc của người được Thiên Chúa kể là công chính mà không xét đến việc làm:

(7) Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,
người có tội mà được khoan dung!
(8) Hạnh phúc thay người Chúa không kể là có tội!
Không phải vì chịu phép cắt bì

(9) Lời ca tụng hạnh phúc này chỉ áp dụng cho những người được cắt bì, hay cho cả những người không được cắt bì nữa? Quả vậy, như chúng ta vừa nói: Ông Ápraham đã tin, và vì thế được kể là người công chính. (10) Ông được kể là người công chính khi nào? Trước hay sau khi ông được cắt bì? Không phải sau, mà là trước khi ông được cắt bì! (11) Ông nhận được phép cắt bì như dấu hiệu chứng thực rằng: nhờ tin mà ông được trở nên công chính, trước khi được cắt bì. Như vậy, ông là cha của mọi kẻ tin mà không được cắt bì, và vì tin nên được kể là công chính. (12) Ông cũng là cha của những người được cắt bì, mà còn dõi bước tổ phụ chúng ta là ông Ápraham, trên đường đức tin, đức tin ông đã có trước khi được cắt bì.

Không phải vì giữ Lề Luật
(13) Thật vậy, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Ápraham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin. (14) Nếu gia nghiệp được dành cho những kẻ lệ thuộc vào Lề Luật, thì đức tin vô nghĩa, và lời Thiên Chúa hứa bị loại bỏ. (15) Quả thế, Luật gây nên cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, còn ở đâu không có Lề Luật, thì cũng không có vi phạm. (16) Bởi vậy, vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Ápraham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, (17) như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Ðấng ông tin tưởng, Ðấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hóa có.
Lòng tin của ông Áp-ra-ham và lòng tin của chúng ta
(18) Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: "Dòng dõi người sẽ đông đảo như thế". (19) Ông đã gần một trăm tuổi, nhưng ông vẫn vững tin không nao núng, khi nghĩ rằng thân xác ông cũng như dạ bà Xara đều đã chết. (20) Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, (21) vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có quyền năng thực hiện. (22) Bởi thế, ông được kể là người công chính.
(23) Nhưng khi viết ông được kể là người công chính, thì không phải chỉ nói về ông, (24) mà còn nói về cả chúng ta nữa: chúng ta sẽ được kể là công chính, vì tin vào Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết; (25) Ðức Giêsu chính là Ðấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính. 
CHIA SẺ


Áp-ra-ham đã được cứu như thế nào (c.1-4, 9-12)? Không phải bởi việc làm, nhưng nhờ lòng tin (Stk 15:6). Ơn cứu độ không giống như tiền công mà bạn có thể kiếm được hay việc làm mà bạn có thể khoe khoang. Áp-ra-ham không được cứu bởi giữ luật bởi vì luật chưa được ban cho, cũng không phải do việc ông tuân giữ những nghi thức tôn giáo. Tất cả đều bởi nhờ ơn sủng của Thiên Chúa!

Đa-vít đã được cứu như thế nào (c.5-8)? Đa-vít đã viết trong Thành vịnh 32 sau khi ông phạm tội trọng với Bát-se-ba (2 Sm 11). Liệu Thiên Chúa có thể tha thứ cho một người phạm tội ngoại tình, lừa gạt và sát nhân? Vâng! Khi Đa-vít đã hoán cải và quay về với Thiên Chúa, ông đã được tha thứ, thậm chí Đức Chúa đã cho phép Đa-vít cảm thấy sự cay đắng của hậu quả những tội của ông (2 Sm 12). Thiên Chúa biện hộ cho những người tội lỗi, không phải những người công chính (c.5; Mt 9:9-13)

Bạn được cứu như thế nào (c.13-25)? Đơn giản bởi tin vào lời hứa của Thiên Chúa như Áp-ra-ham. Đức tin và lời hứa đi đôi với nhau như luật và việc làm. Áp-ra-ham là cha của đất nước Do thái trong hình thức cụ thể, nhưng ông là “cha” của mọi người tín hữu trong chiều kích thiêng liêng (c.16; Mt 3:7-9). Trên đồi Can-vê, những tội của chúng ta đã được gán cho Đức Ki-tô; khi chúng ta tín thác vào Đức Ki-tô. Thiên Chúa mặc lấy sự công chính của Ngài cho chúng ta (2Cr 5:21).

Còn điều gì phúc hơn là biết rằng tội bạn đã được tha?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC