Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

CHƯƠNG 8 - Thư 2 Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô

 II. Tổ Chức Lạc Quyên 
Những lý do chứng tỏ lòng quảng đại
(1) Thưa anh em, chúng tôi xin báo cho anh em biết ân huệ Thiên Chúa đã ban cho các Hội Thánh ở Makêđônia. (2) Trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại. (3) Vì theo sức, tôi xin làm chứng là quá sức nữa, họ đã tự động (4) khẩn khoản nài xin chúng tôi cho họ được phúc tham dự vào việc phục vụ các thánh. (5) Họ đã vượt quá điều chúng tôi mong ước là tự hiến mình phụng sự Chúa trước, rồi phục vụ chúng tôi theo ý Thiên Chúa. (6) Nên chúng tôi đã xin anh Titô hoàn thành công việc lạc quyên đó nơi anh em, như anh ấy đã bắt đầu làm.
(7) Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này nữa. (8) Tôi nói thế không phải để ra lệnh cho anh em đâu. Nhưng tôi chỉ nêu lên lòng nhiệt thành của người khác để xem lòng yêu mến của anh em chân thành đến mức nào. (9) Quả thật, anh em biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có. (10) Về điều này, tôi xin đưa ra một ý kiến. Ý kiến đó thích hợp với anh em, vì anh em là những người đầu tiên, chẳng những đã thực hiện công cuộc đó, mà còn đã quyết định làm ngay từ năm ngoái. (11) Vậy nay anh em hãy hoàn thành công cuộc đó, để như anh em đã hăng hái quyết định thế nào, thì cũng tùy khả năng mà hoàn thành như vậy. (12) Vì khi người ta hăng hái dâng cái mình có, thì Thiên Chúa chấp nhận; còn nếu không có thì thôi. (13) Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Ðiều cần thiết là phải có sự đồng đều. (14) Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều, (15) hợp với lời đã chép: Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu.
Gửi gắm ông Ti-tô và các bạn đồng hành
(16) Cảm tạ ThiênChúa đã đặt vào lòng anh Titô một sự nhiệt thành như thế đối với anh em: (17) anh em đã nhận lời yêu cầu của tôi và đã nhiệt thành tự nguyện tới thăm anh em. (18) Cùng với anh Titô, chúng tôi cử một người anh em rao giảng Tin Mừng nổi tiếng trong khắp các Hội Thánh. (19) Không những thế, anh lại được các Hội Thánh chỉ định cùng đi với chúng tôi lo việc lạc quyên, một việc nghĩa chúng tôi đảm nhận, để tôn vinh Chúa và biểu lộ lòng hăng hái của chúng tôi. (20) Chúng tôi đề phòng như thế, để không ai chê trách được chúng tôi về món tiền lớn chúng tôi chịu trách nhiệm. (21) Vì chúng tôi quan tâm đến điều thiện, không những trước mặt Chúa, mà cả trước mặt người ta. (22) Chúng tôi lại cử thêm một người anh em nữa của chúng tôi cùng đi với hai người nói trên. Chúng tôi thường hay có dịp thử lòng nhiệt thành của anh ấy bằng nhiều cách; và nay anh còn nhiệt thành hơn nữa, vì đầy lòng tin tưởng vào anh em. (23) Về phần anh Titô, anh vừa là bạn đường, vừa là người cộng tác với tôi trong việc phục vụ anh em. Còn về hai người anh em kia của chúng tôi, họ là sứ giả của các Hội Thánh và là vinh quang của Ðức Kitô. (24) Vậy, trước mặt các Hội Thánh, anh em hãy tỏ cho những người đó thấy đức ái của anh em, và cho họ biết là chúng tôi có lý để tự hào về anh em.
CHIA SẺ
 Chương 8 và 9 tập trung vào những chia sẻ mà Phao-lô đã nhận cho các tín hữu ở vùng Giu-đê. Cộng đoàn ở Corinto đã đồng ý chia sẻ những gì họ đóng góp nhưng đã tắc trách trong khi làm như thế. Phao-lô đã nhắc nhở họ về những lời hứa của họ và đồng thời đã giải thích một số nguyên lý trong cách chia sẻ của người Ki-tô hữu.
Điều đó bắt đầu với việc thuộc về Chúa (c.1-7). Bạn không thể cho phần quan trọng của bạn cho tới khi bạn trao ban điều đầu tiên chính là bản thân mình (c.5; Rm 12:1-2). Khi bạn thuộc về Đức Chúa, bạn bắt đầu tìm kiếm những cơ hội để chia sẻ thay vì tìm kiếm những lý do để không làm điều đó. Bạn nghĩ gì khi việc chia sẻ bắt đầu với việc ý thức mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa, và chính bản thân mình chỉ là người đóng vai trò quản lý và điều đó giúp mình dễ chia sẻ hơn?
Điều đó được thúc đẩy bởi ân sủng (c.8-9). Đức Giê-su giàu sang trên thiên đàng nhưng đã trở nên nghèo trên mặt đất (ngay cả chết trên thập giá!) để chúng ta có thể chia sẻ sự phong phú vĩnh hằng. Tất cả đều là hông ân bởi vì trao ban là một ân sủng. Luật đòi buộc, nhưng ân sủng đòi hỏi sự đồng thuận và mang đến niềm vui. Bạn học được gì từ bài học cho đi đến tận cùng của Đức Giê-su?
Điều đó đòi hỏi niềm tin (c.10-15). Ví dụ về Manna (Xh 16) cho thấy Thiên Chúa luôn luôn ban điều chúng ta cần. Thánh Phao-lô cũng đã sử dụng hình ảnh gieo giống để khích lệ sự chia sẻ quảng đại (9:6). Chúng ta có thể tin tưởng vào những lời hứa của Thiên Chúa. Theo bạn đâu là sự khác biệt trong việc chia sẻ xuất phát từ cảm xúc và niềm tin?
Điều đó đòi hỏi sự thành thật (c.16-24). Những ai sử dụng tiền của Thiên Chúa nên hy sinh và thành thật, phải chắc chắn rằng mọi điều đều phải ngay thật và đáng kính trọng. Chia sẻ đòi hỏi sự hy sinh, có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình phải hy sinh như vậy?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC