Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

CHƯƠNG 9 - Thư 1 Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô

 Gương của ông Phao-lô
(1) Tôi không tự do ư? Tôi không phải là tông đồ ư? Tôi đã không thấy Ðức Giêsu, Chúa chúng ta sao? Anh em không phải là công trình của tôi trong Chúa sao? (2) Nếu đối với những người khác tôi không phải là tông đồ, thì ít ra đối với anh em tôi là tông đồ, vì ấn tín chứng thực chức vụ tông đồ của tôi trong Chúa chính là anh em. (3) Ðây là lời biện hộ của tôi chống lại những kẻ hạch sách tôi. (4) Phải chăng tôi không có quyền ăn uống, (5) không có quyền đem theo một người chị em tín hữu như các tông đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kêpha? (6) Phải chăng chỉ có tôi và anh Banaba không có quyền được miễn lao động? (7) Có ai đi đánh giặc mà lại phải tự túc bao giờ? Có ai trồng nho mà lại không được ăn trái? Hay có ai chăn súc vật mà lại không được uống sữa của súc vật?
(8) Phải chăng tôi nói thế theo kiểu người phàm? Há Lề Luật lại cũng chẳng nói thế sao? (9) Thật vậy, trong luật Môsê có chép: Ðừng bịt mõm con bò đang đạp lúa. Chẳng lẽ Thiên Chúa lại bận tâm đến con bò sao? (10) Hay cũng vì chúng ta mà Người phán như vậy? Phải, chính vì chúng ta mà có lời chép: Khi cày, thợ cày phải mong được chia phần; và khi đạp lúa, kẻ đạp lúa phải mong được chia phần. (11) Một khi chúng tôi đã gieo của thiêng liêng cho anh em, nếu chúng tôi gặt của vật chất nơi anh em, thì đâu có phải là chuyện quá đáng? (12) Nếu những người khác còn có quyền đòi hỏi anh em, thì huống hồ là chúng tôi? Nhưng chúng tôi đã không dùng quyền đó. Trái lại, chúng tôi chịu đựng tất cả mọi sự để khỏi gây trở ngại cho Tin Mừng của Ðức Kitô. (13) Anh em không biết rằng người lo các thánh vụ thì được hưởng lộc Ðền Thờ, và kẻ phục vụ bàn thờ thì cũng được chia phần của bàn thờ sao? (14) Cũng vậy, Chúa truyền cho những ai rao giảng Tin Mừng phải sống nhờ Tin Mừng.
(15) Nhưng phần tôi, tôi đã không dùng một quyền nào trong những quyền ấy. Tôi viết các điều này không phải để cũng được như vậy, vì đối với tôi thà chết còn hơn là... Niềm tự hào đó, không ai có thể hủy diệt được! (16) Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!(17) Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. (18) Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Ðó là khi rao giảng Tin Mừng tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.
(19) Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. (20) Với người Dothái, tôi đã trở nên Dothái, để chinh phục người Dothái. Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã trở nên người sống theo Lề Luật, dù không còn phải sống theo Lề Luật nữa, để chinh phục những người sống theo Lề Luật. (21) Ðối với những kẻ sống ngoài Lề Luật, tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật, dù tôi không sống ngoài luật Thiên Chúa, nhưng sống trong luật Ðức Kitô, để chinh phục những người sống ngoài Lề Luật. (22) Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. (23) Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.
(24) Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. (25) Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. (26) Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đánh vào không khí. (27) Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.
CHIA SẺ

Chúng ta không có quyền để từ bỏ sự tự do của mình, vì Đức Ki-tô đã trả giá điều đó cho chúng ta (Gl 5:1); nhưng chúng ta có quyền tự do để từ bỏ những quyền của mình. Vì để đưa những người lạc lối về (c.12), Phao-lô đã bỏ quyền được nhận sự hỗ trợ tài chính, và ngài đã xin những người tín hữu Corinto để từ bỏ quyền của họ vì phần rỗi của những người khác. Bạn đã dám hy sinh từ bỏ những gì vì lợi ích của những người khác? Bạn tham dự vào sứ vụ truyền giáo như thế nào trong hoàn cảnh riêng của bạn?
Sứ vụ của người Ki-tô hữu giống như trận chiến, chăm sóc vườn nho, chăm sóc đàn chiên, và canh tác cánh đồng (c.7-11). Suy ngắm những hình ảnh này, và xem điều họ dạy bạn về phục vụ Thiên Chúa.
Thừa tác vụ là một nhiệm vụ (c.17), và người tôi tớ phải trung thành (4:2). Những thừa tác viên của Đức Ki-tô cũng giống như những người chạy đua phải giữ những quy tắc hay sẽ bị loại trừ (c.24-27). Tính kỷ luật là một phần trong đời sống của người môn đệ, đâu là phương thế giúp bạn sống kỷ luật bản thân mình?
Những câu 19-23 kêu gọi sự nhã nhặn (c.17), và khôn ngoan trong việc làm chứng, không phải thỏa hiệp. “Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người” không có nghĩa là Phao-lô không có nét riêng của cá nhân mình. Điều đó có nghĩa là ngài đã dùng những lý chứng của mình để xây những nhịp cầu, không phải là những bức tường ngăn cách. Nếu xem ngài như không có sự nhất quán,  điều đó là do người ta không nhìn đủ sâu. Ao ước lớn nhất của ngài là cứu được những người lạc lối, và điều đó chi phối mọi quyết định của ngài. Đâu là cùng đích của đời bạn, và điều đó chi phối cuộc sống của bạn như thế nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC