Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

CHƯƠNG 1 - Thư 1 Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô

Lời Mở Ðầu 
Lời chào thăm. Lời cảm tạ.
(1) Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Ðồ của Ðức Kitô Giêsu, và ông Xốttênê là người anh em của chúng tôi, (2) kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Côrintô, những người đã được hiến thánh trong Ðức Kitô Giêsu, được gọi là thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Ðức Giêsu Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta. (3) Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an.
(4) Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Ðức Kitô Giêsu. (5) Quả vậy, trong Ðức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. (6) Thật thế, lời chứng về Ðức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, (7) khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người. (8) Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô. (9) Thiên Chúa là Ðấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. 
I. Chia Rẽ Và Gương Xấu
1. Các Phe Phái Trong Giáo Ðoàn Cô-Rin-Tô 
Các tín hữu chia rẽ nhau
(10) Thưa anh em, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận một lòng một ý với nhau. (11) Thật vậy, thưa anh em, người nhà của bà Khơlôe cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em. (12) Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Ðức Kitô. (13) Thế ra Ðức Kitô đã bị chia năm sẻ bảy rồi ư? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phaolô sao? (14) Tôi tạ ơn Thiên Chúa, vì tôi đã không làm phép rửa cho ai, trừ ông Cơrítpô và ông Gaiô. (15) Như thế, không ai nói được rằng anh em đã chịu phép rửa nhân danh tôi. (16) À, tôi còn làm phép rửa cho gia đình Têphana nữa. Ngoài ra, tôi không biết đã làm phép rửa cho người nào khác.
Sự khôn ngoan của thế gian và sự khôn ngoan theo Kitô giáo
(17) Vì Ðức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Ðức Kitô khỏi trở nên vô hiệu. (18) Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. (19) Vì có lời chép rằng: Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. (20) Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao? (21) Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. (22) Trong khi người Dothái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hylạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, (23) thì chúng tôi lại rao giảng một Ðấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. (24) Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Dothái hay Hylạp, Ðấng ấy chính là Ðức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. (25) Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.
(26) Thưa anh em, anh em cứ thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. (27) Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; (28) những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, (29) hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người. (30) Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Ðức Kitô Giêsu, Ðấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa: Ðấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hóa và giải thoát anh em, (31) hợp như lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa. 
 
DẪN NHẬP
    Cô-rin-tô, thủ đô của Achaia, có lẽ là thành phố giàu có và quan trọng nhất ở Hy Lạp. Nơi đây cũng là điểm băng hoại nhất. Là một trung tâm thương mại, Corinth bị ảnh hưởng bởi tất cả các loại tôn giáo và triết học. Thánh Phao-lô thành lập hội thánh Cô-rin-tô trong chuyến hành trình truyền giáo thứ hai (Công vụ 18) và phục vụ ở đó một năm rưỡi.
    Sau khi ngài rời đi, các vấn đề nghiêm trọng nảy sinh trong hội thánh, và thánh Phao-lô viết cho các thành viên một bức thư nghiêm khắc nhưng không thành công (1Cor 5: 9). Ngài nghe nói rằng hội thánh bị chia rẽ (1:11), và sau đó một phái đoàn từ hội thánh Cô-rin-tô đến Ê-phê-sô với một lá thư yêu cầu thánh Phao-lô giúp đỡ liên quan đến những câu hỏi cụ thể. Thư thứ nhất gửi giáo đoàn Cô-rin-tô là hồi đáp của ngài.
    Thánh Phao-lô giải quyết những tội lỗi trong Giáo hội (chương 1–6), và sau đó ngài trả lời những câu hỏi mà họ đặt ra (Chương 7–16; lưu ý cụm từ lặp đi lặp lại, “giờ đây liên quan đến...”). Ngài bàn về hôn nhân (chương 7), thờ ngẫu tượng (chương 8–10), thờ phượng nơi công cộng (chương. 11), các đặc sủng (chương. 12–14), sự phục sinh (chương 15), và những lời dặn dò đặc biệt mà ngài gửi đến những người Do Thái (chương 16).
    Thánh Phao-lô đã thiết lập một Giáo hội trong thành phố, nhưng thành phố đã đi vào Giáo hội; và điều đó giải thích tại sao có rất nhiều vấn đề. Các tín hữu ở Cô-rin-tô cần chú ý đến thư Rô-ma 12:2, và chúng ta ngày nay cũng vậy. 
 
CHIA SẺ

Mặc dù những người tín hữu “nên một trong Đức Ki-tô Giê-su” (Gl 3:28), Giáo hội địa phương thường chịu đau khổ vì sự chia rẽ. Vì sao?
Vì một điều, chúng đã quên lời mời gọi chúng ta có nơi Đức Ki-tô (c.2,9,24-29). Chính nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta được kêu gọi, và sự thật này phải giúp chúng ta khiêm tốn và khích lệ chúng ta yêu thương nhau (Ga 15:17).
Một nhân tố khác nữa đó là chúng ta có xu hướng làm theo những người lãnh đạo và phát triển thành một nhóm những người chạy theo một não trạng nào đó. Đức Ki-tô đã chết cho chúng ta và sống để chúc lành cho chúng ta, và Ngài phải là ưu tiên hàng đầu.
Nhân tố thứ ba là sự tùy thuộc vào sự khôn ngoan và triết lý của con người, điều này rất phổ biến ở Corinto. Sự khôn ngoan của thế gian đã len lỏi vào trong Hội thánh, và nó đã trộn lẫn với sự khôn ngoan của Thiên Chúa (Is 8:20). Nhiều trường phái thần học của các học giả đã cố gắng để giải thích Lời Chúa, nhưng chúng không phải là Lời. Đừng bao giờ để những lý thuyết đó là nguyên nhân của sự chia rẽ.
Bạn sẽ làm gì khi cảm giác như thể thế giới của bạn bị sụp đổ? Bạn sẽ đi đâu khi cảm giác của sự tối tăm là bạn đồng hành duy nhất của mình và chẳng tìm thấy được Thiên Chúa ở bất kỳ nơi đâu cả?Và đặc biệt trong những ngày của Tuần Thánh này, đâu là sự khôn ngoan của Thập Giá mà bạn khám phá ra cho đời sống của riêng bạn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC