Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

CHƯƠNG 1 - Thư 2 Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô

 Lời Mở Ðầu 
Lời chào thăm. Lời cảm tạ
(1) Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa được làm Tông Ðồ của Ðức Kitô Giêsu, và Timôthê là người anh em, kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Côrintô, cùng với tất cả các thánh trong khắp miền Akhaia. (2) Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an.
(3) Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. (4) Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. (5) Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Ðức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi. (6) Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi có được an ủi, thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu. (7) Chúng tôi lấy làm an tâm về anh em, vì biết rằng anh em thông phần thống khổ với chúng tôi thế nào, thì cũng sẽ được thông phần an ủi như vậy.
(8) Thật thế, thưa anh em, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về nỗi gian truân chúng tôi đã gặp bên Axia: chúng tôi đã phải chịu đựng quá mức, quá sức chúng tôi, đến nỗi chúng tôi không còn hy vọng sống nổi. (9) Nhưng chúng tôi đã mang án tử nơi chính bản thân rồi, để chúng tôi không tin tưởng vào chính mình, mà vào Thiên Chúa, Ðấng làm cho kẻ chết chỗi dậy. (10)Chính Người đã cứu và sẽ còn cứu chúng tôi khỏi một cái chết như thế. Người là Ðấng chúng tôi trông cậy, Người sẽ còn cứu chúng tôi nữa. (11) Còn anh em, hãy lấy lời cầu nguyện mà trợ giúp chúng tôi. Như vậy, Thiên Chúa sẽ ban ơn cho chúng tôi nhờ lời cầu thay nguyện giúp của nhiều người; và do đó, nhiều người sẽ cảm tạ Thiên Chúa vì Người đã thương chúng tôi.
I. Nhắc Lại Những Sự Việc Ðã Xảy Ra 
Lý do khiến ông Phao-lô thay đổi lộ trình
(12) Ðiều khiến chúng tôi tự hào là lương tâm chúng tôi làm chứng rằng: chúng tôi lấy sự thánh thiện và chân thành Thiên Chúa ban mà cư xử với người ta ở đời, đặc biệt là với anh em. Chúng tôi không cư xử theo lẽ khôn ngoan người đời, nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa. (13) Thật thế, chúng tôi không viết cho anh em điều gì khác ngoài những điều anh em có thể đọc và hiểu được. Và tôi hy vọng anh em sẽ hiểu đến nơi đến chốn, (14) như anh em đã hiểu chúng tôi phần nào: chúng tôi là niềm vinh dự của anh em, cũng như anh em là niềm vinh dự của chúng tôi trong Ngày của Ðức Giêsu, chúa chúng ta.
(15) Với lòng tin tưởng đó, tôi định đến với anh em trước để anh em được hưởng ân phúc lần thứ hai; (16) rồi từ nơi anh em, tôi đi Makêđônia; sau đó lại từ Makêđônia về với anh em, để anh em đưa tôi đi Giuđê. (17) Dự tính như thế, phải chăng tôi đã tỏ ra nhẹ dạ? Hay điều tôi dự tính là dự tính theo kiểu người phàm, khiến tôi vừa nói "có" lại vừa nói "không"? (18) Xin Thiên Chúa trung thành chứng giám cho chúng tôi! Lời chúng tôi nói với anh em chẳng phải vừa là "có" vừa là "không". (19) Vì Ðức Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa, Ðấng mà chúng tôi, là Xinvanô, Timôthê và tôi, rao giảng cho anh em, đã không vừa là "có" vừa là "không", nhưng nơi Người chỉ toàn là "có". (20) Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là "có" nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên "Amen" để tôn vinh Thiên Chúa. (21) Ðấng cũng cố chúng tôi cùng với anh em trong Ðức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta là Thiên Chúa. (22) Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng.
(23) Phần tôi, có Thiên Chúa chứng giám, tôi xin lấy mạng sống mà thề rằng: chính vì nể anh em mà tôi đã không đến Côrintô nữa. (24) Không phải là chúng tôi khống chế đức tin của anh em; trái lại, chúng tôi góp phần tạo niềm vui cho anh em, bời vì đức tin của anh em đã vững rồi.
 
  GIỚI THIỆU
    Các vấn đề trong hội thánh Cô-rin-tô ngày càng trở nên tồi tệ hơn, và thánh Phao-lô phải thực hiện một chuyến viếng thăm nhức nhối đến Cô-rin-tô để đối đầu với những người gây ra rắc rối (2 Cr 2: 1tt.). Sau đó, ngài viết một bức thư nghiêm khắc và gửi nó cùng với Titô (2 Cr 2: 4–9; 7: 8–12). Sau một số lần trì hoãn, cuối cùng ngài và Titô đã gặp nhau; và để đáp lại tin mừng mà Titô mang đến từ Cô-rin-tô, thánh Phao-lô đã viết bức thư này.
    Đầu tiên, thánh Phao-lô mô tả tác vụ của mình và giải thích lý do tại sao ngài đã thay đổi kế hoạch của mình (ch 1–7). Đó là một lời cầu xin hòa giải. Sau đó, ngài trình bày chi tiết kế hoạch thực hiện việc dâng hiến tình yêu cho Giáo hội ở Giu-đê (ch. 8–9). Đó là một lời cầu xin hợp tác. Vì một nhóm trong Giáo hội đặt câu hỏi về thẩm quyền của ngài, nên thánh Phao-lô đã kết luận bức thư bảo vệ quyền tông đồ của mình (ch. 10–13). Đó là một lời cầu xin để cải quá và tuân theo Lời.
    Điểm  then chốt trong 2 Cô-rin-tô là an ủi (khích lệ), được dùng dưới hình thức này hay hình thức khác nhiều lần. Tuy nhiên, cũng có nhiều lần đề cập đến đau khổ. Trong bức thư rất riêng tư này, thánh Phao-lô đã mở lòng và chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn sâu sắc nhất của mình. Suy cho cùng, Kitô hữu là con người và phải trung thực trong việc bày tỏ những cảm xúc của mình.
 
CHIA SẺ
 Những người Ki-tô hữu cần được an ủi. Trong khi cố gắng để giúp Hội thánh, Phao-lô đã cảm nghiệm sự đau khổ nhức nhối đến mức ngài gần như muốn bỏ cuộc (c. 8-9). Thiên Chúa không che chở cho dân Ngài khỏi những thử thách, ngay cả những tông đồ tài năng đang thực thi Ý Ngài cũng không thoát khỏi. “Tử tế với tất cả những người bạn gặp, điều đó giống như bạn đang phải chiến đấu trên chiến trường.” (John Watson). Bạn có điều gì quá lớn mà phải mang lấy một mình? Khi gặp khó khăn thử thách bạn tìm đến ai đầu tiên?
Những người Ki-tô hữu đón nhận sự an ủi. Thiên Chúa của bạn là “Thiên Chúa an ủi” (c.3), và Ngài sẽ ban cho bạn ân sủng cần thiết trong những khi bạn cần đến. Những đau khổ không phải là tai nạn; đó là những cuộc hẹn thần linh, và Cha của bạn luôn hoàn toàn làm chủ hoàn cảnh đó. Bạn sẽ tìm thấy sự an ủi trong cầu nguyện, trong việc công bố những lời hứa của Lời (c.18-20), và có một tình bạn mật thiết hơn với Ngài. Những thử thách có giúp bạn lớn lên trong tương quan với Cha, Đấng làm chủ lịch sử của đời bạn?
Những người Ki-tô hữu chia sẻ sự an ủi. Sự an ủi của Thiên Chúa không phải được ban cho; nó được vay, và bạn được mong chờ để chuyển điều đó cho những người khác. Nỗi đau bạn trải nghiệm bây giờ sẽ giúp bạn khích lệ cho những người khác khi họ gặp thử thách. Khi bạn đau khổ, hãy tránh tự sự mủi lòng, vì thái độ này sẽ làm bạn thành bể chứa thay vì trở nên một dòng kênh. Nếu bạn thất bại trong việc chia sẻ những an ủi của Thiên Chúa cho những người khác, kinh nghiệm của bạn chỉ trên bề mặt và sẽ mât đi; và thật là một bi kịch để phí phạm những đau khổ của mình. Những thử thách bạn trải qua có trở nên những hoa trái cho bạn để đồng hành với người khác?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC