Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

CHƯƠNG 1 - Thư Gửi Tín Hữu Cô-Lô-Xê

 Lời mở đầu
(1) Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa được làm Tông Ðồ của Ðức Kitô Giêsu, và anh Timôthê là người anh em, (2) kính gửi các thánh tại Côlôxê, là những người anh em tín hữu trong Ðức Kitô. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta ban cho anh em ân sủng và bình an.
Tạ ơn và cầu xin
(3) Chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, là Thân Phụ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, khi cầu nguyện cho anh em. (4) Thật vậy, chúng tôi đã được nghe nói về lòng tin của anh em vào Ðức Kitô Giêsu, và về lòng mến của anh em đối với toàn thể các thánh; (5) lòng tin và lòng mến đó phát xuất từ niềm trông cậy dành cho anh em trên trời, niềm trông cậy anh em đã được nghe loan báo khi lời chân lý là Tin Mừng (6) đến với anh em; Tin Mừng này đang sinh hoa trái và lớn lên trên toàn thế giới như thế nào, thì nơi anh em cũng vậy, từ ngày anh em được nghe nói và nhận biết ân sủng của Thiên Chúa thực sự là gì. (7) Anh em đã học hỏi điều này với anh Êpápra là người đồng sự yêu quý của chúng tôi và là người thay thế chúng tôi với tư cách là người phục vụ trung thành của Ðức Kitô. (8) Chính anh đã cho chúng tôi hay về lòng mến mà Thần Khí ban cho anh em.
(9) Vì thế, từ ngày chúng tôi nghe biết như vậy, chúng tôi cũng không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khí ban cho. (10) Như vậy, anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Người về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn. (11) Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả.
(12) Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của các thánh trong cõi đầy ánh sáng.
(13) Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; (14) trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.
I. Phần Giáo Thuyết 
Ðức Kitô đứng hàng đầu
(15) Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,
là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,
(16) vì trong Người, muôn vật được tạo thành
trên trời cùng dưới đất,
hữu hình và vô hình.
Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng
hay là bậc quyền năng thượng giới,
tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng
nhờ Người và cho Người.
(17) Người có trước muôn loài muôn vật,
tất cả đều tồn tại trong Người.
(18) Người cũng là đầu của thân thể,
nghĩa là đầu của Hội Thánh;
Người là khởi nguyên,
là trưởng tử
trong số những người từ cõi chết sống lại,
để trong mọi sự Người đứng hàng đầu.
(19) Vì Thiên Chúa đã muốn
làm cho tất cả sự viên mãn
hiện diện ở nơi Người,
(20) cũng như muốn nhờ Người
mà làm cho muôn vật
được hòa giải với mình.
Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,
Thiên Chúa đã đem lại bình an
cho mọi loài dưới đất
và muôn vật trên trời.
Người Cô-lô-xê được chung hưởng ơn cứu độ
(21) Cả anh em nữa, xưa kia anh em là những người xa lạ, là thù địch của Thiên Chúa vì những tư tưởng và hành động xấu xa của anh em. (22) Nhưng nay nhờ Ðức Giêsu là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hòa giải với Người, để anh em trở nên thánh thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người. (23) Anh em chỉ cần giữ vững đức tin, cần được xây dựng vững chắc, kiên quyết và đừng vì nao núng mà lìa bỏ niềm hy vọng anh em đã nhận được khi nghe loan báo Tin Mừng. Tin Mừng này đã được rao giảng cho khắp Thiên hạ, và tôi, Phaolô, tôi đã được trở nên người phục vụ Tin Mừng.
Ông Phao-lô vất vả phục vụ dân ngoại
(24) Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. (25) Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã ủy thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, (26) rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho các thánh của Thiên Chúa. (27) Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Ðức Kitô đang ở giữa anh em, Ðấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang. (28) Chính Người là Ðấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Ðức Kitô. (29) Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi.
DẪN NHẬP    
 Êpápra, một trong những người được ơn hoán cải bởi Phao-lô, đã thành lập hội thánh ở Cô-lô-se (1: 7; 4: 12; 13); Thánh Phaolô chưa bao giờ đích thân đến đó (2: 1). Trong khi bị giam cầm tại Rô-ma, ngài nghe nói rằng những giáo lý sai lầm đang được giới thiệu tại Giáo hội này, vì vậy ngài đã viết lá thư này để cảnh cáo các tín hữu và để họ vững vàng trong đức tin.
    Chủ đề chính là sự ưu việt của Đấng Kitô (1:18) bởi vì các thầy dạy giả đã biến Đức Kitô trở thành một trong những hiện thân xuất phát từ Đức Chúa. Họ trộn lẫn chân lý Kitô giáo với học thuyết của họ về chủ nghĩa duy luật Do Thái và chủ nghĩa thần bí phương Đông. Thư gửi giáo đoàn Cô-lô-se là câu trả lời hoàn hảo cho cái gọi là phong trào Thời đại Mới ngày nay, vì nó khẳng định rằng trong Đức Giê-su Kitô, các tín hữu được viên mãn và có sự thành toàn của Thiên Chúa ban cho họ (2: 9–10).
    Các Chương 1–2 mang tính giáo lý và trình bày về Chúa Giê-su Kitô  là Đấng Tạo Hóa, Đấng Cứu Độ và Đức Chúa. Các Chương 3–4 là một cách cụ thể và cho thấy cách người tín hữu thực hành tính ưu việt của Đức Kitô trong cuộc sống hàng ngày. Vì các thư gửi cho giáo đoàn Ê-phê-sô và Cô-lô-se được viết vào cùng một thời điểm, nên bạn sẽ thấy những điểm tương đồng; nhưng Ê-phê-sô nhấn mạnh đến thân thể (Hội thánh), trong khi Cô-lô-se nhấn mạnh đến Đầu của thân thể (Chúa Giê-su Kitô). Các thư này bổ sung cho nhau.

CHIA SẺ
Niềm hy vọng ở phía trước anh em (c.1-12). Những người này sắp sửa vào thiên đàng! Họ đã nghe Lời và tin tường vào Đấng Cựu Độ, và họ đã được ban cho những bằng chứng về niềm tin của họ nhờ tình yêu của họ dành cho Thiên Chúa và dân Ngài. Thiên Chúa đã làm cho họ đủ phẩm chất (c.12); chính họ đã không cứu được bản thân mình.
Niềm hy vọng ở phía sau anh em (c.13-23). Niềm hy vọng đó là một nền tảng mà bạn đứng trên đó khi tất cả xung quanh bạn đều đang rung chuyển. Thành phố Cô-lô-sê nằm trong một vùng động đất, vì thế lời khuyên nhủ của Phao-lô có ý nghĩa đặc biệt đối với họ (c.23). Những thầy dạy mạo danh đã muốn các thánh thay đổi nền tảng của họ, nhưng Phao-lô đã chỉ dẫn Giáo hội đến với Đức Ki-tô: Đấng Cứu Độ (c.13-14), Thiên Chúa vĩnh hằng (c.15), Đấng Tạo Hóa (c.16-17), và Đầu của Hội thánh (c.18). Thật là một nền tảng hoàn hảo cho niềm hy vọng của bạn!
Niềm hy vọng ở trong anh em (c.24-29). Thiên Đàng hơn là một trạm nào đó; đó là một động lực bời vì Đức Ki-tô ở trong chúng ta.  Đó là một niềm hy vọng sống động (1Pr 1:3) mà ảnh hưởng đến cách thức chúng ta suy nghĩ và hành động của chúng ta suốt cả ngày. Bởi vì Đức Ki-tô ở trong chúng ta, nên chúng ta không cần phải sợ hãi điều gì ở phía trước.
Đồng hành với những ai bước đi trên con đường mà Đức Giê-su đã đi đó chính là: vượt trên Thập giá chính là niềm hy vọng. Trong những lúc bạn gặp gian nan thử thách, bạn có hướng về niềm hy vọng, và tìm kiếm niềm hy vọng đó từ những nơi đâu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kính mời quý ACE chia sẻ cảm nhận hoặc nêu thắc mắc ở đây. Xin cám ơn.
HHTLC